Xô xát Trung Quốc - Ấn Độ: Ngoài găng quyết liệt, trong kiềm chế

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa Ấn Độ và Trung Quốc dai dẳng từ rất lâu cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và xung đột biên giới. Hai bên đã từng tiến hành chiến tranh biên giới với nhau và từ sau cuộc chiến tranh biên giới cuối cùng năm 1962 đến nay vẫn thường xảy ra đụng độ và xô xát giữa binh lính của hai bên ở vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền. Nhưng lần xảy ra đụng độ vừa rồi có hai điều khác so với những lần trước đó.

Thứ nhất, việc đụng độ và xô xát xảy ra không ở một nơi mà đồng thời ở nhiều nơi trên dọc tuyến biên giới hay ranh giới chung. Thứ hai, tuy không bên nào sử dụng súng đạn nhưng lần đầu tiên lể từ nhiều năm trở lại đây binh lính của cả hai bên đều bị thiệt mạng.
Những phát biểu của chính giới hai nước thể hiện quan điểm thái độ và định hướng đối sách đều rất mạnh mẽ và gay gắt, thể hiện quyết tâm ăn miếng trả miếng lẫn nhau, chấp nhận leo thang căng thẳng và đối địch cũng như sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự cứng rắn và kiên quyết hơn.
Ấn Độ và Trung Quốc đã từng tiến hành chiến tranh biên giới với nhau và từ sau cuộc chiến tranh biên giới cuối cùng năm 1962 đến nay vẫn thường xảy ra đụng độ.
Biểu hiện ra bên ngoài, dường như cả hai phía đều muốn cho nhau thấy là không hề ngán chiến tranh và đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản cực đoan nhất là hai bên xô đẩy nhau vào cuộc chiến tranh biên giới mới.
Nhưng ở bên trong, cả hai bên đều chủ động kiềm chế và không để cho tình hình đụng độ diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Cả hai bên đều ý thức được rằng phải cùng nhau ngăn ngừa xảy ra chiến tranh bằng mọi giá.
Trung Quốc mạnh hơn Ấn Độ về quân sự thật đấy nhưng thời cuộc và bối cảnh tình hình ở hai nước, ở khu vực liên quan, ở châu Á và trên thế giới không phải như ở thời năm 1962 và không có bên nào có thể thay đổi được nguyên trạng hiện tại.
Ấn Độ không bị bắt buộc phải giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc như Pakistan. Trung Quốc cũng biết điều ấy. Vì thế, Ấn Độ và Trung Quốc hiện không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải "nuôi" cuộc tranh chấp. Vì thế, đụng độ hay xô xát giữa hai bên xảy ra khi vô tình và chủ ý, khi có sự hiểu nhầm về biểu hiện và vụ việc trên thực địa, nhưng cả khi chủ ý vì để trang trải nhu cầu đối nội và đối ngoại.
Chuyện lần này giữa Ấn Độ và Trung Quốc có phần gây bất ngờ bởi mối quan hệ song phương thời gian gần đây rất tốt đẹp. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau những 18 lần.
Hai bên đã khuấy động lên được cái gọi là "Tinh thần Vũ Hán" với nội dung chính là thiện chí thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong hiểu biết ngầm chung là cạnh tranh chiến lược với nhau. Xem ra, tính bền vững của tiến triển trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn bị hạn chế.
Trên thực địa, hai bên đều có những việc làm khiến bên kia nghi ngại và lo lắng như xây dựng các cấu trúc và công trình kiên cố ở vùng lãnh thổ tranh chấp và xây dựng mạng lưới các tuyến đường giao thông tiếp cận vùng biên giới.
Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở các quốc gia Nam Á xung quanh Ấn Độ, trong khi Ấn Độ gắn bó mật thiết hơn với Mỹ, triển khai mạnh mẽ chiến lược Hướng Đông và thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản và Australia, cùng với Mỹ và hai nước này dần hiện thực hóa ý tưởng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khu vực Nam Á lại còn đóng vai trò rất quyết định tới thành công của kế hoạch lớn Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. Thời sự hóa chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ giúp Trung Quốc đánh lạc hướng quan tâm của thế giới khỏi chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á và ở khu vực Biển Đông.
Ông Modi chơi con bài chủ nghĩa dân tộc trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại thì đương nhiên phải găng chứ không thể dịu trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và Pakistan. Có thể thấy địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc là hai tác nhân chi phối ở mức độ rất quyết định chuyện khúc mắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và xung khắc biên giới.
Đối ngoại được hai bên sử dụng để trang trải nhu cầu đối nội và phục vụ đối nội cũng như mục tiêu địa chiến lược ở đây có nghĩa là không được để cho lợi bất cập hại. Vì thế, hai phía đã và sẽ còn thể hiện ra bên ngoài là rất gay gắt với nhau nhưng ở bên trong cũng lại đã và sẽ tiếp tục kiềm chế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần