Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN và những thách thức đối với Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community – AC) là một kế hoạch lớn đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 (tháng 10/2003) tại Bali (Indonesia).

Mở đầu

Xây dựng Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community - AC) là một kế hoạch lớn đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 (tháng 10/2003) tại Bali (Indonesia). Đến Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 năm 2007 họp tại Cebu (Philippines), lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa AC sớm hơn 5 năm so với dự kiến trước đó nhằm đáp ứng tình hình phát triển nhanh chóng của khu vực; theo đó, AC sẽ ra đời vào cuối tháng 12 năm 2015. Đặc biệt, cho đến cuối tháng 8 năm 2008, khi bản Hiến chương ASEAN (được xem như Hiến pháp ASEAN) đã được Quốc hội tất cả các nước thành viên ASEAN phê chuẩn, thì việc hiện thực hóa AC càng có cơ sở để các nước ASEAN tin tưởng.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) là một trong ba trụ cột quan trọng của AC. Hai trụ cột còn lại là Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN  (ASEAN Political-Security Community - APSC) và Cộng đồng Văn hóa và Xã hội ASEAN  (ASEAN Social and Cutural Community - ASCC). AEC giữ vai trò quan trọng trong AC, bởi lẽ trước hết, nó là trụ cột có thể huy động được sức mạnh đồng thuận cao hơn so với hai trụ cột còn lại, một phần khác cũng là do lĩnh vực kinh tế có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tất cả các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, việc xây dựng AEC đang tạo ra cả cơ hội và thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là với những nước đi sau có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).  

Bài viết này tập trung vào việc phân tích các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng trong xây dựng AEC khi thời hạn tháng 12/2015 đang đến gần.

1. Vài nét tổng quan về AEC và tác động

 AEC là tham vọng chính trị lớn của Hiệp hội ASEAN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài... cũng như đối phó với sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt là sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ, v.v.

Có thể nhận biết những nội dung cơ bản của AEC qua Tuyên bố Hòa hợp Bali II (Bali Concord II): “Cộng đồng Kinh tế ASEAN là việc hiện thực hóa mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong “Tầm nhìn ASEAN 2020”, nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do, và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội sẽ được giảm bớt vào năm 2020...” .

Cũng theo Tuyên bố Hòa hợp Bali II, AEC là sự đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN, như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định Khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO)…, nhằm xây dựng ASEAN thành “một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất”. Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên và nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và vốn đầu tư. Sau đó, theo quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 12 tại Cebu, Philippin (01/2007), thời hạn thực hiện AEC được rút ngắn 5 năm. Như vậy, theo dự tính, AEC sẽ được thực hiện vào cuối tháng 12/2015 và khi đó ASEAN sẽ trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động có kỹ năng và vốn đầu tư.

Hiến chương ASEAN tiếp tục khẳng định mục tiêu kinh tế của hợp tác ASEAN  là: i) Xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh cao và hội nhập kinh tế; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hiệu quả; có sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; các doanh nhân, chuyên gia, nhân tài và lao động được di chuyển thuận lợi; và vốn được di chuyển tự do hơn; ii) Giảm thiểu đói nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hỗ trợ và hợp tác với nhau.

Theo kế hoạch xây dựng AEC, bốn mục tiêu và cũng là mô hình tổng quát của AEC là: 1) Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; 2) Một khu vực kinh tế cạnh tranh cao; 3) Một khu vực kinh tế cạnh tranh bình đẳng; 4) Một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu. Để thực hiện được 4 mục tiêu cơ bản này, vấn đề quan trọng nhất là ASEAN cần được xây dựng để trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, vì đây chính là nền tảng để ASEAN trở thành một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, có sự phát triển bình đẳng và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Để có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra là hiện thực hóa AEC vào cuối năm 2015, theo các nhà nghiên cứu về ASEAN thì ASEAN cần hội tụ đủ 5 yếu tố cơ bản: thứ nhất là quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo ASEAN; thứ hai là khả năng phối hợp và huy động các nguồn lực; thứ ba là tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết; thứ tư là xây dựng năng lực và phát triển thể chế; và thứ năm là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân .

Có thể thấy, hợp tác kinh tế của ASEAN trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và đã đạt được nhiều thành tựu, như giúp làm tăng tự do thương mại, đầu tư và di chuyển lao động trong khối, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư, v.v. Rõ ràng, với các vấn đề kinh tế thì việc đưa ra các bài toán về hợp tác theo công thức này hay hiệp định kia có vẻ dễ dàng hơn, vì vấn đề của kinh tế khá rõ và dễ định lượng, nhưng bản thân việc thực hiện lại không hề đơn giản, vì nhiều khi những tính toán kinh tế thường được các nước ASEAN dựa tính trên lợi ích quốc gia chứ không phải là dựa trên lợi ích của toàn khu vực .

Mặc dù các kế hoạch và chương trình của ASEAN nhiều và đầy tham vọng, nhưng khả năng thực hiện của ASEAN thì lại chưa tốt. Các nước thành viên ASEAN có thể nhất trí với nhau về ý tưởng và thảo luận được với nhau để đưa ra một kế hoạch chung. Song, khi bàn tiếp đến các biện pháp và các bước thực hiện cụ thể, thì ASEAN lại thường không thể đạt được một sự đồng thuận cao. Để sự thiếu vắng đồng thuận này không kìm chân các thành viên hăng hái, các phương thức 10-X và 2+X đã được nêu ra. Tuy nhiên, chúng lại đưa đến nguy cơ phân nhóm ASEAN, và vì thế càng dẫn tới sự thiếu đồng thuận. Thêm vào đó, nhiều khía cạnh của một thị trường thống nhất vẫn chưa được đưa vào kế hoạch thực hiện, chẳng hạn như: vấn đề mua sắm của chính phủ, khuyến khích xuất khẩu, chính sách cạnh tranh, hài hòa hóa các chính sách tỷ giá, tài chính và tiền tệ, v.v.

Hệ thống tổ chức của ASEAN gồm những cơ cấu có sự tham gia của mỗi nước thành viên mang tính chất đại diện cho quốc gia hơn là đại diện cho cả ASEAN. ASEAN không có một cơ chế điều hành độc lập có thẩm quyền điều phối chung cũng như thúc đẩy các nước thành viên thực hiện những cam kết hội nhập khu vực. Tổng thư ký ASEAN và Ban thư ký ASEAN được trao ít chức năng. Các cơ chế Hội nghị Ngoại trưởng, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN cũng như các hội nghị của các quan chức chuyên môn cao cấp (cấp thứ trưởng và vụ trưởng) hoạt động kém hiệu quả. Chúng mới chỉ dừng lại ở hình thức tham vấn chứ chưa phải là những cơ quan chức năng hay ban công tác thực thụ. Công việc của những cơ quan này cũng chỉ dừng lại ở mức “bàn bạc” là chính, chứ không phải triển khai. Thêm vào đó, nhiều đoàn đại biểu của các nước thành viên được chính phủ nước mình đồng ý cho hiện diện ở hội nghị, nhưng lại không được cho quyền quyết định. Điều này cũng góp phần làm cho việc triển khai thực hiện các biện pháp cam kết thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế của AEC trở nên chậm chạp hơn. Ngoài ra, việc áp dụng một cách tuyệt đối phương cách ASEAN (đồng thuận, không can thiệp, tự nguyện) trong liên kết kinh tế có thể cản trở sự linh hoạt cũng như hiệu quả của AEC trong các hành động và chương trình cụ thể, nhất là trong việc giám sát các nước thành viên thực hiện cam kết .

Chủ nghĩa bảo hộ trong lĩnh vực đầu tư của ASEAN vẫn còn khá mạnh. Sáng kiến Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) được triển khai là để thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nước vẫn còn bị chủ nghĩa bảo hộ níu kéo. Họ đưa rất nhiều ngành của mình vào danh mục nhạy cảm (SL), danh mục loại trừ tạm thời (TEL) và danh mục loại trừ chung (GEL). Các danh mục trên càng dài, hay càng nhiều ngành được đưa vào các danh mục, thì sự bảo hộ diễn ra càng mạnh và việc tự do hóa càng chậm chạp hơn; vì thế có thể dẫn tới liên kết kinh tế sâu hơn giữa các nước ASEAN càng gặp các trở ngại và khó khăn khi trở thành AEC.

Như vậy, theo dự tính, AEC sẽ là sự hiện thực hóa “Tầm nhìn 2020” vào năm 2015, là bước phát triển tiếp theo của các quá trình hợp tác kinh tế đã và đang được thực hiện trong ASEAN, có bổ sung thêm 2 nội dung mới là lao động di chuyển tự do và vốn được di chuyển tự do hơn. AEC sẽ là một Cộng đồng kinh tế mở với cách tiếp cận liên kết ngành, từng phần, tiệm tiến (step-by-step), nhiều “tốc độ” (multi-speed) và với tính thể chế cao hơn. Đây là một tham vọng lớn của ASEAN trong bối cảnh liên kết kinh tế của Hiệp hội đang được coi là khá lỏng lẻo với một loạt khó khăn và trở ngại như: chênh lệch phát triển lớn; các thể chế chính trị-xã hội khác biệt nhau; thị trường chia cắt và phân mảng; năng lực thực thi yếu kém.

Tham vọng này có thực hiện được hay không phần nhiều sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của mỗi nước nói riêng, cũng như của toàn khối nói chung trong việc thu hẹp chênh lệch phát triển, cải cách nền kinh tế của mỗi nước thành viên, hài hòa hóa và nâng cao quyền lực cũng như tính thực thi của các thể chế điều tiết toàn khu vực.

Có thể thấy, đoàn kết và ý chí chính trị của ASEAN là điều quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa AEC vào tháng 12/2015, nhưng dù đây là trụ cột có bước tiến nhanh nhất trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN thì AEC vẫn còn nhiều trở ngại. Những trở ngại này cần được giải quyết bằng những biện pháp cụ thể thông qua một hệ thống thể chế mạnh hơn với những chế tài cụ thể chứ không chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện và sự đồng thuận như hiện nay.

2. Các cơ hội đối với Việt Nam khi tham gia AEC

       Hội nhập khu vực và thế giới là con đường Việt Nam lựa chọn từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986). Cho đến nay, sau 20 năm gia nhập ASEAN (1995-2015), Việt Nam đã coi ASEAN như một ngôi nhà chung, vì vậy, việc hội nhập sâu hơn vào AC là lẽ đương nhiên và đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển toàn diện. Các cơ hội đó là gì?

           - Thứ nhất, tham gia AEC sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư, gia tăng kim ngạch thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện thu nhập

         Một trong các mục tiêu của AEC là tạo ra một thị trường, một cơ sở sản xuất duy nhất . Điều này có nghĩa là cả 10 nước ASEAN sẽ trở thành một không gian chung cho các dòng đầu tư đến từ các nước thành viên trong nội khối và từ ngoài khối. Việt Nam hiện là nước đang trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nên cần rất nhiều vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thu hút FDI từ các nước trong và ngoài khu vực, sau khi hội nhập vào AEC, Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện cải cách chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư quốc tế.

        Bên cạnh nhu cầu thu hút đầu tư, tự do hóa thương mại gia tăng sau khi ra đời AEC sẽ thúc đẩy Việt Nam tăng cường buôn bán với các nước ASEAN và các thị trường ngoài khối, từ đó tạo động lực cho khả năng tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với cả trong và ngoài khu vực. Nhu cầu đầu tư và gia tăng thương mại sẽ tạo động lực cho tăng trưởng GDP, từ đó sẽ góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động.

        - Thứ hai, tham gia AEC sẽ góp phần giúp Việt Nam phân bổ nguồn lực (vốn, công nghệ, nhân lực…) hợp lý hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân

        Mục tiêu thứ hai của AEC là xây dựng khối ASEAN trở thành một khu vực có tính cạnh tranh cao nhằm tạo ra sự năng động và hấp dẫn đối với thế giới. Điều này sẽ thúc đẩy các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực hạn hẹp của mình trong phát kinh tế. Việt Nam lâu nay vốn được xem là nền kinh tế có tính cạnh tranh không cao  so với các nước trong khu vực ASEAN, một phần lớn cũng là do việc lãng phí trong sử dụng nguồn lực. Nguồn vốn có hạn, trình độ công nghệ thấp, lao động ít được đào tạo bài bản, cộng với việc lãng phí nguồn lực to lớn là một trong những nguyên nhân chính làm cho Việt Nam luôn xếp ở thứ hạng cạnh tranh thấp. Sân chơi AEC sẽ là cơ hội để Việt Nam vươn lên trong cạnh tranh nếu không muốn thất thế trước các đối tác khác.

       - Thứ ba, tham gia AEC sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách cơ chế chính sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế quốc dân phù hợp hơn với tiến trình phát triển chung.

        Mục tiêu của AEC là xây dựng một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, điều này có nghĩa là các nước ASEAN sẽ hỗ trợ nhau để cùng phát triển, cũng đồng nghĩa với việc các nước kém phát triển hơn sẽ phải vươn lên mạnh mẽ để đuổi kịp các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải hết sức nỗ lực cải cách cơ chế chính sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tận dụng tối đa khả năng ở những ngành nghề có thế mạnh, có sức cạnh tranh cao, không lãng phí nguồn lực vào những ngành nghề có tính cạnh tranh thấp. Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, vận tải, du lịch… đang là những thế mạnh của Việt Nam, nếu có chiến lược phát triển đúng đắn sẽ là những lĩnh vực giúp Việt Nam khảng định vị thế hàng đầu của mình trong AEC.

       - Thứ tư, tham gia AEC sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh cải cách toàn diện thể chế kinh tế - chính trị - xã hội để trở thành một quốc gia hội nhập và phát triển với trào lưu chung của khu vực và thế giới mà vẫn không đánh mất bản sắc của mình.

         Mục tiêu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của AEC đồng nghĩa với việc AC nói chung và AEC nói riêng, cam kết sẽ là một khu vực luôn phấn đấu để có những giá trị chung có thể chia sẻ với thế giới. Điều này chính là động lực để các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, luôn ý thức được rằng, khu vực này cùng với các quốc gia thành viên của nó là một bộ phận hữu cơ của cộng đồng thế giới. Do vậy, các nước ASEAN dù khá đa dạng về chế độ chính trị - xã hội và bản sắc văn hóa, vẫn có thể cùng chia sẻ chuỗi giá trị chung để cùng hưởng lợi. Theo trào lưu đó, Việt Nam dù muốn hay không, dù sớm hay muộn vẫn phải tự “làm mới” mình cả về kinh tế và chính trị để có thể hội nhập đầy đủ với khu vực.

        Tóm lại, tham gia AEC sẽ là cơ hội tốt nhất để giúp Việt Nam vươn lên tự hoàn thiện mình nhằm vươn tới sự thịnh vượng về mọi mặt.

3. Một số thách thức đối với Việt Nam  

        Bên cạnh các cơ hội như đã nói ở trên, việc tham gia xây dựng AC nói chung và AEC nói riêng, cũng tạo ra một số thách thức không nhỏ đối với Việt Nam như sau.             

        - Trước hết, đó là thách thức về cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ khi hội nhập hoàn toàn vào khu vực. Chúng ta đều biết, hầu hết các nước ASEAN đều là những quốc gia dân chủ, có nền kinh tế thị trường với thành phần kinh tế tư nhân là chủ yếu hoạt động dưới sự giám sát của pháp luật, lấy tự do cạnh tranh làm động lực phát triển. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam do thành phần kinh tế nhà nước làm chủ đạo, các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động còn mang nặng tàn dư của cơ chế “xin cho”, thiếu minh bạch trong nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, v.v đang làm cản trở sự cạnh tranh lành mạnh ở nhiều lĩnh vực.

         Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã mạnh dạn cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất và kinh doanh, cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, thuế, các thể chế hội nhập quốc tế, chú trọng nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp, v.v. Tuy nhiên, các cải cách của Việt Nam chưa triệt để, chưa đồng bộ và chưa đủ để có thể vận hành nền kinh tế theo đúng quy luật của giá trị, của thị trường. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất khi tham gia vào AEC.

        - Thứ hai, thách thức về nguy cơ tụt hậu trong cạnh tranh. Đây là một thách thức hiện hữu. Mặc dù đã tiến hành cải cách nhiều năm, nhưng sức mạnh kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, năng lực kinh doanh…, những yếu tố chủ chốt quyết định tới khả năng cạnh tranh của Việt Nam, lại đang tỏ ra đuối sức so với các nước trong nội khối ASEAN theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Những yếu tố cơ bản này đều được tích hợp trong từng sản phẩm của Việt Nam, trong kỹ năng quản trị của các doanh nghiệp. Nguyên nhân nào đã khiến Việt Nam bị thua trong cạnh tranh với nhiều nước ASEAN khác là điều mà ai cũng hiểu nhưng không dễ bày tỏ. Hội nhập vào AEC sẽ càng làm cho Việt Nam thêm tụt hậu nếu chúng ta không thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả.

          - Thứ ba, thách thức về sự hiểu biết để hội nhập vào AEC. Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết đôi chút về hội nhập vào AEC, còn lại khoảng 70% doanh nghiệp (phần lớn là loại vừa và nhỏ) rất thờ ơ và không có hiểu biết tối thiểu về hội nhập AEC. Về phía đội ngũ công chức Việt Nam, sự hiểu biết về AEC còn chiếm tỷ lệ thấp hơn dưới 30%. Điều này đang đặt ra một thách thức to lớn đối với Việt Nam khi thời hạn ra đời AEC đang đến rất gần. Thiếu kiến thức về hội nhập vào AEC đồng nghĩa với sự thất bại trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp; còn đối với đội ngũ công chức nhà nước, việc thiếu hiểu biết về AEC sẽ khiến cho khu vực công Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hội nhập với khu vực.

        - Thứ tư, một thách thách thức khác đang đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là việc thu hút và giữ chân người tài và nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khi AEC ra đời, sự di chuyển lao động sẽ khá tự do trong nội bộ ASEAN. Điều này sẽ khiến cho lao động Việt Nam có trình độ cao (kể cả lao động chất xám và lao động có kỹ năng nghề nghiệp) dễ “đầu quân” cho các nước khác trong nội khối, dẫn tới chỗ Việt Nam có nguy cơ “chảy máu” chất xám và đối mặt với sự cách biệt ngày càng xa hơn so với các nước dẫn đầu trong khu vực.

4. Một số kiến nghị

        Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập vào AEC, Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, cần nhanh chóng triển khai và thực hiện một số giải pháp sau đây.

        - Thứ nhất, cần nhanh chóng tuyên truyền và cung cấp đầy đủ thông tin về AEC cho khối các doanh nghiệp và công chức nhà nước, đặc biệt cần tiến hành các hoạt động nghiên cứu toàn diện về các tác động về mọi mặt của AEC đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập và đưa ra các giải pháp đối ứng mang tính dài hạn.

       - Thứ hai, cần nhanh chóng cải cách thể chế kinh tế và hội nhập cho phù hợp với các cơ chế hoạt động của AC nói chung và AEC nói riêng, trong đó đặc biệt chú trọng  cải cách các thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách liên quan tới khu vực công.

       - Thứ ba, cần nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có liên quan đến các lĩnh vực quản lý, sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhân tài làm việc cho các doanh nghiệp, công ty và tổ chức của Việt Nam.    

       - Thứ tư, cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp theo dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong AEC, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng trong khu vực; tập trung vào các ngành sản xuất mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế, như giày dép, dệt may, điện tử, phần mềm và chế biến thực phẩm… Từ đó, thiết lập cơ sở cho các ngành sản xuất có trình độ cao hơn, phát triển từng bước thành một nền sản xuất có hàm lượng tri thức cao, đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội, nâng cao thị phần các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, từng bước khắc phục tình trạng chỉ thực hiện các hợp đồng gia công cho các nước khác.

        - Thứ năm, đối với TP. Hà Nội, với tư cách là đầu mối và là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cần tích cực triển khai các giải pháp mạnh nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của thành phố, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thủ đô, kết hợp với đổi mới thể chế kinh tế cho phù hợp với lộ trình, kế hoạch hành động và cơ chế vận hành của AEC.

5. Kết luận

        Xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột: APSC, AEC và ASCC, trong đó AEC giữ vai trò quan trọng, là mục tiêu chính trị hàng đầu và mang tính dài hạn của các nước ASEAN trong các thập niên tới. Lộ trình hiện thực hóa và cơ chế vận hành AEC đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen cho toàn khối, cũng như từng nước thành viên ASEAN.

        Việt Nam tham gia AEC là cơ hội để chúng ta thực hiện cải cách toàn diện nhằm phát triển đất nước. Quá trình hội nhập vào AEC đang đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đó là các thách thức chủ yếu về cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với luật chơi chung của khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia về mọi mặt, khả năng vận hành nền kinh tế thị trường và triển khai thực hiện đầy đủ các lộ trình hội nhập.

         Để biến các khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển, cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng cần đoàn kết thành một khối thống nhất, biến ý tưởng hội nhập thành hành động thực tế, chú trọng ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế kinh tế kết hợp với từng bước đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân và coi trọng chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

       Tương lai tốt đẹp đang chờ đợi ASEAN và Việt Nam. Khi AEC được hiện thực hóa, vị thế của AC trong đó có Việt Nam sẽ được nâng cao trong con mắt của khu vực và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trương Duy Hòa, chủ biên (2013): “Hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN: Bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra”, NXB KHXH, Hà Nội, 2013.

2. Trần Khánh, chủ biên (2013): “Hiện thực hóa Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN: Vấn đề và triển vọng”, NXB KHXH, Hà Nội, 2013.

3. Nguyễn Văn Hà, chủ biên (2013): “Hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động đến Việt Nam”, NXB KHXH, Hà Nội, 2013.

4. Nguyễn Đức Ninh, chủ biên (2013): “Xây dựng Cộng đồng văn hóa và xã hội ASEAN”, NXB KHXH, Hà Nội, 2013.

5. Nguyễn Huy Hoàng, chủ biên (2013): “Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN”, NXB KHXH, Hà Nội, 2013.

6. www.aseansec.org  “Declaration of ASEAN Concord II (Bali Concord II)”.

7. Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Charter), Xem: http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Hien-chuong-Hiep-hoi-cac-quoc-gia-Dong-Nam-A-20-11-2007-15-12-2008-82772.aspx./.