Xuất khẩu xi măng tăng, mừng hay lo?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý I/2021 mặc dù thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các hoạt động xây dựng chưa thực sự hồi phục trở lại, nhưng ngành xi măng Việt Nam vẫn ghi nhận có sự tăng trưởng về tiêu thụ và xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài thì việc xuất khẩu clinke sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho DN của ngành.

Xuất khẩu tăng trưởng
Theo thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 3 đầu năm 2021, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 8,87 triệu tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 5,02 triệu tấn, lũy kế quý I/2021, tổng sản phẩm xi măng tiêu thụ đạt 21,6 triệu tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ: tiêu thụ nội địa đạt 13,48 triệu tấn, xuất khẩu xi măng đạt 3,59 triệu tấn, tăng 9,5%; xuất khẩu clinke đạt 4,53 triệu tấn, tăng 7,3% so cùng kỳ.
“Sang tháng 3 sản lượng tiêu thụ xi măng tăng mạnh hơn tháng 2, nhưng cũng chỉ bằng 91% so với cùng kỳ năm 2020. Khu vực miền Bắc vẫn là thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất chiếm tới 39%, miền Nam 35% và miền Trung là 26%” – đại diện Vụ Vật liệu xây dựng cho hay.

Ngành xi măng đang gặp nhiều áp lực về mức giá xuất khẩu giữa các thị trường truyền thống (Ảnh minh họa).
Mặc dù lượng tiêu thụ và xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhưng lượng xi măng tồn kho của cả nước trong quý I/2021 khoảng 4,6 triệu tấn, chủ yếu là clinke, lũy kế tổng lượng tồn kho của các DN sản xuất xi măng hiện nay khoảng trên 40 triệu tấn. Theo đánh giá, mặc dù đây là thời điểm tiêu thụ xi măng chậm nhất trong năm, nhưng kết quả tiêu thụ khá khả quan. Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát, đà phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét, các dự án xây dựng lớn chuẩn bị được triển khai trong thời gian tới, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn.
Đẩy mạnh đầu tư công nghệ
Theo đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng với năng lực xấp xỉ 110 triệu tấn/năm, nhưng thời điểm hiện tại các DN mới vận hành sản xuất khoảng 90 triệu tấn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ trong nước thời gian gần đây có chiều hướng giảm, nếu như năm 2018 đạt 63,94 triệu tấn thì đến năm 2020 còn khoảng 62 triệu tấn, nhưng nhờ xuất khẩu tăng vọt, tiêu thụ toàn ngành vẫn đạt trên 100 triệu tấn/năm.
Ngành ximăng đang phải đối diện với nhiều thách thức, khi chi phí sản xuất xi măng và clinke chiếm từ 40 – 60% giá thành sản phẩm, khi giá nguyên liệu chính (clinke) và phụ gia tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN sản xuất. Trong khi đó, giá thành xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Trung Quốc lại bị “lép vế” so với một số thị trường khác, các thị trường khác đạt bình quân 37,2 USD/tấn, thì giá xuất bán sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 33,2 USD/tấn. Cùng với đó, do lượng xuất khẩu clinke lớn, giá lại thấp hơn xuất khẩu xi măng từ 10 – 15 USD/tấn, nên DN Việt Nam đang rơi vào tình trạng bán nguyên liệu mà không xây dựng được thương hiệu.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam TS Thái Duy Sâm, ngành sản xuất xi măng hiện nay đã xóa bỏ hoàn toàn các dây chuyền sản xuất clanke bằng công nghệ lò đứng, lò quay phương pháp ướt; 100% clinke được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến theo phương pháp khô có hệ thống cyclone trao đổi nhiệt và hệ calciner phân giải; ghi làm nguội clinke thế hệ mới, nghiền liệu, nghiền than, nghiền xi măng phần lớn đã sử dụng máy nghiền đứng thay máy nghiền bi; quy trình sản xuất được tự động hóa ở mức cao. Tiêu hao nhiệt, năng lượng, nồng độ bụi, khí thải phát sinh giảm mạnh, nhưng vẫn còn lượng lớn các dây chuyển quy mô nhỏ, trình độ tự động hóa chưa cao. Vì vậy, để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị tường các DN sản xuất cần phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa về công nghệ.
“Cần cải tạo và nâng cấp công nghệ để hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, những dây chuyền có công suất thấp dưới 2.500 tấn clinke/ngày. Đồng thời các cơ sở đầu tư mới phải đảm bảo các tiêu chí quy định tại Quyết đinh số 1469/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: công suất lớn, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại với mức độ tự động hóa cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn cao nhất” – TS Thái Duy Sâm nhìn nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần