Y tế cơ sở trước áp lực F0

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Những ngày này đội ngũ y tế cơ sở cấp phường, xã tại Hà Nội đang phải gồng mình chăm lo sức khỏe của người dân.

Người dân phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân xếp hàng ở trạm y tế để chờ làm thủ tục xin giấy xác nhận F0 và khỏi bệnh​​​​​​. Ảnh: Mai Hương
Người dân phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân xếp hàng ở trạm y tế để chờ làm thủ tục xin giấy xác nhận F0 và khỏi bệnh​​​​​​. Ảnh: Mai Hương

Đến nay, sau hơn 2 năm chống dịch, khi đã tiêm phủ vaccine tương đối lớn Việt Nam đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Khi mỗi ngày Hà Nội có thêm trên 30.000 F0 thì đội ngũ nhân viên y tế cơ sở thực sự đã và đang quá tải.

Khai báo y tế

Những ngày đầu tháng 3/2022, y tế phường của tất cả các quận nội thành Hà Nội đều thực sự quá tải khi tiến hành công tác khai báo y tế, người bệnh F0. Đến giờ quy định 5K “khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách” vẫn là những quy định mang tính bắt buộc. Theo đó, nếu không khai báo y tế người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng. Nhưng để làm đúng quy định, không hề đơn giản chút nào, cả về phía người dân lẫn nhân viên y tế.

Ngoài ra, nếu không khai báo y yế thì khi bị bệnh nặng không thể chuyển viện lên tuyến trên, không được cấp đơn thuốc, không được hướng dẫn điều trị. Người lao động không được hưởng chế độ BHXH, trẻ em không thể cắp sách đến trường. Nên khi lượng F0, F1 tăng thì chỉ nội việc “khai báo y tế” không thôi, tuyến y tế cơ sở quá tải là điều khó tránh khỏi.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Một là thời điểm này số lượng F0 tăng cao đột biến trên địa bàn mà lực lượng y tế quá mỏng. Hai là bởi một số quy định của Bộ Y tế còn phức tạp và bất cập, nhân viên y tế phải tuân thủ không muốn làm sai”. Với 90.000 người dân, nhưng Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) chỉ có 11 nhân viên. Đỉnh điểm ngày 3/3, có 1.721 người đến trạm y tế khai báo y tế thì có làm “thông đêm, suốt sáng” cũng không hết việc.

Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Trần Văn Vịnh than thở: “Y tế phường có 8 người thì 7 F0, 1 F1 mà tính từ đầu năm đến nay phường 62.000 nhân khẩu đã có 6.120 F0, có 3.980 người đã điều trị khỏi bệnh thì chúng tôi phải làm sao cho kịp thủ tục”. Định biên 579 phường, xã của 30 quận huyện Hà Nội đang có những bất cập tương tự, ngày thường đã thiếu nhưng khi chính nhân viên y tế cũng dương tính thì lại càng thiếu.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) Nguyễn Mạnh Đạt, trên địa bàn phường có số lượng cư dân đông, lên đến gần 34.000 người. Vừa qua, phường đã đưa ra các giải pháp, trong đó, huy động thêm lực lượng sinh viên tình nguyện từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Cao đẳng Công Thương đến hỗ trợ trạm y tế trong việc nghe điện thoại nhập liệu, hỗ trợ hành chính cho người dân...; tăng cường thêm số điện thoại hotline; ứng dụng khai báo điện tử trực tuyến để hỗ trợ khai báo y tế…

“Nếu như những ngày cao điểm có khoảng 500 trường hợp F0 mỗi ngày, số người dân ra thực hiện thủ tục mỗi ngày lên tới 200 đến 300 người; những ngày gần đây đã có sự giảm tải. Khi có tình trạng đông người, phường đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức phân luồng, bố trí thêm 1 địa điểm tại Ban Chỉ huy Quân sự phường ở ngay sau trạm y tế để hỗ trợ người dân đến thực hiện các thủ tục, để giảm tải, không tập trung đông người” - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Nguyễn Mạnh Đạt thông tin.

Người dân quét mã QR để đăng ký nhận giấy hưởng BHXH tại trạm Y tế phường Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Hồng Thái  
Người dân quét mã QR để đăng ký nhận giấy hưởng BHXH tại trạm Y tế phường Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Hồng Thái  

Lo “bút sa, gà chết”

Về vấn đề khai báo y tế, quy định của Bộ Y tế quy định “việc xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng trực tiếp hoặc gián tiếp từ xa”. Văn bản quy định như thế người bệnh khi có triệu chứng có thể ra trạm y tế hoặc tự ở nhà xét nghiệm. Gần đây, hàng loạt cán bộ y tế bị bắt giảm khiến cho tâm lý đội ngũ cán bộ cơ sở lo lắng khi thực thi nhiệm vụ là có thật.

Chính vì thế khá nhiều quận, huyện không rõ câu giám sát "gián tiếp từ xa” là như thế nào nên cứ yêu cầu người bệnh đến trạm y tế… cho chắc ăn. Có cán bộ y tế chia sẻ, nhiều người dân gửi clip kết quả xét nghiệm, nhưng trong quy định của Bộ Y tế lại không có câu nào chấp thuận cho người dân gửi clip đến khiến F0, F1 rồng rắn xếp hàng tại các trạm y tế phường là hình ảnh không khó để bắt gặp. Các F0 thay vì được cách ly và nghỉ ngơi phải chen nhau tại trạm y tế hoàn thành 6 tờ khai A4 và việc người dân “trốn” khai báo đã xảy ra, nhất là những người già, hết tuổi lao động.

 

Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế sớm bỏ khái niệm F0, F1, đồng thời đề nghị hướng dẫn cắt giảm thủ tục xác nhận cho người nhiễm Covid-19 tại địa phương. Đề nghị Sở Y tế Hà Nội cần hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương cụ thể hơn thuật ngữ về chuyên môn.

Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 Chu Thanh Hà

Trạm y tế lớn có 10 nhân viên y tế thì tối đa cũng chỉ hoàn thành 250 hồ sơ nhưng hiện nay nhiều phường tại Hà Nội mỗi ngày có tới 400 - 500 F0. Mà y tế cơ sở không chỉ mỗi việc khai báo y tế, họ còn phải theo dõi, điều trị bệnh nhân, khử khuẩn, tổ chức cấp cứu bệnh nhân nặng. Anh, chị em y tế cơ sở đang quá tải là điều ai cũng thấy!

Không chủ quan, không cực đoan

Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại TP Hà Nội mới đạt 6 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế. Tỷ lệ này cả nước là 7,4. Năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và năm 2021 đã có thêm 1.000 trường hợp. Tại Hà Nội thời gian qua, không ít người từ cơ sở y tế công ra làm bệnh viện tư với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn.

Do vậy, để không quá muộn, Hà Nội cũng cần có các chế độ chính sách đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ y tế cơ sở để họ có thể yên tâm công tác và tiếp tục bám trụ. Trong khi chưa thể tăng ngay định biên cho y tế 579 phường, xã thì vấn đề mấu chốt lúc này là phải quan tâm, động viên cả tinh thần, vật chất cho đội ngũ y tế cơ sở. Các văn bản nghiệp vụ cần đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng và nghiên cứu, ứng dụng CNTT vào việc triển khai. Hà Nội đang thành công với mô hình Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cần phải phát huy.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, các quy định không phù hợp thì bỏ, hoặc thay mới, không chủ quan nhưng không cực đoan. Ngay cả thông điệp 5K, lâu nay quy định "giữ khoảng cách, không tập trung" không còn phù hợp với thực tế tại các trường học, nhà máy, công sở, quán ăn, rạp chiếu phim tại sao vẫn cứ duy trì máy móc?

 

Sau khi báo cáo quận, chúng tôi đã thành lập các nhóm Zalo và khai báo, cập nhật thông tin cho các bệnh nhân. Từ đó, các thành viên trong các tổ có thể tư vấn trên nhóm Zalo hoặc qua điện thoại nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế phường.

Là địa phương có điểm sáng “vùng xanh” tại Khu dân cư số 1 từng được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thăm (tháng 8/2021), tôi cho rằng các quy định về phòng, chống Covid-19 vẫn phải dựa vào dân, tin dân. Từ khi phường chuyển việc khai báo y tế xuống tổ dân phố, mọi vấn đề đơn giản đi rất nhiều.

Bí thư Đảng ủy phường Mai Động (Hoàng Mai) Đặng Thị Thanh Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần