Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội:

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Câu chuyện di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội tiếp tục trở thành đề tài làm “nóng” nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị có báo cáo gửi các đại biểu liên quan đến vấn đề này.

Nan giải công tác di dời

Từ năm 2012, thực hiện quy định trong Luật Thủ đô và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan T.Ư bắt đầu được tiến hành, nhằm giảm tải những áp lực lên hạ tầng ở khu vực nội đô và bố trí, sắp xếp lại nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiện ích công cộng cho Thủ đô.

Bộ NN&PTNT trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Bộ NN&PTNT trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Cũng trong năm này, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu Liên cơ Võ Chí Công (thuộc địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ) để di dời các cơ quan trực thuộc UBND TP. Tháng 7/2020, 8 sở, ngành của TP Hà Nội có trụ sở cũ nằm ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã được di dời đến trụ sở mới (Khu Liên cơ, thuộc địa bàn quận Tây Hồ).

Tuy nhiên, đối với các bộ, ngành, cơ quan T.Ư đến tận thời điểm này sau 10 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới chỉ có 9 bộ, ngành, cơ sở được di dời, một số cơ quan khác vẫn kiên trì “cố thủ” tại những địa điểm cũ khiến hạ tầng khu vực nội đô ngày càng nhiều áp lực.

Trong khi đó, những cơ quan này tập trung chủ yếu ở khu quận Ba Đình, Hoàn Kiếm... là vùng lõi của Hà Nội, vốn đã chịu nhiều áp lực về dân số đông, quá tải hạ tầng. Riêng số lượng cán bộ, chuyên viên đang trực tiếp làm việc hàng ngày đổ vào khu vực nội đô là hàng chục nghìn người, chưa tính một lượng lớn người dân, tổ chức, DN qua lại thực hiện các thủ tục hành chính, kéo theo lượng phương tiện giao thông tương đương đi kèm, khiến việc quá tải đến giao thông đô thị, gây ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng thực hiện rà soát 36 cơ quan T.Ư thuộc đối tượng quy hoạch gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể T.Ư để xây dựng phương án quy hoạch cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần ở khu vực Mễ Trì. Phương án di dời gồm 2 nhóm: Cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ. Nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan nhưng đến nay công tác này diễn ra rất chậm.

“Công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn, trong nguồn vốn xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan). Ngoài ra các bộ, ngành và địa phương chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Cần áp dụng chế tài

Theo đánh giá, việc di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan T.Ư là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm hướng tới tập trung thành một khu trung tâm chính trị - hành chính, giảm áp lực giao thông, cải thiện, chỉnh trang đô thị, nâng cao vị trí quyền lực của cơ quan công quyền là cần thiết. Nhưng tính đến nay vẫn còn khoảng 10 bộ, ngành nằm trong diện phải di dời khỏi khu vực nội đô chưa thực hiện theo chỉ đạo, đáng chú ý là những cơ quan này đều đang sở hữu vị trí được xem là “đất vàng” của Thủ đô.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác di dời bộ, ngành, cơ quan T.Ư khỏi khu vực nội đô, các chuyên gia cũng cho rằng do nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng trụ sở mới gặp nhiều trở ngại nên các bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết tâm. Cùng với đó là sự nể nang, thiếu kiên quyết của những cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện, dẫn đến việc thực thi quyết sách của Chính phủ chưa thực sự nghiêm túc.

“Tôi cho rằng cần phải có cơ chế đặc thù, đó là xã hội hóa để các bộ, ngành, cơ quan T.Ư chủ động thực hiện hoặc tìm đối tác để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở mới, trong đó tính đến cả phương án cho phép đấu giá trụ sở cũ sau khi di dời. Những khu đất không thể kinh doanh thì trao cho chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích công cộng, nếu không quyết liệt thì sẽ không thể thành công được, vì vậy cần phải thực hiện một cách linh hoạt” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô là vấn đề rất quan trọng nhằm giãn dân, di dân để không tập trung quá đông ở khu vực nội đô. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là thái độ chây ì của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là những cơ quan đã di dời chưa muốn trả lại phần công sản.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm về việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội là quyết sách lớn của Chính phủ, để chỉnh trang lại bộ mặt đô thị. Tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, đã quy định rõ những nội dung liên quan. Vì vậy, các bộ, ngành phải di dời chứ không phải “thích ở đâu thì ở”, vấn đề hiện nay là phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vị trí từng bộ, ngành và Bộ Xây dựng là cơ quan có chức năng giám sát việc này.

 

"Việc các bộ, ngành chậm di dời một phần là do quy hoạch xây dựng phát triển đô thị chưa rõ ràng đâu là cơ quan hành chính, khu dân cư, đâu là hạ tầng công cộng... Quy hoạch này phải chuẩn xác, khoa học, làm căn cứ để thúc đẩy việc di dời nhanh hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng các chủ thể phải di dời có ảo tưởng “đất vàng” sinh lợi nên kỳ vọng “cố thủ” để làm chủ." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước La Văn Thịnh

"Tôi kiến nghị nếu cơ quan chây ì, chậm trễ di dời thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với những cơ quan, đơn vị này. Sau khi di dời cần kiên quyết và có văn bản hối thúc những cơ quan, đơn vị thực hiện việc trả lại trụ sở cũ theo đúng quy định pháp luật, quy định cụ thể thời gian phải trả lại công sản cho Bộ Tài chính quản lý. Trường hợp khi hết thời gian mà chưa trả lại thì đề xuất với Chính phủ xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Có như vậy sẽ thực hiện được triệt để, đảm bảo tính công bằng."- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa