WHO: Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm phòng vaccine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu WHO nói rằng Omicron là một loại virus nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa được tiêm chủng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Reuter đưa tin, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 12/1 cho biết sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trên khắp thế giới hiện nay là do biến thể Omicron gây ra và nhấn mạnh con người không nên đầu hàng trước biến chủng đáng lo ngại.

"Chúng ta không được phép đầu hàng trước virus này, đặc biệt là khi rất nhiều người xung quanh vẫn chưa được tiêm chủng”, ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Tư.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh phần lớn những người nhập viện trên khắp thế giới chưa được tiêm chủng.

Theo ông Tedros, hiện còn hơn 90 quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số. "Ở châu Phi, hơn 85% người dân vẫn chưa được tiêm mũi một vaccine. Chúng ta không thể chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch trừ khi thu hẹp khoảng cách này", người đứng đầu WHO  cho hay.

Theo báo cáo của WHO, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu trong tuần tính đến ngày 9/1 là 15 triệu người, tăng 55% so với một tuần trước đó – mức cao nhất trong một tuần kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ông Tedros lưu ý thêm rằng phần lớn những bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trên khắp thế giới đều chưa được tiêm chủng và nếu dịch không được kiểm soát sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một biến chủng khác, thậm chí còn có khả năng lây lan và gây chết người hơn cả biến thể Omicron.

Biến thể Omicron lan nhanh khiến số ca mắc mới ở nhiều quốc gia tăng vọt, liên tục lập kỷ lục mới. Trong 24 giờ qua, có 7 quốc gia ghi nhận tới hàng trăm nghìn ca mắc mới. Dù độc lực của Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn, nhưng các bệnh viện ở nhiều quốc gia đang phải chống chọi với số ca mắc mới tăng vọt.

Trước tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron, nhiều nước châu Âu đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao trong 24 giờ qua. 

Giới chức Pháp thông báo số ca mắc mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, với 361.719 ca. Theo Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer, khoảng 10.000 trường học đang phải đóng cửa và khoảng 50.000 ca mắc Covid-19 được phát hiện tại các cơ sở giáo dục này. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thông báo quy định mới bắt buộc các học sinh từng tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 phải tự làm xét nghiệm Covid-19 trước ngày trở lại trường. 

Cũng trong ngày 12/1, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tới 77.722 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên trên 10,1 triệu ca. 

Ngày 12/1, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 80.542 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần 2 năm trước đây. 

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức trong 24 giờ qua vượt mức cao kỷ lục gần 65.400 ca ghi nhận hồi giữa tháng 11/2021. Trong 24 giờ qua Đức cũng ghi nhận 331 ca tử vong vì Covid-19. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước là 407,5/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 258,6 một tuần trước. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Đức ghi nhận hơn 7,7 triệu ca nhiễm Covid-19 mới và 115.650 ca tử vong vì dịch bệnh này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần