Xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Chồng chéo, thiếu quyết liệt

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vi phạm công trình thủy lợi không chỉ gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm này được cho là còn chồng chéo, thiếu quyết liệt.

 Một công trình xây dựng trái phép ven sông Đáy.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn TP phát sinh 153 vụ vi phạm công trình thủy lợi. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ vi phạm phát sinh tăng 76 vụ. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất, dựng hàng rào, trồng rau màu; xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đổ phế thải, vật liệu xuống sông, hồ, kênh mương… Vi phạm xảy ra tập trung chủ yếu tại các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa…

Mặc dù số vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn TP xảy ra nhiều nhưng việc xử lý được đánh giá là chưa triệt để. Minh chứng là trong tổng số 153 vụ vi phạm công trình thủy lợi phát sinh từ đầu năm 2019 đến nay, các địa phương mới xử lý được 18 vụ, hiện còn tồn tại tới 135 vụ. Trong đó, địa bàn do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý còn tồn tại nhiều vi phạm nhất với 101 vụ.

Một trong những nguyên nhân của tiến độ xử lý các vi phạm công trình thủy lợi rất chậm chạp hiện nay là do sự chồng chéo và thiếu quyết liệt của các đơn vị chức năng. Thực tế, dù được giao quản lý công trình thủy lợi, tuy nhiên 5 DN thủy lợi của Hà Nội lại không có chức năng xử phạt (?!) Thay vào đó, nhiệm vụ chính của những DN này là phát hiện, lập biên bản hiện trường, rồi gửi hồ sơ đề nghị và đôn đốc các cấp chính quyền xử lý. Trong khi đó, kết quả xử lý vi phạm thực tế cho thấy, chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự chủ động, quyết liệt vào cuộc và kiên quyết đối với các vi phạm. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ở nhiều địa phương còn hạn chế khiến các vi phạm phát sinh nhiều nhưng xử lý không bao nhiêu…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, nhằm ngăn chặn vi phạm mới phát sinh và xử lý vi phạm tồn tại từ những năm trước, Sở đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các DN thủy lợi và các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ, nhân viên phụ trách trực tiếp những tuyến sông, hồ, kênh, mương. Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa, không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý, đồng thời, kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm. Dù vậy, để công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi đạt hiệu quả mong đợi, ông Khương cho rằng, cần có chế tài cụ thể đối với lãnh đạo các DN và địa phương để xảy ra vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Các đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội về việc chậm xử lý, giải tỏa, cũng như để tình trạng vi phạm tiếp diễn, tái diễn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần