Theo phân tích từ báo New York Times về dữ liệu các nhà tài trợ được gửi tới Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ, có tới hơn 1,5 triệu nhà tài trợ mới đã quyên góp cho chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Harris chỉ trong 11 ngày cuối tháng 7.
Phó Tổng thống Mỹ còn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ những người từng tài trợ cho chiến dịch tranh cử trước đó của Tổng thống Joe Biden. Khoảng 680.000 người từng quyên góp cho ông Biden, chiếm hơn 1/3 tổng số nhà tài trợ trước đây của tổng thống Mỹ, đã chuyển sang quyên góp cho bà Harris trong 11 ngày kể trên.
Tổng cộng hơn nửa triệu người vào ngày 21/7 và hơn 600.000 người vào ngày 22/7 đã ủng hộ tới hơn 80 triệu USD cho chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ thông qua ActBlue, nền tảng gây quỹ chính thức của đảng này. Cho đến nay, chiến dịch đã huy động được hơn 183 triệu USD từ ActBlue.
Thông qua việc xem xét cả hồ sơ các nhà tài trợ với hồ sơ đăng ký cử tri, phân tích của New York Times cho thấy các nhà tài trợ mới của Phó Tổng thống Harris trẻ hơn nhiều so với các nhà tài trợ trước đây của Tổng thống Biden. Chỉ 10% số nhà tài trợ của ông Biden trong tháng 7 có độ tuổi dưới 45, trong khi con số này của bà Harris là 28%.
Tỷ lệ nhà tài trợ nữ dưới 45 tuổi của bà Harris là 17%, cao gấp đôi ông Biden. Số đàn ông trẻ tuổi quyên góp cho nữ phó tổng thống 59 tuổi cũng chiếm tỷ lệ lớn hơn cấp trên của bà. Tính trên mọi lứa tuổi, hơn 60% người tài trợ cho các chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay của các ứng viên đảng Dân chủ là phụ nữ.
Xét về mặt địa lý, xuất thân của các nhà tài trợ cho ông Biden và bà Harris cũng có sự tương đồng nhau. Theo đó, phần lớn nhà tài trợ của bà Harris đến từ các khu vực có trình độ học vấn cao hơn, Điều này được thể hiện qua mã ZIP của họ, trong đó hơn nửa được sở hữu bới những người 25 tuổi trở lên có bằng cử nhân.
Phân tích theo mã ZIP cũng cho thấy, tỷ lệ nhà tài trợ quy mô nhỏ lần đầu cho phó tổng thống Mỹ đến từ những nơi có hơn 5% dân số là người da đen theo dữ liệu gần nhất từ Cục Điều tra Dân số Mỹ. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ 2024 trước đó và hiện tại của đảng Dân chủ đều không đáng kể khi xét theo tỷ lệ hộ gia đình thu nhập trung bình.
Phân tích của New York Times không bao gồm đóng góp trực tiếp cho chiến dịch tranh cử của bà Harris từ các nhà tài trợ lớn, ủy ban gây quỹ hoặc siêu ủy ban hành động chính trị mà không thông qua nền tảng ActBlue.
Thông tin chi tiết về số tiền quyên góp của các nhà tài trợ lớn sẽ không được tiết lộ đến tháng 10, khi các ủy ban gây quỹ liên quan đến chiến dịch tranh cử của các ứng viên tổng thống Mỹ được yêu cầu nộp báo cáo lên Ủy ban bầu cử liên bang của nước này.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tiềm lực của các nhà tài trợ nhỏ, cuối tháng 7 là thời điểm gây quỹ quan trọng nhất trong toàn bộ chu kỳ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden trước đó, hay Phó Tổng thống Kamala Harris ở hiện tại. Đây cũng là quãng thời gian “bội thu” nhất đối với hoạt động gây quỹ của đảng Dân chủ trên ActBlue kể từ thời điểm Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg của Tòa án tối cao Mỹ qua đời.
Các nhà tài trợ từng đe dọa ngưng hỗ trợ tài chính cho đảng Dân chủ sau màn tranh luận đáng thất vọng của Tổng thống Biden trước cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi Phó Tổng thống Harris trở thành gương mặt mới của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tính riêng trong tháng 7, đội ngũ tranh cử của bà Harris đã huy động được hơn 310 triệu USD, cao gấp đôi số tiền quyên góp cho đối thủ của bà. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết họ chỉ huy động được 138,7 triệu USD trong cùng thời điểm.
Tổng cộng, chiến dịch của Phó Tổng thống Harris đã huy động được khoảng 500 triệu USD kể từ khi bà được Tổng thống Biden lựa chọn để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Nếu tính cả số tiền ông Biden huy động được trước đó, con số này lên tới 1 tỷ USD. Đây là khoản tài chính chưa từng có, phản ánh sự nhiệt tình của các nhà tài trợ đối với ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử ngày 5/11.