“Mẹ Oanh” là cái tên thân thương mà 15 đứa trẻ hiện đang được nuôi nấng, chăm sóc tại Nhà trẻ em núi Ba Vì (Nhà trẻ) thường dùng để gọi bà Kiều Thị Oanh, người phụ nữ đã gần 65 tuổi, nhưng người đó lại không sinh thành ra mình!
Khi chúng tôi ghé thăm, đám trẻ đã đến trường học hết, chỉ còn bà Oanh ở nhà tất bật lo bữa trưa cho các cháu. Bà Oanh kể, giọng chậm rãi: Năm 1998, với sự hỗ trợ của Tổ chức Thanh niên với sứ mệnh nhân đạo cứu trợ và phát triển châu Á (YWAM) đến từ New Zealand, Nhà trẻ em núi Ba Vì đã được ra đời.
Kể từ ngày đó cho tới bây giờ, Nhà trẻ trở thành nơi cưu mang, giúp đỡ những trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột sức lao động trên địa bàn xã Vân Hòa. Bà Oanh cũng chính là người đã gắn bó với Nhà trẻ từ những ngày đầu thành lập.
Hiện, Nhà trẻ em núi Ba Vì vẫn duy trì việc nuôi dưỡng, chăm sóc cho 15 cháu. Nhiều cháu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh hết sức đáng thương như mồ côi bố hoặc mẹ, thậm chí là không còn sự quan tâm chăm sóc của cả bố lẫn mẹ.
Có cháu lại thiếu đi tình thương yêu của 1 trong 2 người (do bố mẹ ly thân). Nhiều cháu có bố, mẹ hoặc anh chị em bị khuyết tật, khả năng lao động hạn chế khiến điều kiện kinh tế gia đình hết sức bấp bênh, tương lai mờ mịt, đối diện nhiều khó khăn…
Nhận thức được điều này, từ khi tiếp nhận các cháu vào Nhà trẻ em núi Ba Vì, bà Oanh hết mực yêu thương, không để đứa trẻ nào phải cảm thấy thiệt thòi. Dù vậy, theo bà Oanh, do các bé sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn về tình cảm, do đó việc “cảm hóa” các cháu gặp không ít khó khan.
“Không ít cháu đang đêm nằm ngủ, bỗng nhiên tỉnh giấc, khóc rưng rức đòi về. Cũng có những cháu đến với Nhà trẻ được dăm ba bữa, lại trốn về nhà…” - bà Oanh nhớ lại. Đó cũng là giai đoạn bà vất vả nhất khi phải sớm hôm dỗ dành, có khi phải chạy theo hàng cây số để khuyên nhủ, vận động các con trở lại Nhà trẻ - nơi mà bà tin rằng chúng sẽ có cơ hội để được quan tâm, chăm sóc kỹ càng, sẽ có được một tương lai tươi sáng hơn.
Một tay lo toan tất thảy mọi việc, từ cơm ăn, ăn mặc cho tới ngủ nghỉ cho các cháu, nhưng với bà Oanh đó là niềm hạnh phúc lớn. Sau này khi nghĩ lại, người phụ nữ gần 65 tuổi bảo: Đó là những năm tháng vất vả nhưng cũng có ý nghĩa nhất trong quãng đường đã qua.
Tại Nhà trẻ em núi Ba Vì hiện nay, các em nhỏ không chỉ được chăm lo cuộc sống, việc học hành, mà còn được giáo dục tinh thần trách nhiệm với “gia đình nhỏ” của mình. Tùy theo sức, các cháu được phân công làm việc nhà phù hợp như: nấu ăn, quét sân, phơi quần áo, dạy em học bài…
Khu vườn nhỏ vừa là nơi cung cấp nguồn rau xanh - sạch - an toàn cho những bữa cơm, cũng là nơi để các em bước đầu tiếp cận và biết làm việc tạo ra sản phẩm, học cách quý trọng công sức lao động. Đến nay, hầu hết các cháu đã biết lo toan việc nhà phụ giúp “mẹ Oanh”.
