Xe ghép, xe tiện chuyến: kinh tế chia sẻ hay kinh tế “chui”?

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số ý kiến cho rằng xe vận chuyển khách liên tỉnh theo hình thức xe ghép, xe tiện chuyến là một loại hình kinh tế chia sẻ, có lợi cho người dân và nền kinh tế.

Thế nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, bản chất nó mới chỉ hiện diện dưới hình thức kinh tế “chui” và kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp.

Nhận diện rõ nguy cơ

Xe ghép, xe tiện chuyến là loại hình sử dụng xe cá nhân, kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh, thu giá cước tự phát, không nộp thuế và không có bảo hiểm cho khách hàng. Vài năm qua, loại hình này nở rộ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Người dân chỉ cần lên Facebook, Zalo… tìm kiếm, sẽ luôn có những chuyến xe biển trắng sẵn sàng đưa đón.

Thậm chí, nhiều nhà xe còn mua sắm hàng loạt phương tiện, lập kênh quảng bá, tổng đài điện thoại để tiếp nhận đặt chỗ, thu tiền, vận chuyển khách.

Vừa qua có một số ý kiến cho rằng xe ghép, xe tiện chuyến là loại hình kinh tế chia sẻ, có lợi cho người dân. Tuy nhiên, quan điểm này hiện đang bị phản bác mạnh mẽ. Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương phân tích: “Kinh tế chia sẻ hay bất kỳ loại hình kinh tế nào, nếu làm lợi cho một nhóm người dân này, nhưng lại gây hại đến lợi ích của cộng đồng, Nhà nước và những người dân khác thì không thể hoan nghênh”.

Vị chuyên gia này cho rằng, xe ghép, xe tiện chuyến thực chất là kinh doanh tự phát. Và điều đáng nói nhất, các chủ xe có hiểu biết về pháp luật, biết những lỗ hổng để lách luật, cố tình kinh doanh “chui”, không đăng ký, không nộp thuế, không có các giao kết trách nhiệm với khách hàng. Đó là hành vi tư lợi, gây hại cho nền kinh tế - xã hội, cho các DN và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, bản chất hoạt động kinh doanh tự phát của chủ xe ghép, xe tiện chuyến là “sự cố ý”, coi thường pháp luật. Loại hình này ngày càng nở rộ sẽ khiến thị trường vận tải sụp đổ, các DN sẽ bỏ hết hoạt động kinh doanh hợp pháp, phải đóng thuế, phải tuân thủ các điều kiện ngặt nghèo để chuyển sang làm “chui”, vừa không phải đóng thuế, vừa không bị kiểm soát.

“Chúng ta phải nhìn nhận rõ, xe ghép, xe tiện chuyến là nguy cơ cho lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và mang đến nhiều rủi ro cho người dân” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Lỗ hổng trong luật đã đẻ ra nhiều loại hình xe chui như xe ghép, xe tiện chuyến... Ảnh: Phạm Công
Lỗ hổng trong luật đã đẻ ra nhiều loại hình xe chui như xe ghép, xe tiện chuyến... Ảnh: Phạm Công

Vị chuyên gia này lấy ví dụ, xe khách có đăng ký kinh doanh buộc phải lắp biển số màu vàng, có thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng theo dõi, nhưng xe ghép thì không. Nếu hành khách chẳng may lên một chuyến xe ghép nhưng gặp rủi ro, mất tích, hoặc tai nạn, sẽ rất khó để tìm ra. Hơn nữa, chủ xe ghép cũng có thể chối bỏ mọi trách nhiệm với hành khách khi có rủi ro mà chẳng có cơ sở, căn cứ nào để truy cứu.

 

Xe ghép, xe tiện chuyến sử dụng chủ yếu là kênh thông tin mạng xã hội để gom khách, nhận đặt chỗ. Trước hết nên siết chặt quản lý trên các kênh này, kiểm tra, truy xét tận nơi, xử phạt nặng những ứng dụng trực tuyến, trang mạng, số điện thoại tổng đài nhận đặt chỗ, gom khách cho xe không đăng ký kinh doanh.

Như vậy sẽ hạn chế được phần nào hoạt động kinh doanh “chui” của xe ghép, xe tiện chuyến. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần có những quy định, chế tài cụ thể hơn nữa để xử phạt hoạt động gom khách của xe ghép, xe tiện chuyến như kinh doanh trực tuyến không xin phép.

Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ: “Xe ghép, xe tiện chuyến đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Mỗi tỉnh, thành hiện có đến hàng nghìn chiếc, di chuyển liên tục đưa đón khách đến Hà Nội. Trong khi đó, kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi… đang ngày càng khó khăn hơn”. Và điều đáng nói nhất, nhiều xe ghép, xe tiện chuyến không hề hoạt động “chui” mà ngang nhiên mời chào khách trên mạng xã hội, lập tổng đài điện thoại, văn phòng để nhận đưa đón khách.

Thực tế đó cho thấy, công tác quản lý kinh doanh vận tải ở nhiều địa phương còn chưa sâu sát, hiệu quả. Cùng với đó là sự thiếu quan tâm của các ngành: thông tin truyền thông, tài chính… Xe ghép, xe tiện chuyến đâu chỉ liên quan đến lĩnh vực vận tải, hoạt động quảng bá, mời chào trên mạng xã hội còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý truyền thông, quản lý thuế...

Loay hoay tìm giải pháp

Xe ghép, xe tiện chuyến đã nở rộ nhiều năm nay, trong khi chưa tìm ra được giải pháp để quản lý, Bộ GTVT lại giáng thêm một đòn “cơ chế” nữa vào các DN làm ăn chân chính, mở đường cho loại hình xe “dù” này phát triển hơn.

Đó là tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ, chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản. Như vậy những xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã có hẳn một lối đi thênh thang, kinh doanh tùy theo ý thích. Và xe ghép, xe tiện chuyến hiện nay hầu hết là xe dưới 9 chỗ.

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định, việc tạo thêm kẽ hở trong luật cho thấy cơ quan quản lý Nhà nước đang khá bối rối, chậm chạp trước sự thay đổi của thời cuộc. Khi xuất hiện một loại hình kinh doanh mới, quy mô rộng khắp, tạo nên ảnh hưởng xã hội sâu rộng, việc của cơ quan quản lý Nhà nước là phải nhận diện nó có hại hay có lợi. Nếu có lợi phải đưa vào quản lý, tạo điều kiện cho phát triển. Còn có hại phải ngăn chặn bằng chế tài, quy định pháp luật.

“Sau nhiều năm, đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề, hệ lụy xung quanh xe ghép, xe tiện chuyến cho thấy Bộ GTVT đã quá chậm trễ, buông lỏng loại hình này” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.

Nguyên Trưởng phòng Điều độ, HTX Vận tải Tín Lợi Vương Văn Kha chia sẻ: “Bản chất xe ghép, xe tiện chuyến là xe hợp đồng, nhưng lại cho phép nó gom khách lẻ, không cần hợp đồng, tức là đặt nó ra ngoài vòng kiểm soát. Loại hình xe này nhất thiết phải đăng ký kinh doanh, chấp hành các quy định của pháp luật như xe hợp đồng, kê khai doanh thu và nộp thuế mới đúng quy định của pháp luật”.

 

Bộ GTVT nhất thiết phải nghiên cứu, xem xét lại quy định tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ. Ít nhất trong giai đoạn trước mắt, nếu chưa có khung pháp lý để quản lý xe ghép, xe tiện chuyến thì phải tìm mọi cách hạn chế lỗ hổng chính sách, ngăn ngừa tình trạng các cá nhân, tổ chức lách luật, kinh doanh vận tải khách liên tỉnh trốn thuế.

Về lâu dài, liên ngành Bộ GTVT -TT&TT -Tài chính - Công an cần xây dựng hệ thống pháp lý riêng để quản lý và phát triển xe kinh doanh vận tải phù hợp với bối cảnh xã hội mới khi kinh tế chia sẻ, kinh tế số chiếm vai trò chủ đạo.

Luật sư Phan Thị Thu Hiền

Ông Vương Văn Kha còn lưu ý, hiện nay, phần lớn xe ghép, xe tiện chuyến đăng ký ở tỉnh khác, đưa đón khách về Hà Nội hằng ngày. Chúng vừa tạo thêm áp lực giao thông rất lớn, vừa chèn ép DN của TP, lại không có đóng góp gì cho ngân sách. “Rồi dần dần các văn phòng xe ghép mọc lên khắp nơi, TP còn chịu nhiều hệ lụy hơn nữa mà không thể làm gì để ngăn chặn. Đó là sự bất công với Hà Nội” - ông Vương Văn Kha nói.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, phải chăng đang có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành có liên quan. Ông Đỗ Văn Bằng nói: “Nếu gọi nó là kinh tế chia sẻ, vậy trách nhiệm quản lý là của Bộ Tài chính hay Bộ GTVT? Và các hình thức quảng bá trên mạng, thu tiền, đặt chỗ… có cần phải được Bộ TT&TT quản lý hay không?”. Thời gian qua hoạt động kinh doanh trực tuyến đang dần dần được siết chặt, thu hồi cho Nhà nước hàng hàng nghìn tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, bất kỳ loại hình kinh doanh nào, nếu cơ quan quản lý Nhà nước tập trung làm quyết liệt đều sẽ được đưa vào khuôn khổ và mang lợi ích đến cho Nhà nước, Nhân dân. Và loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng không ngoại lệ, nếu các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc, xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch, đầy đủ, quyết tâm làm nghiêm sẽ không còn hành vi trốn thuế, cạnh tranh bất công, gây hại cho DN, đẩy nguy cơ cho người dân và gánh nặng cho Nhà nước.

 

Theo ước tính của Sở GTVT Hà Nội, hiện có khoảng 2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn TP, tạo nên áp lực giao thông không nhỏ. Trong đó có cả xe khách trá hình, xe ghép, xe tiện chuyến, những chiếc xe dù kinh doanh theo dạng lách luật, phá luật. Chính những chiếc xe này đang khiến ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng trầm trọng.