Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WEF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do sự phục hồi đã bị gián đoạn bởi cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, bên cạnh những "cú sốc" khác.

Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP
Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

Cuộc họp thường niên của WEF tại Davos, diễn ra từ 23-26/5, đã đồng tình với dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 3,6% trong năm nay, so với dự báo vào tháng 1/2022 là 4,4%.

Trong báo cáo Triển vọng của các nhà kinh tế trưởng hàng quý được công bố vào ngày họp đầu tiên, WEF đã chỉ ra 5 vấn đề sẽ định hình triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, bao gồm: Cuộc xung đột ở Ukraine; xu hướng thắt chặt tiền tệ; biến động thị trường tài chính; suy thoái kinh tế Trung Quốc; và tiếp cận vaccine trong đại dịch. Tất cả đều đã góp phần làm gián đoạn sự phục hồi trong năm nay.

Báo cáo hàng quý dựa trên cuộc khảo sát của 24 chuyên gia kinh tế trưởng tại một số tập đoàn, ngân hàng và các tổ chức cho vay đa phương lớn nhất thế giới. Trong đó, hơn 90% các nhà kinh tế được khảo sát dự báo lạm phát “cao” hoặc “rất cao” ở châu Âu và Mỹ trong năm 2022. 2/3 số người được hỏi dự kiến mức lương thực tế sẽ giảm ở các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay, trong khi 90% dự đoán tình hình này sẽ diễn ra ở các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Trong khi đó, ở Trung Đông và châu Phi, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao được cho là sẽ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Báo cáo lưu ý: “Theo quỹ đạo hiện tại, thế giới đang nhìn thấy một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, cộng với áp lực gia tăng của giá năng lượng cao”.

Theo một cuộc thăm dò do WEF ủy quyền, kỳ vọng của người dân các nước cũng tương đối khắc nghiệt. Những người được hỏi ở Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Ba Lan và Anh đều có xu hướng nói rằng họ lo ngại mức sống của mình sẽ giảm trong năm nay hơn là tăng lên.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang chứng kiến lạm phát tăng đột biến, 62% người dân dược hỏi dự đoán mức sống của họ sẽ giảm. 3/4 người Mỹ dự đoán hàng tạp hóa và nhiên liệu của họ sẽ đắt hơn trong 6 tháng tới. Những tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn trên toàn châu Âu. Nhật Bản là quốc gia duy nhất được thăm dò ý kiến mà những người được hỏi thường không quá lo ngại về việc chi phí sẽ tăng.

Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết, cuộc chiến ở Ukraine và sự hồi sinh của Covid-19 đã làm đảo ngược kỳ vọng phục hồi trước đó của các nền kinh tế.

“Chúng ta đang ở đỉnh của một vòng luẩn quẩn, có thể ảnh hưởng đến xã hội trong nhiều năm” - bà Zahidi nói - “Đại dịch và chiến tranh ở Ukraine đã chia cắt nền kinh tế toàn cầu, tạo ra những hậu quả sâu rộng có nguy cơ xóa sổ những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua”.

Bà nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn và những đánh đổi trong nước khi nói đến nợ, lạm phát và đầu tư”.

Nhà kinh tế trưởng Maarten Ackerman của Citadel nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đang mở ra một kỷ nguyên mới đầy biến động, và có thể xảy ra suy thoái đối với toàn thế giới: “Nguy cơ suy thoái gần như đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm, nếu cuộc chiến không kết thúc sớm”.

Cuộc họp trong 4 ngày của WEF sẽ chứng kiến các nhà lãnh đạo nỗ lực tìm giải pháp cho những thách thức cấp bách nhất của thế giới, bao gồm cả biến đổi khí hậu.