Xuất khẩu cá khô, tôm khô tăng trưởng mạnh

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,6 tỉ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt các mặt hàng chủ lực như tôm tươi hoặc đông lạnh, cá tra phi lê đều giảm sâu.

Tuy nhiên, số liệu thống kê lại ghi nhận những điểm sáng với 2 mặt hàng cá khô và tôm khô. Xuất khẩu cá khô đạt gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.

5 thị trường tiêu thụ cá khô nhiều nhất của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, Nga 17%, Malaysia 8%,  Hongkong chiếm 4% và Hàn Quốc chiếm 3%. Kết quả 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chỉ có Malaysia giảm nhu cầu cá khô Việt Nam, 4 thị trường còn lại đều tăng nhập khẩu, trong đó Trung Quốc tăng tới 72%, Hongkong tăng 59%.

Ngoài ra nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm: cụ thể Đài Loan tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuana tăng 61%.

Với mặt hàng tôm, trong 8 mã hàng, chỉ duy nhất tôm khô có mức tăng trưởng với giá trị xuất khẩu 8 triệu USD trong quý I/2023, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VASEP, diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam cho thấy trong giai đoạn lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô. 

Do vậy, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu. Ví dụ, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…