Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yến ngoại “nhái” yến Việt

Mai Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thế giới chỉ có 6 nước có được tổ yến nhờ khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp, trong đó chất lượng tổ yến của Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn so với những nước xung quanh.

Tuy nhiên, yến Việt cũng không đủ cầu và cao giá bởi sản lượng rất thấp, chỉ bằng phần nhỏ các nước trong khu vực. Vì thế, nhiều người kinh doanh đã nhập yến ngoại về và dán nhãn yến Việt để lừa người tiêu dùng (NTD)…

Yến nguyên chất 100% giá… 400.000 đồng/100gr

Thị trường yến sào hiện nay nhan nhản các cửa hàng kinh doanh với đủ các thương hiệu như nấm mọc sau mưa…, “loạn” về giá bán. Tổ yến thô có giá từ vài trăm ngàn đến gần chục triệu đồng/100gr, đang làm cho NTD hoang mang khi chọn mua sản phẩm.
Công nghệ ấp nuôi chim yến tại nhà. Ảnh: Mai Anh
Công nghệ ấp nuôi chim yến tại nhà. Ảnh: Mai Anh
Không chỉ cạnh tranh về giá tại các cửa hàng, trên các trang web thương mại điện tử như cungmua.com chào bán “100gr yến tươi nguyên chất, yến sào cấp thấp Nha Trang 100% chỉ có giá 425.000 đồng”. Trong khi cũng trên cungmua.com bán 100gr yến sào Nha Trang của thương hiệu Nest Viet có nguồn gốc thiên nhiên 100% giá 1,8 triệu đồng, tặng thêm 2 tai yến huyết cùng nhiều chương trình khuyến mại khác.

Trên nhommua.com cũng có rất nhiều sản phẩm yến sào giới thiệu là yến sào Nha Trang chính hiệu chỉ với giá 1,8 triệu đồng/100gr đã tinh chế. Ngoài ra, với giá trên còn được tặng thêm 2 tai yến huyết hoặc nồi chưng Panasonic kèm theo các khuyến mại khác.

Tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh như: An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), giá yến thô bán lẻ dao động từ 1,8 - 2,2 triệu đồng tùy theo từng loại.

Vòng quanh các cửa hàng có bán yến sào ở TP Hồ Chí Minh, như: Sài Gòn Alpha (trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5), 100gr yến tổ thô có giá từ 2,5 triệu đồng, yến sơ chế có giá từ 3,5 - 4 triệu đồng, tùy theo loại. Cửa hàng Yến sào Đông Nam Á (đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) bán yến thô với giá từ 3 - 6 triệu đồng/100gr.

Tại các hệ thống siêu thị như Big C, Co.op Mart, Maximart, giá yến sào dao động từ 4 - 6 triệu đồng/100gr, riêng yến huyết có giá lên đến 15 triệu đồng/100gr.

Theo ông Lý Minh Quang – Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang: “Trên thị trường yến hiện nay, nếu NTD để ý thì có 3 mức giá dao động: Yến nuôi trong nước (yến thô) có giá từ 2,2 - 2,5 triệu/100gr, tổ yến đã qua sơ chế có giá từ 3,8 - 4 triệu đồng/100gr, yến đảo Nha Trang có giá trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/100gr. Như vậy, với mức giá dưới 2 triệu đồng thì DN không thể kinh doanh được”.

Mua bằng niềm tin, bán nhờ thương hiệu!

Việc sử dụng yến sào không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam hiện nay. Nhất là trong thời điểm này, giá bán chỉ vài trăm ngàn, không chỉ thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của giới “nhà giàu” mà tầng lớp “công nhân” vẫn có cơ hội sử dụng. Thế nhưng, chất lượng của những sản phẩm đó thì… không ai kiểm chứng!

Chị Hoàng Thị Cúc (đầu bếp khá nổi tiếng ở quận 12, TP Hồ Chí Minh) thường xuyên mua yến sào để phục vụ khách hàng đã không giấu được sự ngạc nhiên: “Không thể có chuyện giá tổ yến chỉ vài trăm ngàn hoặc trên 1 triệu đồng/100gr. Tôi thường xuyên mua trực tiếp yến tại nhà của người quen ở huyện Cần Giờ, giá đã 2,2 triệu đồng/100gr yến thô. Tôi không bao giờ tin tưởng những tổ yến có giá thấp đó".

Theo ông Đoàn Văn Bình – Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến sào Ngọc Yến, tổ yến trong nước được ví như “vàng trắng” bởi có giá trị dinh dưỡng cao mà sản lượng lại rất ít nên cầu đã vượt quá cung. Vậy mà yến (được cho là yến Việt Nam – theo người bán) lại được bày bán la liệt, chất đống tại các chợ, các cửa hàng với giá rẻ như thế. “Với sản lượng khá ít như vậy, yến trong nước đã trở nên khan hiếm không đủ cung cấp cho thị trường dù có giá cao hơn nhiều so với tổ yến của các nước trong khu vực. Do đó, đã xảy ra tình trạng người bán nhập yến từ các nước trong khu vực (chủ yếu là từ Malaysia) về và gắn mác yến Việt để bán giá cao” - ông Bình nhận định.

Theo kết quả phân tích các sản phẩm yến trên thị trường hiện nay, yến sào đảo tự nhiên cho hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các sản phẩm yến nuôi từ 0,5 - 1% hàm lượng protein, cụ thể: Yến đảo có hàm lượng trung bình từ 6,4 - 6,5% protein; yến nuôi trong nước đạt từ 6 - 6,2% protein; yến nhập ngoại chỉ đạt từ 2,8 - 3% protein.

Phần trăm hàm lượng protein thấp, giá thành chỉ chưa bằng một nửa tổ yến trong nước và có hình thức khá giống với các loại tổ yến nuôi trong nước, đây là sức hấp dẫn không nhỏ để yến kém chất lượng trà trộn.

“Riêng về giá, hiện tại giá yến sào trên thị trường cực kỳ đa dạng, “thượng vàng hạ cám”. Thứ nhất, có quá nhiều loại yến khác nhau và chất lượng thật - giả khác nhau gắn mác yến sào cao cấp được bày bán khắp nơi với nhiều loại giá. Sau đấy là giá yến sào còn tăng - giảm tùy vào đối tượng khách hàng khác nhau, vì một số trường hợp người bán “coi mặt mà… hắt giá lên”. Nếu lên mạng mà search giá yến sào thì coi như tẩu hỏa nhập ma với các thể loại giá, phải dùng từ "loạn" mới nói lên được tình trạng giá yến sào hiện nay” - chị Cúc cho biết.

Theo chị Cúc, để tránh mua phải yến giả, yến kém chất lượng, NTD nên mua tại các cửa hàng có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ, vì hiện nay, ngoài cách nhận biết bằng mắt thường thì chưa có phương pháp nào để kiểm chứng khi đi mua hàng.

Lỗ hổng trong quản lý

Trong vai người đi tìm mối mua yến Việt để kinh doanh, bà Hoa - có sạp bán yến tại chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ở đây, chị chỉ bán yến của Việt Nam (vừa nói, tay bà Hoa vừa chỉ vào các bao yến to tướng, không nhãn mác để trong sạp - PV). Vì em mua nhiều để kinh doanh nên chị để giá sỉ cho. Đợt này khí hậu ở mình khắc nghiệt nên hàng về ít lắm, yến thô giá 1,8 triệu/100gr; yến sạch là 2,2 triệu/100gr. Khi nào hàng về nhiều thì chị sẽ bớt giá cho em”. Chúng tôi thắc mắc vì sao yến không có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, bà Hoa giải thích: “Để cạnh tranh thị trường và giá bán, cũng như các nhà yến không làm thương hiệu... nên mới có giá rẻ như vậy chứ!”.

Những người trong nghề cho biết, yến bán bao bán đống ở chợ và yến không nhãn hiệu rõ ràng được bán ở các cửa hàng là yến được nhập khẩu của Malaysia. “Với sản lượng tổ yến thu hoạch tại Việt Nam (cả yến tự nhiên và yến nuôi) hạn chế như hiện nay, làm gì có yến bán bao bán đống như thế! Với lại, giá thành yến nuôi ở Việt Nam không dưới 3 triệu đồng/100gr. Như vậy, các cửa hàng bán đến tay NTD phải có giá trên 4 triệu đồng/100gr. Với giá bán chỉ trên dưới 2 triệu đồng/100gr thì chắc chắn là yến được nhập từ Malaysia” - Giám đốc Thương hiệu Yến sào Tân Đông Dương khẳng định.

Thị trường yến sào thật - giả lẫn lộn, không chỉ dừng lại việc trà trộn hàng kém chất lượng, mà trên thị trường, yến giả cũng đang hoành hành không kém. Bởi vẫn chưa có những quy định cụ thể cho ngành nuôi và kinh doanh yến sào. Do tổ yến vẫn được xem như mặt hàng nông sản thô, nên chưa có những quy định rõ ràng cụ thể. Đối với những cá nhân, DN nuôi yến thì hàng tháng theo định kỳ, cơ quan thú y địa phương đến lấy mẫu tổ yến, mẫu lông, trứng, phân yến để xét nghiệm kiểm tra dịch bệnh. Riêng về hàm lượng dinh dưỡng, nguồn gốc, xuất xứ thì chưa được quan tâm, việc chọn sản phẩm đăng ký phân tích kết quả và công bố chất lượng đều do DN thực hiện.

Vì vậy, đây cũng là kẽ hở để các đơn vị kinh doanh bất chính, họ chỉ cần mua một lượng tổ yến có xuất xứ trong nước đưa đi phân tích kết quả và đăng ký nguồn gốc xuất xứ, sau đó trộn các sản phẩm trôi nổi khác và bán ra thị trường với giá yến Việt.
Chất lượng yến Malaysia chỉ bằng nửa yến Việt

Theo ông Đoàn Văn Bình, yến nhập khẩu từ Malaysia có chất lượng rất thấp, các chỉ số dinh dưỡng chỉ bằng già nửa so với yến nuôi của Việt Nam: “Vừa qua, tôi mang yến Malaysia đưa đi phân tích chất tại Công ty CP Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP Hồ Chí Minh), kết quả cho thấy protein của yến Malaysia chỉ đạt 2,9 - 3 độ, trong khi yến nhà tôi nuôi đạt trên 6 độ protein. Như vậy, NTD mua phải yến Malaysia bằng giá với yến của Việt Nam thì thiệt quá. Nếu NTD có trả giá và người bán đồng ý bớt chút đỉnh thì NTD… vẫn thiệt!”.