Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WHO cảnh báo tiêm nhắc lại nhiều lần vaccine không hiệu quả

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - WHO cảnh báo việc tiêm nhắc lại các liều tăng cường vaccine Covid-19 không phải là một chiến lược khả thi chống lại các biến thể mới.

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng việc tiêm vaccine nhắc lại là không bền vững và cần cải tiến thành phần trong các loại vaccine hiện nay để đảm bảo rằng, các vaccine này tiếp tục tạo ra sự bảo vệ trước sự lây nhiễm và mắc bệnh do các biến thể mới gây ra.

Các chuyên gia WHO phản đối việc tiêm nhắc lại mãi vaccine ngừa Covid-19
Các chuyên gia WHO phản đối việc tiêm nhắc lại mãi vaccine ngừa Covid-19

Đài RT ngày 11/1 đưa tin nhóm chuyên gia WHO cho biết tiêm nhắc lại mũi tăng cường để ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV2 là cách tiếp cận sai lầm, đồng thời khẳng định muốn ngăn đà  lây lan của dịch Covid-19 thì phải phủ vaccine toàn thế giới. “Chiến lược chủng ngừa mà theo đó tiêm nhắc lại liều tăng cường vaccine đã tiêm trước đó là không thích hợp và không bền vững” - nhóm Cố vấn kỹ thuật về chế phẩm vaccine (TAG-Co-VAC) của WHO nhấn mạnh hôm 11/1.

Một số quốc gia đang khuyến khích tiêm mũi vaccine thứ tư, song nhóm chuyên gia WHO lưu ý rằng “ưu tiên trước mắt của thế giới là tăng tốc khả năng tiếp cận vaccine”, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ bệnh trở nặng. Ngoài ra, các chuyên gia WHO nhấn mạnh sự cần thiết của việc các quốc gia được tiếp cận vaccine công bằng để đạt được các mục tiêu miễn dịch và bảo vệ sức khỏe toàn cầu.

Nhóm chuyên gia cũng kêu gọi "cần phát triển các loại vaccine phòng Covid-19 có tác động lớn trong việc phòng chống lây nhiễm và mắc bệnh, bên cạnh việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong". Theo các chuyên gia này, có thể cần phải điều chỉnh các vaccine hiện có để nhắm vào các biến thể mới như Omicron một cách hiệu quả hơn.

Nhóm chuyên gia cũng kêu gọi các nhà phát triển vaccine nên hợp tác  để nghiên cứu và phát triển các loại vaccine có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, lâu dài để giảm việc tiêm liều tăng cường liên tiếp.

Cũng trong ngày 11/1, ông Marco Cavaleri., lãnh đạo Chiến lược vaccine và các mối đe doạ sinh học thuộc Cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA), cho biết họ chưa có đủ dữ liệu để đề xuất tiêm liều nhắc lại mũi tăng cường, trong khi một số quốc gia đã khuyến khích người dân đi tiêm mũi vaccine thứ tư.

Ông Cavaleri nói rằng EMA “khá lo ngại về một chiến lược liên quan đến việc tiêm nhắc lại mũi tăng cường trong thời gian ngắn” và khẳng định họ không đủ nhân, vật lực để liên tục tiêm một liều nhắc lại sau mỗi ba đến bốn tháng.

Khuyến cáo trên được WHO và EMA đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia cân nhắc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường thứ hai nhằm chống đợt bùng phát liên quan biến thể Omicron, với số ca nhiễm tăng vọt.

Israel hồi đầu tháng bắt đầu triển khai mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người trên 60 tuổi. Anh cho biết mũi tăng cường đầu tiên có hiệu quả bảo vệ tốt và chưa cần tiêm mũi tăng cường thứ hai, song sẽ xem xét khi có thêm dữ liệu.

Pháp ngày 11/1 tiếp tục lập kỷ lục khi có hơn 368.000 ca mắc mới trong 24 giờ.
Pháp ngày 11/1 tiếp tục lập kỷ lục khi có hơn 368.000 ca mắc mới trong 24 giờ.

Trước đó, cùng ngày, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cảnh báo, hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. Theo cách phân chia của WHO, khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước ở vùng Trung Á.

Ông Kluge lưu ý, 50 nước và vùng lãnh thổ trong số này đã xác nhận xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron. Trong số đó, tính đến ngày 10/1, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận hơn 1% dân số mắc Covid-19 mỗi tuần.

Châu Âu hiện là tâm điểm của đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan đến biến thể Omicron. Với gần 8 triệu ca mắc mới trên toàn thế giới trong 7 ngày qua, châu Âu đang chiếm số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 cao nhất trên toàn cầu.

Ngày 11/1, Anh ghi nhận hơn 120.000 ca mắc mới trong 24 giờ, giảm hơn 22.000 ca bệnh so với ngày trước đó. Trong khi đó, Pháp tiếp tục lập kỷ lục khi có hơn 368.000 ca mắc mới trong 24 giờ. Nga cũng cảnh báo sẽ đối mặt với làn sóng tăng ca bệnh nhiễm Omicron trong vài tuần tới.