Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xin đừng kinh doanh trên nỗi sợ hãi

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận gần đây nói nhiều đến chuyện một số phòng khám “vẽ bệnh” để moi tiền của người bệnh. Điều này gây bức xúc, đặc biệt là mất niềm tin với đội ngũ thầy thuốc.

Mới đây, một chị cho biết: “Mẹ tôi đi khám một bệnh viện. Bà bị đau vai gáy. Sau khi chụp chiếu, có cả chụp cộng hưởng từ, bác sĩ nói bà bị bệnh nặng lắm, cột sống hỏng hết.

Đặc biệt, bác sĩ còn nói: “Bà bị rối loạn tiền đình, có thể ngã và tử vong bất cứ lúc nào” rồi đề nghị cho nhập viện gấp.

Chị này chia sẻ: “Người già thì hầu hết ai cũng có bệnh. Có bệnh thì nên chữa, nhưng không nên hù dọa họ như vậy”.

Không hiếm trường hợp, nhân viên y tế lợi dụng sự không hiểu biết của người bệnh để… dọa. Có người bị nhân viên y tế nói rằng anh ta bị tiểu đường rồi, sẽ bị… rụng răng, mù mắt… nhiều thứ nữa.

Anh này nghe hoảng quá nên đã khóc òa. Nhưng khi đi khám và xét nghiệm lại ở bệnh viện uy tín, anh mới biết mình không bị tiểu đường.

Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp tương tự, đáng buồn là nguyên nhân chủ yếu do cơ sở y tế muốn có thêm bệnh nhân, tăng doanh thu.

Điều đáng nói, khi nhân viên y tế dọa dẫm người bệnh thường dựa trên một phần của sự thật (không phải hoàn toàn sự thật) và nắm được điều hầu hết những người bệnh không hiểu rõ về bệnh tật.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) luôn trăn trở về vấn đề này. Ông tâm sự:

Con người sinh ra trên trái đất này, ngoài việc khả năng tư duy còn kèm theo bao nhiêu nỗi sợ hãi. Ngay từ xa xưa họ đã biết sợ đói rét, sợ những cơn thịnh nộ của trời đầt, sợ bệnh tật và sợ cả nhau nữa.

Trong y học cũng vậy, con người ai mà chẳng sợ chết, chẳng sợ bệnh tật? Thực tế, không chỉ ở nước ta mà ở rất nhiều nước trên thế giới là có một số thầy thuốc và nhân viên y tế cũng đã lợi dụng sự sợ hãi của bệnh nhân bằng cách hù dọa về mức độ nặng nhẹ của bệnh tật mà họ đang mắc phải để mưu cầu những đòi hỏi về tài chính cũng như quà cáp từ phía người bệnh và gia đình bệnh nhân.

Những hành động này luôn bị lên án bởi bệnh nhân, bởi các đồng nghiệp những người nghiêm túc trong cuộc sống và bởi dư luận xã hội. Họ bị lên án là những kẻ kinh doanh hay lợi dụng nỗi sợ hãi của con người đó là những hành động không thể chấp nhận được.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề: “Liệu có biện pháp nào để tránh những chuyện như vậy có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai? Đó là một câu hỏi rất khó cho những nhà quản lý. Nó đòi hỏi họ vừa phải có trình độ, vừa phải có bản lĩnh dám làm và dám chịu trách nhiệm trước người bệnh và trước cả lương tâm của chính mình”.

Là người dân, chúng tôi mong, các cơ sở y tế, thầy thuốc hãy đặt đạo đức nghề nghiệp - y đức lên trên hết, không nên “kinh doanh trên nỗi sợ hãi” của người bệnh.