UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Vấn đề cần phải nghiên cứu Hà Nội học một cách hệ thống, có tính liên ngành đã đặt ra nhiều năm ở các cấp các ngành ở Hà Nội nhưng chưa thực hiện được. Trong khi đó, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nội dung giáo dục địa phương (gồm kiến thức về Hà Nội).
Khảo sát thực tế cho thấy, giáo viên và học sinh đều hào hứng và mong muốn có sự hiểu biết về mọi lĩnh vực của Hà Nội (lịch sử, địa lý, văn hóa, tính cách người Hà Nội....). Tuy thế, các thầy cô chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về Hà Nội cũng như thiếu hụt phương pháp truyền tải có hiệu quả kiến thức về Hà Nội học cho học sinh. Các nhà trường gặp khó khăn về việc đưa học sinh đi trải nghiệm, học tập tại các di tích, địa điểm ngoài trường; cơ sở vật chất, không gian văn hóa, học liệu để nghiên cứu học tập những nội dung kiến thức liên quan đến Hà Nội còn thiếu, chưa được đầu tư.
Thực tiễn đó đòi hỏi việc cần có chiến lược nghiên cứu về Hà Nội học và đào đạo nguồn nhân lực cốt lõi (giáo viên) để truyền dạy, phổ biến kiến thức về Hà Nội ở mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ Thủ đô.
Đối tượng của đề án là giáo viên phổ thông giảng dạy môn Giáo dục địa phương (giáo viên chuyên sâu), cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường phổ thông của Hà Nội (giáo viên đại trà), sinh viên các ngành sư phạm đang học tập tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Đề án tập trung triển khai một số nội dung quan trọng gồm: Xây dựng chương trình và nội dung các chuyên đề thuộc các lĩnh vực của Hà Nội bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên và đào tạo sinh viên sư phạm; xây dựng cơ sở vật chất và các nguồn học liệu khác...
Là cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế giáo nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho TP Hà Nội theo nghị định 116/2020/NĐ-CP và trong chương trình giảng dạy có môn Hà Nội học, trường ĐH Thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án, xây dựng chương trình bồi dưỡng; tổ chức đào tạo bồi dưỡng...
Theo đó, ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho các đối tượng tham gia các khóa bồi dưỡng. Đây là cơ sở để các trường phổ thông phân công giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương TP Hà Nội theo chương trình mới.
Lộ trình triển khai dự án qua hai giai đoạn: Giai đoạn 2021-2022 tập trung phổ biến nội dung đề án, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; triển khai một số nội dung của đề án. Giai đoạn 2022-2025 sẽ thống nhất về chương trình và nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông; bồi dưỡng thí điểm, xây dựng 2 phòng học mô phỏng về không gian văn hóa Hà Nội phục vụ dạy và học Hà Nội học; mở các lớp bồi dưỡng cho giáo viên và đào tạo tích hợp cho sinh viên các ngành sư phạm của trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ bám sát vào môn học giáo dục địa phương TP Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về Hà Nội nhằm giúp đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức để giảng dạy môn giáo dục địa phương TP Hà Nội ở các cấp học.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Cũng đến năm 2025, đề án bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội.