Vận chuyển hàng hóa trên các tàu đến Hoa Kỳ từ Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông, đạt tổng cộng 876.786 TEU - đơn vị tương đương 20 foot - trong tháng 10/2022 giảm 21% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Trước đó, tổng lượng hàng hóa cũng ghi nhận mức giảm 13% trong tháng 9, khi mà TEU lần đầu tiên giảm xuống mức 932.973 – mức dưới mốc 1 triệu - sau 13 tháng.
Ngược lại, tổng lượng hàng hóa vận chuyển từ các quốc gia Đông Nam Á đang ghi nhận những tăng trưởng rõ rệt, tăng từ 22% (415.251 TEU) trong tháng 10 lên 23,1% (402,882) vào tháng 11. Kết quả này phản ánh sự phục hồi hoạt động xuất khẩu của khu vực.
Các số liệu mới nhất cho thấy ASEAN chiếm 26% tổng lượng hàng hóa châu Á vận chuyển đến Hoa Kỳ trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc giảm 54% do quốc gia này phải vật lộn với những làn sóng lây nhiễm Covid-19.
Một số mặt hàng tiêu dùng chủ yếu ở thị trường Mỹ lâu nay do Trung Quốc sản xuất như đồ nội thất, chăn ga gối đệm và quần áo nay lại đến từ các nhà cung cấp ở Việt Nam và các nước ASEAN.
Một yếu tố dẫn đến sự thay đổi là nhu cầu về hàng gia dụng ở Hoa Kỳ đang giảm dần sau đợt tăng đột biến trong thời gian phong tỏa do Covid-19. Những người vốn mắc kẹt ở nhà khi bắt đầu đại dịch đã đổ xô đi mua đồ nội thất và đồ điện tử mới. Trái ngược với nhu cầu xuất khẩu tăng vọt thì số lượng nhân công bến bãi ở Mỹ giảm mạnh, dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng, khiến cho chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn trên toàn cầu.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine và sự thất vọng của người tiêu dùng do hàng loạt đợt tăng lãi suất gây ra.
“Lạm phát đang gây khó khăn cho cuộc sống của các hộ gia đình Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Do vậy, nhu cầu về quần áo có thể đang dần chuyển dịch từ Trung Quốc - nơi luôn xuất khẩu nhiều nhãn hiệu chất lượng cao với giá thành đắt đỏ, sang những nơi có các sản phẩm giá cả phải chăng hơn như Việt Nam và Campuchia" - theo bà Kaori Yamato, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui.
Hàng hóa do ASEAN sản xuất rẻ hơn so với hàng tại Trung Quốc nhờ nhân công giá rẻ, dẫn đến xu hướng chuyển dịch sang ASEAN ngày càng tăng - Chuyên gia Takeomi Yoshioka tại Viện Thương mại và Đầu tư Quốc tế cho biết.
Một yếu tố khác là những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung ngày càng gia tăng. Vào tháng 10, Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp kiểm soát toàn diện đối với việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc, nhằm ngăn chặn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có được công nghệ tiên tiến và sử dụng nó cho mục đích quân sự. Sự thù địch về kinh tế và an ninh có thể leo thang giữa hai nước.
Ông Hiromasa Goto, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hàng hải Nhật Bản, cho biết: “Việc Mỹ tránh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc một lần nữa gây chú ý khi mà những công ty lo sợ rủi ro đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc”.
Chúng tôi chưa cảm nhận được bất kỳ tác động nào từ căng thẳng Mỹ-Trung, nhưng khách hàng lo ngại về tương lai ngành logistic toàn cầu theo sau căng thẳng chính trị" - nhân viên của một hãng tàu lớn cho biết. Hãng này đang tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận chuyển từ Việt Nam, Thái Lan và các khu vực khác của Đông Nam Á.
Hiện các thành viên ASEAN đang tăng cường xuất khẩu sang Nga sau khi các nước khác cắt đứt thương mại với Moscow. Với lập trường trung lập đối với căng thẳng Mỹ-Trung, và rạn nứt giữa Nga và phương Tây, ASEAN ngày càng cho thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thương mại, theo chuyên gia Yoshioka.