Facebook đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có liên quan tới dữ liệu người dùng. Cuối tuần trước, giới truyền thông đưa tin Facebook đã để Cambridge Analytica có trụ sở tại London (Anh) tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Sự việc đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới và ngày càng phức tạp.
Về phần mình, Facebook thì cho biết số dữ liệu này đã được thu thập từ vài năm trước, một cách hợp pháp, bởi giáo sư tâm lý học Aleksandr Kogan. Khi đó, Facebook cho phép ông Kogan thu thập thông tin từ những người download ứng dụng của ông này, để làm một bài test về tính cách. Người dùng Facebook cũng cho Kogan quyền thu thập thông tin bạn bè của họ.
Tuy nhiên, sau đó, Kogan lại đưa số dữ liệu này cho SCL Group (Anh) - chuyên cung cấp dữ liệu, phân tích và chiến lược cho các chính phủ và tổ chức quân sự trên thế giới và Cambridge Analytica. Facebook cho biết việc chuyển dữ liệu này là phạm luật. Cambridge Analytica khẳng định đã xóa hết dữ liệu năm 2015 khi họ nhận ra đã vi phạm quy định của Facebook.
Phát biểu đầu tiên sau khi scandal bùng phát, ngày 21/3 CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã quyết định lên tiếng thừa nhận Facebook đã gây ra lỗi lầm.
Ngày 21/3, ông Mark Zuckerberg đăng một trạng thái trên Facebook và cho biết mạng xã hội này đang thay đổi cách chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba. Ông Zuckerberg cam kết: “Chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, và nếu chúng tôi không thể làm điều này thì có nghĩa là chúng tôi không xứng đáng để phục vụ các bạn”.
“Tôi đang nghiên cứu để hiểu rõ chính xác điều gì đã xảy ra và thực hiện các biện pháp gì để đảm bảo điều này không xảy ra một lần nữa”, CEO Zuckerberg viết.
Theo ông Zuckerberg, Facebook sẽ điều tra các ứng dụng đã truy cập được “lượng thông tin lớn” và bất cứ ứng dụng nào khác có “hoạt động nghi ngờ”, đồng thời trang mạng xã hội này sẽ thông báo tới những người sử dụng có dữ liệu bị xâm phạm.
Trả lời phỏng vấn kênh CNN (Mỹ) tối 21/3, ông Zuckerberg nói: " Tôi thực sự xin lỗi vì vụ việc này. Chúng tôi phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ dữ liệu của người sử dụng". Ông cũng cam kết không để Facebook gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới và các cuộc bầu cử ở Ấn Độ và Brazil .
Tỷ phú Zuckerberg cũng tuyên bố sẵn sàng điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ việc.
Sự việc này cũng khiến Facebook chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang đối mặt với sự dò xét và ngờ vực từ các nhà làm luật cũng như công chúng thế giới. Chính trị gia tại cả Mỹ, Anh và EU đều đang kêu gọi Facebook cùng CEO Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi liên quan đến Cambridge Analytica.
Cổ phiếu Facebook đã mất giá 6,8% trong ngày 19/3, mạnh nhất gần 4 năm. Ngày 21/3, mã này phục hồi tăng 0,7% song tổng cộng trong 3 phiên gần đây, vốn hóa cổ phiếu Facebook đã mất 45 tỷ USD.