Xuất khẩu nông sản dồn dập tin vui đầu năm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm 2022, nhiều DN trên cả nước tất bật xuất khẩu hàng chục tấn hàng hóa nông sản sang các thị trường tiềm năng, dự báo một năm mới đầy thuận lợi.

Tới tấp đơn hàng triệu USD

Trong tuần đầu tiên của năm mới, Công ty CP Phúc Sinh đã xuất 20 container hạt tiêu, cà phê đi Hà Lan, Đức với giá trị lên tới 6 triệu USD. Ngoài ra, các đơn hàng xuất đi Nga, Pháp, Mỹ… cũng đã được chốt lịch xuất trong tháng 2/2022.

Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông phấn khởi chia sẻ: "Công ty đã bố trí cán bộ, nhân viên, công nhân của làm việc xuyên Tết để đáp ứng đơn hàng cho đối tác, bởi xuất khẩu phải liên tục, không để gián đoạn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Cũng trong đầu năm mới, nhiều hợp đồng thương mại xuất khẩu nông sản đã được các DN xuất khẩu Việt Nam ký kết thành công. Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam Phạm Văn Vũ chia sẻ, đầu năm 2022, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu 10 tấn hồ tiêu, đồng thời, tiếp tục thương lượng cho 3 hợp đồng xuất khẩu hoa hồi, hỗn hợp sản phẩm hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều và cung cấp hồ tiêu cả năm, số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với tín hiệu rất khả quan.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng trong năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19.

Còn theo các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan.

Phân tích về thị trường xuất khẩu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu. Đơn cử như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.

Nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu

Để nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong năm 2022, ngành nông nghiệp tập trung gia tăng chế biến, chú trọng những mặt hàng chiến lược có giá trị cao.

 

Năm 2022, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, năm 2022, rau quả chế biến tiếp tục là ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng. Phát triển ngành hàng rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với giá rau quả tươi. Mặt khác, việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu giúp tăng thời gian bảo quản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung... Do đó, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế thu hút DN liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng cao; xây dựng nhà máy chế biến nông sản hiện đại.

Mặt khác Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chế biến, xuất khẩu, phân tích thị trường trên cơ sở số hoá, khoa học nhằm xây dựng chiến lược dài hạn và ngắn hạn trong từng bối cảnh để xuất khẩu nông sản giữ được thế chủ động.

Đưa ra giải pháp xuất khẩu một số mặt hàng chiến lược, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đối với mặt hàng thuỷ sản, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC, hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả. Đối với cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, ngành nông nghiệp hỗ trợ các DN đẩy mạnh chế biến sâu để có thê các sản phẩm hấp dẫn thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản...

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc, để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản xuất khẩu mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hóa.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các nước Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).