Xóa thuế ô tô Mỹ, Trung Quốc chống lại WTO hay tự hại mình?

Hương Thảo (Theo Foxbusiness)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham vọng của Washington, vô tình kết hợp với một điều khoản của WTO, sẽ đặt Bắc Kinh vào thế tự "cứa mình".

Bữa tối thân mật giữa 2 phái đoàn của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Argentina cuối tuần qua đã mang đến nhiều thỏa thuận Mỹ - Trung đáng chú ý.
Sau nhiều tháng lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 đã tuyên bố Bắc Kinh đồng ý loại bỏ mức thuế dưới 40% đối với xe nhập khẩu Mỹ.
Thực tế là hiện phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra xác nhận chính thức nào về thông tin này, tuy nhiên tuyên bố từ ông chủ Nhà Trắng đang vô tình nhắc nhớ đến một chính sách của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà theo đó nếu Bắc Kinh đưa ra mức thuế về 0 đối với ô tô Mỹ thì sẽ phải có động thái tương tự với mọi quốc gia khác trong WTO. Theo trang Vox, viễn cảnh này sẽ là những quốc gia nặng ký trong ngành như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức cũng phải được hưởng lợi.
Gary Hufbauer, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: "Nếu thuế nhập khẩu ô tô thực sự không nằm trong bảng bảo vệ thuế quan của Bắc Kinh thì tôi nghĩ các nhà cung cấp khác ngoài Mỹ, sẽ gia tăng việc bán hầu hết các xe ô tô cho Trung Quốc".
Các nhà điều hành thương mại quốc tế có nguyên tắc cấm các quốc gia phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại. "Trao cho ai đó một ưu đãi đặc biệt (chẳng hạn như thuế suất thuế quan thấp hơn đối với một trong các sản phẩm của họ) nghĩa là bạn phải hành động tương tự với tất cả các thành viên WTO khác", WTO đăng tải trên trang web chính thức.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cuối cùng sẽ được hưởng lợi từ một mức giá không có thuế quan đối với ô tô vào Trung Quốc. Đáng nói là, theo ông Hufbauer, thị trường Trung Quốc tỏ ra ưa chuộng dòng xe đắt tiền sản xuất tại châu Âu, bên cạnh đó là dòng xe giá cả phải chăng hơn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi những dòng xe do Mỹ sản xuất như xe tải và xe SUV cỡ lớn lại không có sức hấp dẫn tương tự.
Ông Hufbauer phỏng đoán, nhiều khả năng nếu đồng ý với nguyện vọng của Mỹ, Trung Quốc sẽ cố gắng tìm cách để phá vỡ chính sách "chống phân biệt" của WTO: "Người Trung Quốc không có tiền sử vi phạm nghiêm trọng các quy định WTO. Nhưng đó là lịch sử. Mọi chuyện đang thay đổi, đặc biệt là sau vụ kiện họ (Trung Quốc) tại tổ chức quốc tế này".
Bằng không, khi Bắc Kinh vẫn tuân thủ quy định của WTO, đó sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền Tập Cận Bình trong việc bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước để có thể cạnh tranh được với các nước khác ngay tại sân nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần