Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung đột Armenia - Azerbaijan leo thang chưa thể khiến giá dầu biến động

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích cho rằng tình hình xung đột giữa Armenia và Azerbaijan leo thang khó có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ khiến giá năng lượng biến động.

Căng thẳng giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan leo thang trong ngày 28/9 với các cuộc đụng độ mới nhất xảy ra tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh.
 Xung đột Armenia - Azerbaijan leo thang chưa thể khiến giá dầu biến động.
Kể từ khi các cuộc giao tranh mới nhất bùng phát ngày 27/9, đã có 95 người thiệt mạng, trong đó có 11 dân thường. Đây là vụ giao tranh nghiêm trọng nhất giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh kể từ năm 2006.
Cuộc đụng độ vũ trang mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan khiến các quốc gia phương Tây và khu vực lo lắng một phần vì nó có thể gây ra bất ổn ở Nam Caucasus.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các cuộc xung đột quân sự tại Nagorno - Karabakh khó có thể làm gián đoạn việc sản xuất và vận chuyển nhiên liệu mặc dù khu vực này đóng vai trò là hành lang cho những đường ống vận chuyển dầu mỏ và khí đốt tới các thị trường trên toàn cầu.
Edward Bell - giám đốc cấp cao của ngân hàng Emirates NBD có trụ sở tại Dubai, nói với CNBC: “Chúng tôi dự đoán cuộc xung đột mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan sẽ khó có thể tác động nghiêm trọng lớn đến thị trường dầu mỏ”.
Azerbaijan là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 24 trên thế giới và là nước sản xuất khí tự nhiên lớn, trong đó cả 2 mặt hàng này hiện chiếm hơn 90% doanh thu xuất khẩu của Azerbaijan.
Azerbaijan đang vận hành 3 đường ống xuất khẩu dầu thô. Đường ống lớn nhất là đường ống Baku - Tbilisi - Ceyhan (BTC) dài 1.768 km, vận chuyển dầu thô và chất ngưng tụ từ Azerbaijan đến Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, 2 tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt khác gồm đường ống Nam Caucasus (SCP) dài 693 km vận chuyển khí đốt từ mỏ Shah Deniz qua Georgia đến Thổ Nhĩ Kỳ chay song song với đường ống dẫn dầu thô BTC, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Mặc dù vậy, chuyên gia năng lượng Bell cho rằng nguy cơ rủi ro đối với nguồn cung dầu mỏ và khí đốt thế giới do xung đột quân sự tại Nagorno - Karabakh hiện không nhiều. “Tôi nghĩ rằng cung cầu trên thị trường năng lượng vẫn đang ổn định, vì vậy nếu nguồn cung tại khu vực bị gián đoạn trong ngắn hạn sẽ được bù đắp từ nguồn dầu thô và khí đốt dự phòng ở những nơi khác trên thế giới” - ông Bell cho hay.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên ngày 28/9, phục hồi phần nào đà sụt giảm trong tuần trước, nhưng những lo ngại rằng việc tăng đột biến ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng suy yếu ngày càng tăng.
Tuần trước, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt giảm 2,6% và gần 2,9%, theo dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Giá dầu Brent đang trên đà hướng đến tháng giảm đầu tiên trong 6 tháng trong khi giá dầu WTI cũng đang đứng trước tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020, do việc tái lập các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19 ở một số quốc gia khiến triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu mờ dần.
Chuyên gia Bell cho rằng giá “vàng đen” đang đối mặt áp lực đi xuống trong bối cảnh triển vọng nhu cầu khó có thể sớm phục hồi do đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. “Giá dầu sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo tương tự trong quý IV năm nay”.
 Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên ngày 28/9.
Các nhà phân tích tại ANZ nhận xét: “Tâm lý trên thị trường năng lượng ảm đạm do tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 gia tăng và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang
Theo các nhà phân tích của ANZ, số ca mắc virus SARS-CoV-2 mới đang tăng nhanh tại các bang lớn của Mỹ làm gia tăng lo ngại về tái áp đặt biện pháp hạn chế đi lại và cản trở đà phục hồi nhu cầu dầu trong quý vừa qua.
Trong khi đó, Libya đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và cho biết có thể tăng mạnh sản lượng nhiên liệu vào cuối năm nay./.