Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2022 - Năm của những kỷ lục

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiệt độ như thiêu đốt, giá năng lượng tăng chóng mặt đến hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine, hàng loạt con số chưa từng có tiền lệ đã làm nên một năm 2022 đầy khắc nghiệt của thế giới.

Năm 2022 chứng kiến sự nhảy múa chóng mặt của giá nhiên liệu trên thế giới. Trong ảnh: Người dân Mỹ mua xăng, dầu tại một cửa hàng. Ảnh: AFP
Năm 2022 chứng kiến sự nhảy múa chóng mặt của giá nhiên liệu trên thế giới. Trong ảnh: Người dân Mỹ mua xăng, dầu tại một cửa hàng. Ảnh: AFP

Khủng hoảng lương thực và năng lượng

Vào tháng 3 năm nay, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) báo cáo rằng chỉ số giá lương thực toàn cầu là 159.3 điểm, đánh dấu mốc kỷ lục của chỉ số này kể từ khi được ghi nhận vào năm 1990. Tác động của đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng trên các thị trường lương thực, thực phẩm, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng lên hơn 345 triệu ở 82 quốc gia. Theo các ước tính riêng về cung - cầu ngũ cốc, FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 xuống 2,756 tỷ tấn, thấp hơn 2% so với sản lượng ước tính trong cả năm 2021 và đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. FAO cảnh báo, chi phí nhập khẩu lương thực dự kiến cao kỷ lục trong năm 2022 sẽ khiến các nước nghèo nhất cắt giảm khối lượng nhập khẩu mặt hàng này.

Bên cạnh đó, thế giới cũng đang ở giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng với chiều sâu và sự phức tạp chưa từng thấy, trong đó châu Âu là trung tâm. Chiến sự nổ ra ở Ukraine đã khiến các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như Shell, BP và Equinor nhanh chóng rút khỏi Nga, bất chấp việc phải từ bỏ hàng chục tỷ USD đã đầu tư ở đây. Moscow đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách giảm dần nguồn cung dầu khí tới "các quốc gia không thân thiện" và yêu cầu thanh toán hợp đồng năng lượng bằng đồng rúp, dự báo cắt nguồn cung dầu khí tới gần như toàn Liên minh châu Âu (EU).

Hậu quả tất yếu là giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm. Có thời điểm giá dầu lên tới gần 140USD/thùng, gần bằng mức kỷ lục mọi thời đại (147,5 USD/thùng vào tháng 7/2008), đẩy châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào vòng xoáy lạm phát, dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí ở nhiều quốc gia.

“Bão” lạm phát

"Cơn bão" lạm phát, vốn hình thành từ giữa năm 2021, đã kéo dài hơn dự báo và càn quét toàn thế giới trong năm 2022. Hồi tháng 6, lạm phát tại Mỹ là 9,1% - mạnh nhất kể từ năm 1982. Lạm phát tại Anh và Nhật Bản lập đỉnh 4 thập kỷ trong tháng 10. Cũng tháng đó, lạm phát Khu vực đồng euro (Eurozone) lập kỷ lục mới, với 10,7% - cao nhất kể từ năm 1997. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức ghi nhận lạm phát 11,6% - tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1951. Tại châu Á - Thái Bình Dương, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức lạm phát lên tới hơn 80% và Sri Lanka là hơn 60%.

Có tới hơn 43% số quốc gia trên thế giới ghi nhận lạm phát ở hai chữ số. Lạm phát lập đỉnh khiến hàng loạt nền kinh tế phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo New York Times, tính đến tháng 7/2022, hơn 70 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất để đối phó lạm phát, là điều chưa từng xảy ra kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước trở lại đây.

Nắng nóng chưa từng thấy

Người châu Âu đã đổ mồ hôi trong một mùa Hè 2022 nóng nhất từng được ghi nhận, với kỷ lục mức nhiệt được báo cáo ở nhiều quốc gia, điển hình là Vương quốc Anh - nơi lần đầu tiên nhiệt độ lên tới 400C. Những đợt nắng nóng kỷ lục đã đẩy châu Âu vào tình thế hứng chịu hạn hán nghiêm trọng nhất trong 500 năm. Các vụ cháy rừng liên quan đến nắng nóng cũng đã thiêu rụi nhiều đất đai hơn bao giờ hết ở châu Âu - hơn 600.000ha. Bloomberg dẫn dữ liệu chính thức cho thấy, mùa Hè nóng kỷ lục năm nay nhiều khả năng đã gây ra cái chết của hơn 20.000 người ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.

Tại châu Á, Ấn Độ cũng đã trải qua tháng 3/2022 nóng nhất trong lịch sử kể từ khi dữ liệu khí hậu được ghi chép suốt hơn 120 năm qua. Bên cạnh đó, nhiệt độ trên đất liền ở miền Nam Ahmedabad tăng lên 650C trong tháng 4. Cùng với tình trạng thiếu năng lượng, năng suất một số cây trồng bị tổn thất đến 50%. Khi nhiệt kế tăng lên 50,20C ở TP Nawabshah thuộc miền Nam Pakistan, giới khoa học cho rằng đây là mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở bất kỳ nơi nào trên địa cầu trong tháng 4.

Dòng người tị nạn chờ đợi để được đưa đến cửa khẩu Medyka, Ba Lan, rời khỏi Ukraine tháng 3/2022. Ảnh: AP  
Dòng người tị nạn chờ đợi để được đưa đến cửa khẩu Medyka, Ba Lan, rời khỏi Ukraine tháng 3/2022. Ảnh: AP  

Làn sóng người tị nạn

Chiến tranh Nga - Ukraine cũng dẫn đến làn sóng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp quốc UNHCR hơn 7 triệu người Ukraine đã phải chạy trốn sang các nước châu Âu khác và hơn 6,9 triệu người phải di dời trong nước. Trên toàn cầu, lần đầu tiên số người phải phải rời bỏ nhà cửa vượt quá 100 triệu - con số mà người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi, miêu tả là "kỷ lục lẽ ra không bao giờ nên được xác lập".

UNHCR cho biết, các chính phủ trên thế giới đã cam kết khoảng 1,13 tỷ USD - cũng là một con số kỷ lục - để cứu trợ những người buộc phải sơ tán do chiến tranh, bạo lực và quyền con người không được đảm bảo. Hồi tháng 6 năm nay, khi Liên Hợp quốc phát động Chương trình Hành động về di cư quốc tế, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nói rằng thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư trong nước. Liên Hợp quốc cũng cảnh báo hàng nghìn người di cư tuyệt vọng trông đợi châu Âu như một "miền đất hứa" nên đã đặt số phận của họ vào tay những kẻ buôn người và mạo hiểm vượt Địa Trung Hải.