Xuất khẩu Hà Nội vượt khó đón “sóng” cuối năm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục gây khó cho hoạt động xuất khẩu nhưng bằng nhiều nỗ lực và giải pháp thích ứng, xuất khẩu Hà Nội đã “vượt sóng” thành công, đón “sóng” những tháng cuối năm.

Những điểm sáng

Thông tin từ Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm đã dần ổn định khi các nền kinh tế lớn tăng trưởng, lạm phát có xu hướng giảm… Tận  dụng những cơ hội này các doanh nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 1,617 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 13,6%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 29,5%, máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 7%, đặc biệt  hàng nông sản tăng 58,5%.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam

Điều đáng ghi nhận là doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, tăng 14,8%. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,1%. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.

Đánh giá những thành công bước đầu trong hoạt động xuất khẩu, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nêu rõ, kim ngạch xuất khẩu Hà Nội nói riêng cả nước nói chung tăng tăng trưởng cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA đã ký kết. Mặt khác, doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm khách hàng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn, để tăng kim ngạch xuất khẩu, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuần hàng Việt do HPA tổ chức tại Trung tâm Thương mại AEO (Nhật Bản) tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản. 
Tuần hàng Việt do HPA tổ chức tại Trung tâm Thương mại AEO (Nhật Bản) tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản. 

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu các thành viên hiệp hội đã tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ sản xuất qua đó thực hiện các đơn hàng khó,  thời gian giao hàng nhanh...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tập trung tận dụng Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường EU, đồng thời tăng cường tìm kiếm thị trường mới như châu Phi, Nga… Nhiều doanh nghiệp dệt may như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã ký đơn hàng đến tháng 8/2024.

Tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, kinh tế Hà Nội đã đi qua nửa chặng đường của năm với những kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đã đạt 8,9 tỷ USD trong khi kế hoạch đề ra mốc 18,5 tỷ USD, tăng 4-5% so với năm 2023. Trong khi đó, từ nay đến hết năm các thị trường là đối tác chiến lược của Việt Nam tiếp tục có đà phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên để có thể khai thác thị trường thế giới đòi hỏi đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, từ nay đến hết năm 2024, TP Hà Nội dự kiến tổ chức hàng chục sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8-10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài. Bên cạnh việc tham gia hội chợ quốc tế, TP Hà Nội còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số trong cơ chế trao đổi thông tin với các tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế.

“Tuy nhiên, để biến cơ hội kết nối thành các hợp đồng thương mại bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý cần sự nhạy bén và khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của từng doanh nghiệp” - ông Dương nhấn mạnh.

Sản xuất bánh kẹo phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP bánh kẹp Bảo Minh. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất bánh kẹo phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP bánh kẹp Bảo Minh. Ảnh: Hoài Nam

Nhìn nhận những lợi ích mà hoạt động xúc tiến thương mại mang lại, Tổng Giám đốc Công ty CP  tư vấn công nghệ Enviva Nguyễn Thị Xuyến cho biết, các chương trình xúc tiến đã giúp thị trường nông sản phát triển bền vững. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nội địa, thúc đẩy thị trường xuất khẩu trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.

Đồng tình với ý kiến này, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nêu rõ, một số chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội thời gian qua đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ doanh Hà Nội mà còn tiếp sức doanh nghiệp các tỉnh, TP trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Thời gian qua, TP Hà Nội tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền thường niên, các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group).. đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế, từ đó xuất khẩu tại chỗ" - ông Phú nêu ví dụ.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA.

Riêng với thị trường Trung Quốc, đơn vị sẽ cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quan trọng này. Đồng thời tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài.