Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Chỉ thị số 30-CT/TU (Chỉ thị 30) về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” thể hiện quan điểm xuyên suốt và quyết tâm của Thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch văn minh. Đó là một quá trình bền bỉ, để xây dựng văn hóa, con người Hà Nội vừa mang nét đẹp đặc trưng riêng của Thủ đô, vừa tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng ở góc độ nào đó văn hóa ứng xử đang xuống cấp, nhưng có ý kiến lại nhận xét văn hóa Hà Nội trong thời gian gần đây có sự chuyển biến vượt bậc: Văn hóa phát triển có chiều sâu, tạo nên những giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Chính vì vậy, lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm đến phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
- Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội của Hà Nội thể hiện rất rõ ở tất cả các chỉ tiêu, con số đạt được. Đời sống, mức sống của người dân được nâng lên, được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế của Hà Nội, bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ cần phát huy cũng có những biểu hiện sa sút đáng lo ngại. Thậm chí nhiều người cho rằng đang có sự xuống cấp về mặt văn hóa, đạo đức, tinh thần. Mà sự sa sút này cũng không chỉ riêng của Hà Nội.
Ví dụ, nếu chúng ta quan sát lối sống, nếp sống, sự giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội xưa đối chiếu với ngày nay rõ ràng đã có những sự biến đổi; có cả sự thay đổi tích cực lẫn tiêu cực. Lớp người có tuổi cảm nhận có nhiều giá trị rất đáng giữ gìn trong văn hóa ứng xử của người Tràng An đã bị phai nhạt. Đôi khi nét thanh lịch không còn được như ngày xưa. Một phần vì đời sống kinh tế thị trường có những thúc bách khiến con người chạy theo giá trị vật chất, những giá trị có thể đo đếm, có thể tiêu dùng có thể sắm sửa được… Nên đôi khi chưa chú ý lắm giá trị văn hóa tinh thần, hoặc người ta coi nó chỉ là thứ yếu, có cũng được, không cũng được. Bên cạnh đó, còn có sự biến động mang tính tất yếu, tự nhiên về mặt dân cư. Hà Nội xưa chỉ mấy chục vạn dân, ngày nay cả nội và ngoại thành đó có gần 9 triệu người, lại còn hàng chục triệu khách du lịch quốc tế…
Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là nhiệm vụ thường xuyên nhưng luôn có ý nghĩa thời sự và cấp bách. Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ TP Hà Nội đều đề ra các chương trình mục tiêu về xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Có khi là Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 – 2020”; đến Đại hội lần thứ XIII thì Thành ủy Hà Nội lại ban hành Chương trình 06-Ctr/TU về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2026”. Tháng 2/2024, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị 30 khẳng định tư duy vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, hoàn thiện, thể hiện quyết tâm chính trị mới của Thành ủy Hà Nội nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Khi còn làm việc tôi cũng đã từng nói với anh em báo chí: “Hà Nội có thể không nhất thiết phải dẫn đầu về kinh tế, nhưng nhất thiết phải đứng đầu về văn hóa” – ý kiến đó được mọi người đồng tình.
Trong thời kỳ còn đương nhiệm (Bí thư Thành ủy TP Hà Nội) ông đã cùng Đảng bộ Thành phố ban hành nhiều Chương trình, Nghị quyết quan trọng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; ông đánh giá thế nào các nội dung nhiệm vụ mà Chỉ thị 30 trong giai đoạn hiện nay?
- Chỉ thị 30 đã nêu khá đầy đủ các nhiệm vụ cần phải làm. Trong 9 nhiệm vụ được đề cập tại Chỉ thị có thể khái quát lại thành 3 nội dung quan trọng: Thứ nhất: Phải nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của vấn đề văn hóa và vấn đề xây dựng con người nói chung. Với Hà Nội là xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Con người là chủ thể sáng tạo, chủ thể xây dựng Thủ đô mạnh cả về kinh tế, văn hóa quốc phòng và an ninh; nó phải tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của Thủ đô và tiêu biểu cho truyền thống của đất nước con người Việt Nam.
Nội dung thứ 2: Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong văn kiện của Đảng hay bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhấn mạnh: Chúng ta xây dựng phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải coi trọng phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hai cái đó không thể tách rời nhau được. Kinh tế phát triển vừa tạo nguồn lực vật chất để xây dựng văn hóa, con người; nhưng đến lượt nhân tố con người lại có tính chủ động để đẩy mạnh quá trình xây dựng phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Nội dung thứ 3: Đó là các nhiệm vụ cụ thể của các cấp các ngành cần phải thực hiện. Hay nói tóm lại là của toàn bộ hệ thống chính trị đều phải tham gia. Trong đó có lực lượng cụ thể: Như đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có vai trò nòng cốt, trung tâm, vừa là người thực hiện nhưng vừa dẫn dắt quá trình này. Bên cạnh đó là các cấp, các ngành, các lực lượng. Từ đoàn thanh niên, các Hội, Mặt trận tổ quốc đều phải vào cuộc vì tất cả đối tượng của các đơn vị này đều là con người, đều là tổ chức hoạt động trên địa bàn Thủ đô nên phải có trách nhiệm tham gia.
Bên cạnh các Chương trình công tác lớn, Hà Nội còn Ban hành các Nghị quyết chuyên đề, ví như Nghị quyết số 09-NQ/TU (Nghị quyết 09) của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Với Nghị quyết 09, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa. Theo ông, cơ sở nào để Hà Nội tự tin đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa?
Công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá, vừa để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, giải trí, nâng cao nhận thức của con người vừa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tháng 12/2023, Chính phủ cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Điều này để thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, so với các tỉnh, TP khác trong cả nước thì Hà Nội là địa phương có rất nhiều lợi thế, xét về nguồn lực cũng như các điều kiện thực hiện như: Tiếp cận giao lưu văn hóa sớm hơn, kịp thời hơn, hoạt động biểu diễn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng đa dạng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhiều người vẫn cho rằng hiệu quả của các chính sách xây dựng phát triển văn hóa không thể đong đếm trong 1 năm, 2 năm; mà cần rất nhiều năm. Xin ông cho biết một vài đánh giá về sự chuyển biến của văn hóa Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây?
Đúng vậy, văn hóa luôn là thứ thấm sâu, ngấm lâu. Lãnh đạo TP Hà Nội luôn coi trọng, nhận thức đúng, và rất quan tâm xây dựng phát triển văn hóa. Điều này thể hiện từ nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, công trình xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đến hoạt động nghệ thuật trên địa bàn. Bên cạnh tiếp nhận lời khen thì lãnh đạo TP Hà Nội cũng tiếp nhận những lời nhận xét phê bình góp ý để ngày càng hoàn thiện về phát triển văn hóa. Cụ thể là TP đã có những biện pháp xử lý các hành vi ứng xử thiếu văn hóa nhưng đồng thời cũng có biểu dương khen thưởng cho các cá nhân, tập thể điển hình trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Chính vì vậy, người Hà Nội đang có nhiều chuyển biến theo chiều hướng văn minh lành mạnh, từ văn hóa đi xe buýt, văn hóa giao tiếp nơi công cộng…
Hà Nội là TP duy nhất trên cả nước xây dựng bộ hai quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và quy tắc ứng xử nơi công cộng. Sau hơn 8 năm ban hành và thực hiện, rõ ràng đã mang lại tích cực của hai bộ quy tắc này. Nếu xây dựng các tiêu chí mà lý tưởng hóa quá thì cũng không thể đi vào đời sống. Diễn giải quá nhiều để người ta không nhớ thì cũng không nên. Bộ quy tắc cần những tiêu chí định hướng cơ bản, nêu ra chuẩn mực cần thiết, quan trọng của cán bộ công chức và của công dân Hà Nội. Hai bộ quy tắc này có giá trị thực tiễn, nó đi vào cuộc sống được mọi người đồng tình và là thước đo để điều chỉnh các hành vi ứng xử. Đài PT&TH Hà Nội hàng ngày có những “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”. Ngoài ra, công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản cũng có bước tiến rõ rệt. Hà Nội bảo tồn được nhiều di sản quý, tạo nhiều điểm đến cho người dân và du khách…
Theo ông, Hà Nội cần làm những gì để thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII củaĐảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh?
Chỉ thị 30 ra đời vừa để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa thực hiện những tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng từ Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021, trong đó bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như là cương lĩnh về văn hóa trong giai đoạn mới. Trong đó vừa nói lên tầm quan trọng của văn hóa, những kinh nghiệm quý báu của Đảng, của đất nước. Trong quá trình xây dựng bảo vệ tổ quốc, nhân tố văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau kháng chiến chống Mỹ cứu nước tháng lợi, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đưa ra đúc kết: Chúng ta thắng Mỹ trước hết là thắng về văn hóa. Và vấn đề thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những nhiệm vụ trong thời gian tới khi xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là những nhiệm vụ rất cụ thể và toàn diện. Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 30 đã đáp ứng tất cả những yêu cầu quan trọng ấy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
10:45 12/03/2024