Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: VKS bảo lưu quan điểm truy tố các bị cáo

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/3, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư cho các bị cáo. Tại tòa, đại diện VKS cho rằng, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng.

Cụ thể, về biên bản giám định, VKS cho rằng, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục giám định thực hiện các quy định giám định, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định của Bộ Xây dựng. Trong đó, có giám định nguyên nhân vỡ ống. Sau khi giám định, Bộ Xây dựng đã có kết luận giám định tư pháp về nguyên nhân chính gây vỡ tuyến ống là do chất lượng ống không đảm bảo, không có cơ sở xác định độ bền ống 50 năm. Từ phân tích nêu trên, Cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định về các lần vỡ ống với nguyên nhân do chất lượng ống không đảm bảo.
Đại diện VKS cho rằng cáo trạng truy tố các bị cáo về tội ''Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng'' là đúng
Về nội dung luật sư cho rằng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 là tiêu chuẩn nước ngoài, sử dụng công nghệ mới. Ở nội dung này, quan điểm của VKS như sau: Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 – 01 là do chủ đầu tư phê duyệt áp dụng vào ngày 15/4/2004. Đối với nhà thầu sản xuất cung cấp ống, ngày 4/4/2005, bị cáo Trần Cao Bằng - Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex đã ký công bố tiêu chuẩn AWWA áp dụng cho ống sợi thủy tinh. Doanh nghiệp cam kết kinh doanh hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn công bố nêu trên. Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo hàng hóa và chịu trách nhiệm về hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh. Như vậy, nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01.

Về các bị cáo, cơ quan tố tụng xác định các bị cáo bị cáo Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc BQLDA cấp nước sông Đà không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng công trình nên khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống composite cho dự án đã không yêu cầu chi tiết quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm mà nhà thầu cung cấp vật tư, vật liệu cung cấp sản xuất cho dự án không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra theo quy định.

Còn hai bị cáo bị cáo Nguyễn Văn Khải - Phó Giám đốc BQLDA cấp nước sông Đà và Trương Trần Hiển - nguyên Trưởng phòng vật tư được giao nhiệm vụ mua sắm thiết bị thực hiện dự án. Tuy nhiên, hai bị cáo này đã không kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ phần thí nghiệm sản phẩm composite cung cấp cho dự án khi không đúng với tiêu chuẩn.

Đối với 2 bị cáo thuộc công ty sản xuất ống, về bị cáo Trần Cao Bằng - Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex, là đơn vị được chỉ định nhà thầu sản xuất và cung cấp ống cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước sông Đà. Bị cáo đại diện cho công ty công bố, cam kết tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 theo tiêu chuẩn của Mỹ và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tây. Bị cáo đã ký hợp đồng số 07 với Ban QLDA để cung cấp ống cho BQLDA. Tại phụ lục 2 của hợp đồng đã thiếu 2 chỉ tiêu tiêu chuẩn của ANSI/AWWA C950 - 01.

Tại phiên tòa, bị cáo xác nhận chịu trách nhiệm từ khi ký hợp đồng đến khi tổ chức sản xuất, lắp đặt… nhưng vẫn cố tình bỏ qua 2 chỉ tiêu về độ biến dạng ống cứng vòng dài hạn và áp xuất thiết kế thủy lực dài hạn. Bị cáo xác định, trách nhiệm này thuộc tổ tư vấn thiết kế là không đúng. Bởi, trên thực tế, bị cáo này đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống đã đạt chất lượng với đại diện chủ đầu tư.
Các bị cáo tại tòa
Đối với bị cáo Vũ Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc, với nhiệm vụ triển khai hoạt động sản xuất ống composite, bị cáo biết tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 của Mỹ có 7 chỉ tiêu nhưng bị cáo vẫn tiến hành sản xuất với 5 chỉ tiêu. Bị cáo Hải đã cùng với bị cáo Bằng với tư cách là nhà thầu sản xuất cung cấp ống ký xác nhận hơn 3.000 sản phẩm ống composite và phụ kiện không đủ tiêu chuẩn dẫn đến hậu quả 18 lần bị vỡ với 23 cây ống. Theo VKS, hành vi của các bị cáo này đã vi phạm quy định về pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999 và Luật xây dựng 2003.

Đối với nhóm 4 bị cáo thuộc đoàn tư vấn giám sát, có trách nhiệm kiểm soát chất lượng ống để thi công nhưng không tuân thủ quy định và kiểm tra ống về ngoại quan theo tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01, không tiến hành thí nghiệm để kiểm tra xác định chính các chất lượng ống, không xem xét đến độ bền ống đến 50 năm để phát hiện ra ống kém chất lượng.

Với vai trò là trưởng đoàn, bị cáo Đỗ Đình Trì - nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn thực hiện giám sát việc thi công lắp đặt tuyến ống. Trong đó, bị cáo Trì chịu trách nhiệm toàn bộ về việc 18 lần vỡ ống với 23 cây ống bị vỡ; bị cáo Hoàng Quốc Thống - nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà chịu trách nhiệm về 9 lần vỡ ống với 13 cây ống bị vỡ; bị cáo Bùi Minh Quân - nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà chịu trách nhiệm 7 lần vỡ ống với 7 cây ống bị vỡ và bị cáo Nguyễn Biên Hùng - nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà chịu trách nhiệm 3 lần vỡ ống với 3 cây ống bị vỡ. Từ đó, VKS cho rằng, hành vi của các bị cáo trong nhóm tư vấn giám sát đã vi phạm quy định tại Luật Xây dựng năm 2003.

Về hậu quả vụ án, các luật sư nêu không có thiệt hại. Tuy nhiên, VKS cho rằng, vụ án truy tố xét xử 9 bị cáo với 18 lần vỡ ống và 23 cây ống bị vỡ. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì đơn vị vận hành đã chi phí cho việc khắc phục sự cố vỡ ống là hơn 16,6 tỷ đồng. Ngoài ra, khi vỡ ống, đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước để thi công đoạn ống bị vỡ với tổng thời gian ngừng cấp nước là 386 giờ và ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. Như vậy, việc vỡ ống đã gây ra thiệt hại nhưng đơn vị khai thác dự án đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Lý do là đã dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của công ty khai thác. Bởi, việc không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là không gây thiệt hại như đã phân tích ở trên.

Từ những phân tích nêu trên, VKS cho rằng, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng.