Trong phiên này, giá dầu đã nhảy vọt lên hơn 71 USD/thùng được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung dầu bị ảnh hưởng do bạo lực gia tăng ở Libya cùng với nguồn cung được siết chặt hơn nhờ nỗ lực cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran và Venezuela.
Bộ Y tế Libya cho biết tính đến ngày 8/4, đã có ít nhất 35 người thiệt mạng và hơn 3.000 người dân phải đi lánh nạn kể từ khi các vụ đụng độ nổ ra từ hôm 4/4 giữa phe của tướng quân đội Khalifa Haftar và các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở thủ đô Tripoli. Các cuộc giao tranh giữa hai phe đã xảy ra ở thủ đô của Libya kể từ ngày 5/4.
Giá dầu Brent đã leo dốc tới 30% kể từ đầu năm đến nay nhờ việc hạn chế nguồn cung của OPEC cùng các đồng minh do Nga dẫn đầu bất chấp nhu cầu dầu mỏ chịu áp lực từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 14 xu Mỹ, lên 71,34 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 22 xu Mỹ lên 64,77 USD/thùng, ghi nhận mức đỉnh kể từ tháng 11 năm ngoái.
Nhà môi giới dầu mỏ Philip Tamas Varga của PVM nhận xét: “Xuất khẩu dầu của Libya không bị ảnh hưởng, song xung đột leo thang tại nước này đã khiến gia tăng lo ngại nguồn cung có thể bị ảnh hưởng và đẩy giá dầu tăng cao trong phiên giao dịch này”.
Libya - thành viên OPEC, bơm khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm hơn 1% sản lượng dầu toàn cầu. Nguồn cung dầu tại nước này đã biến động kể từ sau cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Muammar Gaddafi hồi năm 2011.
Các nhà phân tích của JBC Energy cho rằng giá “vàng đen” nhận được lực đẩy quan trọng từ lo ngại nguồn cung dầu tại Libya có khả năng bị thiếu hụt do bạo lực leo thang.
Mặc dù vậy, theo các nhà giao dịch, đà leo dốc của giá dầu vẫn bị hạn chế trong bối cảnh thị trường chưa dứt nỗi lo suy thoái kinh tế trong năm nay sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu.
Bên cạnh đó, lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng cao cũng ảnh hướng đến việc phục hồi của giá dầu mỏ. Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ tăng 2,5 triệu thùng trong tuần trước, ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Ngoài ra, Nga - đối tác miễn cưỡng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, hôm 8/4 đã đánh tín hiệu rằng nước này muốn tăng sản lượng khi nhóm họp với OPEC vào tháng 6 tới do nguồn dự trữ giảm.