Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Tiểu Thúy - Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Trong khuôn khổ Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL”, nhiều đại biểu cho rằng, để định hướng phát triển du lịch của vùng, cần chú ý khi nguồn nhân lực đang thiếu về số lượng và yếu về kĩ năng.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại hội thảo. (Ảnh PV)
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại hội thảo. (Ảnh PV)

Nhân lực du lịch thiếu về số lượng, yếu về kĩ năng

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh chung hiện nay, Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch.

Hiện tại ngành du lịch đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh PV)
Hiện tại ngành du lịch đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh PV)

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước nói chung cũng như ở các tỉnh ĐBSCL nói riêng.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn trong tầm tay của tất cả chúng ta khi du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn, Đội ngũ nhân lực của ngành được đánh giá là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp tích cực vào thành tựu xây dựng, phát triển ngành trong nhiều năm qua.

Toàn cảnh hội thảo “xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL”. (Ảnh PV)
Toàn cảnh hội thảo “xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL”. (Ảnh PV)

Ông Mai Ngọc Thuyết, Phó Giám đốc, Trung tâm phát triển Du lịch – Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết,  Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện tại sau thời dài bị ảnh hưởng của dịch COVI19, chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% - thấp nhất trong ngành. Ở các điểm vườn, homestay, khu du lịch, hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.

Theo ông Nguyễn Phúc Viễn Đông, đại diện CityLand Education cho biết: Nguồn nhân lực chất lượng cao phải là nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế, được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu.

Định hình nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Nguyễn Phúc Viễn Đông khẳng định, để có nguồn nhân lực đạt cả chất lẫn lượng đòi hỏi phải định hình nguồn nhân lực có trình độ và tư duy hội nhập quốc tế ngay từ bậc học phổ thông. Đồng thời, triển khai đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đạt trình độ quốc tế.

Phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao là điều mà các doanh nghiệp trong nước đang định hướng. (Ảnh Hữu Tuấn)
Phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao là điều mà các doanh nghiệp trong nước đang định hướng. (Ảnh Hữu Tuấn)

Hoạt động đào tạo phải gắn chặt với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhân sự ngành du lịch ngoài kiến thức còn cần được trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng tự học, kỹ năng quản lý, phổ cập công nghệ và ngoại ngữ, kỹ năng tự học và nâng cao nhận thức, tư duy có trách nhiệm và hướng đến cộng đồng học tập suốt đời.

Ông Nguyễn Phúc Viễn Đông - Đại diện CityLand Education trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh PV)
Ông Nguyễn Phúc Viễn Đông - Đại diện CityLand Education trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh PV)

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các học sinh tham gia trao đổi giao lưu, tham quan thực tế, trải nghiệm hoạt động với các đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch. Tổ chức các sân chơi, câu lạc bộ ngoại khóa, nhóm trao đổi kiến thức kinh nghiệm, cuộc thi kỹ năng nghề, kiến thức du lịch, với sự tham gia của các nhân sự, chuyên gia, quản lý đang làm việc trong ngành du lịch để chia sẻ các kiến thức chuyên môn, những câu chuyện về nghề và tạo nguồn cảm hứng.

Trong khi đó, ông Mai Ngọc Thuyết cho rằng, cần kết nối các cơ sở đào tạo, góp ý xây dưng khung đào tạo phù hợp với nhu cầu du lịch của khu vực, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ trong phát triển du lịch các địa phương.