Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung đột Nga-Ukraine “chiếm sóng” Hội nghị An ninh Munich 2023

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đề chiếm thời lượng áp đảo tại Hội nghị An ninh hàng đầu thế giới là cuộc chiến mà phương Tây đang tìm mọi cách để trừng phạt nước phát động - Liên bang Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biếu trực tuyến tại phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich hôm 17/2. Ảnh: DW
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biếu trực tuyến tại phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich hôm 17/2. Ảnh: DW

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 diễn ra trong 3 ngày (17-19/2) tại thành phố Munich, thủ phủ bang Bayern, Đức với một loạt sự kiện dày đặc về nhiều chủ đề nóng và những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, từ chính trị, kinh tế tới an ninh, quốc phòng, môi trường...

Mặc dù nhiều nội dung của hội nghị được công bố không đề cập rõ ràng đến Ukraine, song phần lớn nội dung sẽ xoay quanh chiến sự ở Ukraine, cũng như hậu quả đi kèm. Một chủ đề bao trùm nữa là tái cấu trúc toàn cầu, trong đó đáng chú ý là trật tự an ninh ở châu Âu.

Hội nghị cũng sẽ bao gồm vấn đề mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với hai thành viên tương lai là Thụy Điển và Phần Lan.

Theo DW, trong bài phát biểu được ghi hình gửi tới phiên khai mạc hội nghị năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Kiev để đối phó Nga.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên khai mạc MSC 2023 ngày 17/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hối thúc các nước phương Tây hỗ trợ thêm xe tăng hiện đại cho Ukraine. Ông Scholz cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ còn kéo dài, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ đào tạo, vật tư và hậu cần.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại phiên khai mạc MSC 2023. Ảnh:  AFP
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại phiên khai mạc MSC 2023. Ảnh:  AFP

Cũng tại phiên khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh hiện không phải là thời điểm để đối thoại. Mục tiêu của Pháp và châu Âu giờ đây là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự ủng hộ về chính trị, quân sự và nhân đạo dành cho Ukraine, giúp Ukraine giành ưu thế để buộc nước Nga quay trở lại bàn đàm phán.

Ông Macron cũng chia sẻ với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác quan điểm về một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Tổng thống Pháp kêu gọi các thành viên châu EU tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, đánh giá lại học thuyết về an ninh và trên hết là cùng nhau hướng đến xây dựng một nền quốc phòng chung của châu Âu.

Tham dự MSC lần này có nhiều đại diện cấp cao của các cường quốc. Đại diễn Mỹ là Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và khoảng 60 nghị sĩ. Trung Quốc cử ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham dự, trong khi Nga không có đại diện tới Munich vì không được mời.

EU sẽ tăng tốc sản xuất đạn dược để hỗ trợ Ukraine

Phát biểu trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề nghị các nước thành viên EU tiếp tục hợp tác để đảm bảo sản xuất vaccine Covid-19 với số lượng lớn.

Theo người đứng đầu Ủy ban châu Âu, EU đặt mục tiêu tăng cường hợp tác trong ngàng công nghiệp quốc phòng nhằm đẩy nhanh và mở rộng quy mô sản xuất đạn dược để bổ sung kho dự trữ quân sự trong khối cũng như hỗ trợ cho Ukraine.

Bà Von der Leyen nhấn mạnh rằng EU cần sớm bổ sung kho dự trữ quân sự cho khối và hỗ trợ thêm nhiều vũ khí và đạn dược cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, đặc biệt là đạn pháo 155mm. “Chúng ta cần tăng tốc độ sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất những loại vũ khí mà Ukraine đang rất thiếu, ví dụ như các loại đạn dược” - Reuters trích phát biểu của bà Von der Leyen.

Liên quan đến tình hình năng lượng, bà Von der Leyen cho rằng việc chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu là một quyết định sai lầm. Bà cũng nhấn mạnh, EU đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh Nga cắt giảm 80% nguồn cung sang lục địa này trong vòng 8 tháng qua.