Xuất khẩu ứng phó với những thay đổi chính sách thương mại từ nhiều quốc gia
Thực tế từ thị trường xuất khẩu Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sau hơn 1 tháng trở thành Tổng thống chính thức của Mỹ, ông Donald Trump vẫn đang duy trì động lực mạnh mẽ để thúc đẩy chính sách thương mại, theo lời hứa trong chiến dịch tranh cử, với những tác động mạnh đến thuế, đầu tư và những quyết sách tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam trong năm 2024 vẫn tăng trưởng 20,4% so với năm 2023 (tổng kim ngạch ước đạt 149,7 tỷ USD), song ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, sự khác biệt về trình độ phát triển cũng như cơ cấu ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ, không phải là yếu tố cạnh tranh trực tiếp.
“Hàng hoá Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá của Mỹ, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam giúp người tiêu dùng Mỹ có thể tiếp cận với hàng hoá chất lượng cao và giá cả hợp lý, góp phần giảm lạm phát trong nước. Tuy nhiên, trước các chính sách áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, các DN xuất khẩu cần giám sát diễn biến thương mại để có sự điều chỉnh kịp thời. Cùng với đó, các DN cần xem xét kỹ lưỡng kế hoạch sản xuất, kinh doanh do các quốc gia bị áp thuế có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho thị trường Việt Nam”, ông Hưng lưu ý.
Năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, cuộc đua về công nghệ giữa các nước lớn,... ngày càng gia tăng. Xung đột giữa các nước lớn sẽ không tránh khỏi tác động đến các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam với mức độ và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử, những thay đổi chính sách của Trung Quốc cũng tạo nên thách thức lẫn cơ hội đối với Việt Nam khi nước này vừa là đối tác thương mại lớn vừa là láng giềng của Việt Nam.
Phân tích về thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc chỉ ra, mỗi động thái của nền kinh tế và chính sách liên quan của Trung Quốc đều có ảnh hưởng, tác động một cách nhanh hay chậm với mức độ ít hay nhiều đối với Việt Nam.
Trong khi hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn, quan trọng nhất của Việt Nam. Do đó, cạnh tranh Mỹ - Trung cùng các chính sách thương mại giữa hai nước thời điểm này đều tác động đến thương mại nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung cả về mặt tích cực và tiêu cực.
Cụ thể là, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bởi các DN Trung Quốc và quốc tế đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất để tránh thuế quan từ Mỹ, dẫn đến việc mở rộng đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam. Điều này gián tiếp thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí lao động cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi.
“Khi Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Nhưng đây cũng là cơ hội và động lực để Việt Nam thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (cải thiện cơ sở hạ tầng, minh bạch hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), tham gia vào chuỗi sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài để trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, tạo cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhệ”, ông Lai phân tích.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, thị trường EU năm 2025 cũng đã bắt đầu nhiệm kỳ mới với nhiều điều chỉnh chính sách quan trọng. Đáng chú ý, Chương trình thỏa thuận xanh châu Âu với rất những yêu cầu cao về môi trường và phát triển bền vững, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng cường an ninh và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, EU theo đuổi chính sách tăng cường đàm phán FTA, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư và quản lý chặt hàng nhập khẩu vào EU với chính sách kiểm soát an toàn chất lượng. Hiện EU có 2 cơ quan giám sát và cảnh báo an toàn với hàng nông nghiệp và công nghiệp, chống gian lận thương mại, chống bán phá giá, trợ cấp….
“DN Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng để tận dụng lợi thế, chiếm lĩnh thị trường trước khi rất nhiều FTA sẽ được EU kết thúc đàm phán dự kiến trong năm 2025 và năm sau. Bên cạnh đó, các Hiệp hội cần yêu cầu các DN nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, hướng dẫn DN sản xuất và xuất khẩu theo quy định, tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm”, ông Quân khuyến cáo.
Giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục giảm sâu, đánh dấu sự đảo chiều sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Giới chuyên gia dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại, tuy không cao như năm 2024 nhưng ít nhất là ở mức trên 400 USD/tấn.

Hà Nội: kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng nhẹ
Kinhtedothi - Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2.748 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: hàng dệt, máy móc thiết bị, phụ tùng, hàng nông sản,...

Kiểm soát thị trường để xuất khẩu gạo bền vững
Kinhtedothi - 2 tháng đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo trong nước. Do vậy, việc thực hiện các giải pháp kiểm soát thu mua, dự trữ, xuất khẩu gạo góp phần làm lành mạnh thị trường cấp thiết hơn bao giờ hết.