Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 83 tỷ USD

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: Giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đã tận dụng tốt và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngày 8/8, báo Công Thương tổ chức tọa đàm "Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng".

Thông tin tại tọa đàm cho biết, sau 2 năm EVFTA có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), nhiều ngành hàng như: Giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đều đã tận dụng tốt và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức 20 - 30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 83 tỷ USD sau 2 năm thực thi EVFTA. Ảnh minh họa
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 83 tỷ USD sau 2 năm thực thi EVFTA. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh, tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Hiệp định này có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng, và các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn.

Nhận định về khả năng tận dụng ưu đãi EVFTA của các DN, ông Trần Thanh Hải cho biết, hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU có nhiều quy định liên quan, trong đó có quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ. Đây vừa là hàng rào nhưng cũng là công cụ để giúp các DN Việt Nam tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này, tránh chuyện gian lận xuất xứ từ những nước cạnh tranh khác.

“Trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, các DN đã bắt nhịp khá tốt, thể hiện qua 2 quý đầu năm 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này. Điều này chứng tỏ DN đã nắm rõ và hiểu được giá trị của hiệp định cũng như vai trò của chứng nhận xuất xứ” - ông Trần Thanh Hải cho hay.

Một minh chứng nữa cho thấy, DN Việt đã nhanh chóng nắm bắt và tận dụng được quy định về quy tắc xuất xứ là thể hiện qua xuất khẩu các ngành hàng như: Thủy sản, rau quả và gạo. Đây là những ngành có tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ về chứng nhận xuất xứ EUR.1 rất cao, đặc biệt với mặt hàng gạo, tỷ lệ này là 100%.