Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh do Nga dẫn đầu, còn gọi là nhóm OPEC+, hồi đầu tháng 6 đã nhất trí điều chỉnh giảm sản lượng khai thác về mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Cùng thời điểm trên, Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi thông báo nước này sẽ giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7, đưa tổng sản lượng khai thác “vàng đen” của vương quốc dầu mỏ xuống còn 9 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất trong nhiều năm.
Đầu tháng này, Ả Rập Saudi đã gia hạn việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9, đồng thời tuyên bố có thể tiếp tục siết nguồn cung lâu hơn và giảm sản lượng mạnh hơn nếu Riyadh thấy cần thiết.
Việc cắt giảm ban đầu dường như đã phát huy hiệu quả, khi giá dầu Brent trong tháng 7 đã leo dốc 14% so với tháng trước đó và ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1/2022. Tuy nhiên, giá dầu trong tháng 8 này đang có xu hướng giảm khoảng 3% so với tháng 7 do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới, tăng chậm.
Giá Brent hiện đang duy trì hơn 80 USD/thùng là quá thấp đối với Ả Rập Saudi vì nước này cần dầu thô ở mức 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách, vì vậy Riyadh càng có thêm động lực để giữ nguồn cung thắt chặt hơn.
Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán Ả Rập Saudi có thể sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày tháng thứ 3 liên tiếp đến tháng 10/2023 trong bối cảnh triển vọng nhu cầu dầu chưa chắc chắn.
“Chúng tôi tin rằng Ả Rập Saudi sẽ gia hạn cắt giảm ít nhất cho đến tháng 10. Vương quốc này đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng sau sự suy yếu của thị trường dầu mỏ trong nửa đầu năm và sẽ muốn thấy tồn kho toàn cầu giảm đáng kể trước khi bắt đầu nới lỏng cắt giảm tự nguyện bổ sung" – nhà phân tích Richard Bronze tại công ty tư vấn Energy Aspect nói với Reuters.
Trong khi đó, nhà môi giới John Evans của PVM Oil và Ole Hansen từ Saxo Bank đều dự đoán rằng việc khôi phục sản xuất dầu từ khu vực Kurdistan của Iraq có thể khiến Riyadh buộc phải tiếp tục siết nguồn cung ra thị trường trong thời điểm hiện tại.
Giá dầu tiếp tục giảm trong ngày 24/8 trong bối cảnh dữ liệu sản xuất yếu kém trên toàn cầu đã lấn át sự lạc quan về việc dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Cụ thể, giá dầu Brent sụt 0,3%, xuống còn 82,94 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,4%, về mức 78,58 USD/thùng.
Thị trường dầu thế giới cũng đang tìm kiếm gợi ý về triển vọng lãi suất khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nhà hoạch định chính sách từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tham dự cuộc họp thường niên ở Jackson Hole (Mỹ) vào 25/8.
Các cuộc thảo luận đã chuyển sang việc duy trì lãi suất quanh mức hiện tại – nhưng có lẽ lâu hơn so với dự báo trước đây – thay vì nâng lãi suất thêm.
Về vấn đề nguồn cung, sản lượng dầu thô của Iran sẽ đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo thông báo của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này sụt 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/8, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 2,8 triệu thùng từ các nhà phân tích, nhờ được hỗ trợ từ hoạt động lọc dầu mạnh mẽ và lượng xuất khẩu tăng cao.