Trong hơn 20 năm qua, Nhà trẻ em núi Ba Vì đã thực sự trở thành mái nhà ấm ấp của những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ở Nhà trẻ hiện nay, bé nhỏ tuổi nhất là Bùi Minh An, hiện đang học lớp 4 (trường Tiểu học Vân Hoà); lớn tuổi nhất là Bùi Trí Đặng, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Dù không cùng huyết thống, nhưng tất thảy đều yêu thương nhau vô điều kiện. Buổi trưa hôm chúng tôi đến thăm, được nhìn cảnh tượng đám trẻ nhỏ đi học về, tới cửa nhà, tất thảy gọi lớn tiếng “mẹ Oanh”. Mấy cô “con gái” tình cảm hơn, chạy vào ôm vai bá cổ “mẹ”. Thật cảm động! Bà Oanh bảo: Dù gia sản chẳng có gì, nhưng bà là người “giàu có” nhất thế gian, bởi không ai có nhiều “con” như bà!
Niềm vui lan toản sang chúng tôi khi được biết, tất thảy 15 đứa đều ngoan ngoãn và học hành rất khá. Đó có lẽ cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ mái tóc pha sương, sắp bước sang tuổi 65.
Từ khi Nhà trẻ em núi Ba Vì đi vào hoạt động cho đến đến nay đã ngót nghét hơn 20 năm. Cũng trong chúng ấy thời gian, đã có nhiều thế hệ trẻ em đến rồi đi. Trường hợp của Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1986) là một ví dụ.
Anh Sơn là người dân tộc Mường, nhà ở thôn Xoan (xã Vân Hòa), bị mồ côi mẹ từ sớm, cũng là một trong những người đầu tiên được Nhà trẻ cưu mang. Sau nhiều năm được nuôi dưỡng tại đây, anh tốt nghiệp cấp 3, ra trường đi làm và hiện đã có gia đình - 1 vợ cùng 2 đứa con xinh xắn, kháu khỉnh.
Cũng có thể kể tới câu chuyện của em Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1990) bị mồ côi cha từ nhỏ. Sau những năm tháng được nuôi dưỡng dưới “mái nhà hạnh phúc”, Mai đã tốt nghiệp một trường trung cấp, hiện đang làm việc tại trường Mầm non Vân Hoà B. Hay trường hợp của Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1997), ở thôn Đa Cuống. Huệ bị mồ côi mẹ, nhưng là đứa học hành khá nhất trong số những em nhỏ từng ở Nhà trẻ, nay đã tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và ra trường, có việc làm ổn định.
Đến nay, vào mỗi dịp lễ tết, Sơn, Mai, Huệ cùng nhiều thành viên từng lớn lên dưới mái nhà chung nằm dưới chân núi Ba Vì lại tụ hội về thăm hỏi, vui chơi, tặng quà cho lớp đàn em kế cận ở Nhà trẻ. Có lẽ hơn ai hết, các em đều nhận thức được rằng: Cuộc sống của bản thân đã đổi khác rất nhiều từ chính những năm tháng được sống dưới mái nhà hạnh phúc, nơi có “mẹ Oanh” hết mực thương yêu, chăm sóc, và tình cảm thương mến của những anh chị em không cùng huyến thống.
Những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ thường xuyên của Tổ chức YWAM (New Zealand), ngôi nhà hạnh phúc của “mẹ Oanh và những đứa con” vẫn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, trong số hàng chục cháu ở Nhà trẻ, có gia đình của 6 cháu là hộ nghèo đã được các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng, tu sửa nhà ở kiên cố.
Hàng năm, hễ đến dịp ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Tết Trung Thu hoặc Tết nguyên đán, các cháu tại Nhà trẻ em núi Ba Vì đều được nhận những phần quà từ chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, hội từ thiện gửi tặng. Bên cạnh đó, các cháu tại Nhà trẻ khi tới trường đều được hưởng đầy đủ các chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Nhà nước…
Chủ tịch UBND xã Vân Hoà, cũng là Trưởng Ban Quản lý dự án “Nhà trẻ em núi Ba Vì” Nguyễn Phi Long cho biết, vừa qua, niềm vui lớn đã đến với mẹ Oanh và những em nhỏ, khi được Tổ chức YWAM hỗ trợ khoảng 2,5 tỷ đồng để nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất của Nhà trẻ. Công trình đến nay đã hoàn thành, góp phần cải thiện tốt hơn điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cho các cháu.
“Những năm qua, chính quyền địa phương luôn nhận thức rất rõ ý nghĩa của Nhà trẻ em núi Ba Vì trong việc trợ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận và hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc tạo điều kiện để mô hình tiếp tục hoạt động hiệu quả, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn những tấm lòng hướng về Nhà trẻ, trợ giúp các em nhỏ nơi đây có được điều kiện tốt hơn để trưởng thành và vững bước vào đời…” - ông Nguyễn Phi Long bày tỏ mong muốn.
13:40 19/09/2023