Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng đô thị thông minh: Khơi thông từ chính sách

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... là những địa phương đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn lực tài chính, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cơ chế chính sách.

Sa bàn quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: Công Hùng
Khi cuộc sống tiện ích hơn
Gần Tết Nguyên đán, giữa bộn bề công việc và hàng núi hồ sơ tổng kết công ty, chị Nguyễn Thu Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn phải tất bật lo sắm Tết cho gia đình, từ những món đồ trang trí nhà cửa đến thực phẩm thiết yếu, quần áo, đồ gia dụng... “Cũng may, cuộc sống hiện đại có đủ dịch vụ tiện ích đặt hàng, thanh toán online, giao hàng tận tay nên dù bận tối mắt tối mũi với công việc cuối năm, song tôi vẫn lo được chu toàn việc nhà” – chị Giang chia sẻ.

Còn với anh Nguyễn Đức Thuận, từ khi chuyển về sinh sống tại chung cư Sunshine Empire Ciputra (quận Bắc Từ Liêm) cảm nhận rõ ràng sự thoải mái, tiện ích của đô thị hiện đại. Bạn bè đến chơi hay chúc Tết, chỉ cần thao tác bấm số phòng của gia chủ trước cửa thang máy, thông tin nhận diện sẽ chuyển đến màn hình trong nhà anh và một cái nhấn nút là thang máy sẽ mở ra. Không những thế, hệ thống quạt, đèn chiếu sáng trong căn hộ cũng được cài đặt qua phần mềm, dễ dàng chỉnh mức theo nhu cầu sử dụng. Anh Thuận hào hứng chia sẻ, những tiện ích của căn hộ thông minh khiến cuộc sống trở nên thoải mái lại bảo đảm an ninh hơn.

Đó chỉ là những lát cắt nhỏ trong nhịp sống đô thị thông minh đang hình thành ở Hà Nội, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng sống cho người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện đang là nước có tốc độ đô thị hóa lớn nhất thế giới, dân số đô thị tăng nhanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những giải pháp tối ưu cho việc kết nối các thiết bị thông minh trong cuộc sống và điều hành công việc ở mọi lĩnh vực.

Nhìn ra thế giới, ứng dụng thành tựu cách mạng 4.0 đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Chẳng hạn, ứng dụng giao thông thông minh tại Stockholm (Thụy Điển) vào giờ cao điểm đã làm giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát khí thải 10%. Hay ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát 50%. Giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10 - 30% tổng chi phí vận hành...

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam được xem là tất yếu và có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, kinh tế phát triển, môi trường sống đảm bảo, chất lượng cuộc sống được nâng cao và đặc biệt là người dân đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của chính quyền thông qua hệ thống quản trị dữ liệu số. “Nhưng hiện nay, những quy định về đô thị thông minh còn chưa thống nhất dẫn đến thiếu nhất quán, khó triển khai thực hiện” – chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện là một trong những TP đi đầu về thực hiện các giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Dự kiến, giai đoạn 2021 – 2025, trong chương trình phát triển đô thị thông minh, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và cộng đồng DN.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, qua thực tế triển khai vẫn còn tình trạng manh mún, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị chưa hoàn thành. Nhiều dự án được xây dựng chỉ để giải quyết một vấn đề riêng lẻ ở một cơ quan quản lý mà ít có sự chia sẻ. “Nhiều địa phương còn hiểu chưa toàn diện, thống nhất về một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, số hóa và chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện những hợp phần cần có để phát triển đồng bộ đô thị thông minh” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận.

Thực tế đặt ra cho quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam thời gian tới là phải thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hóa liên thông đa ngành. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững. Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái, nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển đô thị thông minh thời gian tới là xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh. Cùng với đó, hoàn thiện quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia liên quan, quy chế quản lý đầu tư phát triển đô thị thông minh, khung đánh giá chung về phát triển cho các loại đô thị.
Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc