Cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh đã bước sang ngày thứ 10 và bầu không khí căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt.
Phớt lờ nỗ lực hòa giải của nhiều nước, các bên tham chiến tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh vẫn tiếp tục nã pháo và tên lửa về phía nhau trong suốt hơn một tuần qua.
Đây là đợt đụng độ mới nhất trong cuộc xung đột tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh kéo dài hơn 25 năm qua.
Hơn 250 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát dữ dội hôm 27/9 vừa qua tại Nagorno - Karabakh, vùng lãnh thổ của Azerbaijan được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhưng có đa số dân số là người gốc Armenia.
Cả Azerbaijan và Armenia hôm 5/10 lên tiếng cáo buộc lẫn nhau làm leo thang căng thẳng tình hình. Azerbaijan cho biết, TP lớn thứ 2 nước này Ganja bị tấn công tên lửa và cáo buộc Armenia đứng sau vụ việc. Trong khi đó, Armenia cáo buộc Azerbaijan pháo kích Stepanakert tại Nagorno - Karabakh.
Trước diễn biến leo thang căng thẳng tại Nagorno - Karabakh, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc đụng độ ở khu vực Nam Caucasus.
Liên minh châu Âu đã kêu gọi ngừng bắn hồi tuần trước. Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 5/10 cho biết ông đã yêu cầu ngoại trưởng của mình tới châu Âu để gặp gỡ các đồng minh nhằm thảo luận về các diễn biến căng thẳng ở Nagorno - Karabakh.
Tuy nhiên, triển vọng về lệnh ngừng bắn lâu dài dường như còn xa vời khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev phát tín hiệu rằng nước này sẽ không chấp nhận lời kêu gọi về thực thi lệnh ngừng bắn ngay lập tức do Nga, Mỹ và EU.
Trong một cuộc phỏng vấn do đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 5/10, Tổng thống Aliyev tái khẳng định điều kiện rằng Armenia phải rút quân khỏi Nagorno-Karabakh và các vùng lãnh thổ của Azerbaijan để ngăn chặn các hành động quân sự.
Trước đó, hôm Chủ nhật, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm Chủ nhật đã đặt ra điều kiện để họ dừng các hoạt động quân sự ở Nagorno - Karabakh là Armenia phải đưa ra kế hoạch rút lực lượng khỏi vùng này.
Nhà lãnh đạo Azerbaijan cho rằng cộng đồng quốc tế đã thất bại trong ba thập kỷ qua trong việc thực thi các nghị quyết của Liên Hợp quốc cũng như gây áp lực buộc Armenia phải trả lại các vùng lãnh thổ hợp pháp của người Azerbaijan.
Azerbaijan đã nhiều lần cáo buộc Armenia hiện diện quân sự bất hợp pháp trên lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đưa ra tín hiệu không chấp nhận yêu cầu từ phía Azerbaijan.
Trong bình luận đăng trên Facebook hôm thứ Hai, Thủ tướng Pashinyan kêu gọi các quân nhân đã xuất ngũ từ năm ngoái tình nguyện chiến đấu. “Tôi muốn kêu gọi những cựu quân nhân tham gia chiến đấu vì một cuộc chiến sinh tồn cho quê hương” - ông Pashinyan cho biết.
Các nhà phân tích Alexander Stronell và Yohann Michel thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London cho biết: “Cuộc giao tranh về cơ bản đã đặt ra khó có thể đạt được bất kỳ giải pháp nào trong ngắn hạn cho cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh”.
Giới quan sát lo ngại rằng cuộc xung đột tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Azerbaijan và Armenia.