Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ẩn số trong thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine

Kinhtedothi - Bên cạnh mục tiêu hợp tác đầu tư và tái thiết, thỏa thuận khoáng sản giữa Washington và Kiev đang làm dấy lên nghi vấn về các điều khoản bí mật, nghĩa vụ vô thời hạn và sự thiếu vắng đảm bảo an ninh thực chất từ phương Tây.

Thỏa thuận được ca ngợi nhưng đầy tranh cãi

Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine ký kết hôm 30/4 được quan chức hai nước giới thiệu như một bước tiến lớn trong hợp tác song phương sau khi kết thúc cuộc xung đột.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi văn bản chính thức được công bố, làn sóng chỉ trích từ nội bộ Ukraine đã bùng lên. Trong bài đăng trên trang mạng xã hội hôm 2/5, nghị sĩ Irina Gerashchenko, thành viên đảng Đoàn kết châu Âu, cáo buộc chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky "giấu giếm" 2 văn kiện bổ sung quan trọng kèm theo thỏa thuận chính, sẽ không phải chịu sự phê chuẩn của Quốc hội Ukraine.

Thỏa thuận khoáng sản được cho là cấp cho Mỹ quyền tiếp cận ưu đãi đối với các dự án khai thác mỏ của Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ thông qua một quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ tái thiết đất nước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận khoáng sản tại Washington, hôm 30/4. Ảnh:  RT

Ban đầu được Washington mô tả là khoản tiền hoàn trả cho khoản hỗ trợ quân sự ước tính 350 tỷ US, văn bản cuối cùng, được chính phủ Ukraine công bố nêu rõ chỉ có viện trợ trong tương lai mới được tính vào các khoản đóng góp của Mỹ vào quỹ.

Tuy nhiên, nghị sĩ Gerashchenko cho biết, thay vì 1 thỏa thuận, Mỹ và Ukraine đã ký 3 thỏa thuận.

“Thay vì 1 thỏa thuận, phía Ukraine đã ký 3. Nhưng chỉ có một văn bản khung được trình Quốc hội, trong khi hai tài liệu còn lại – vốn chứa toàn bộ chi tiết kỹ thuật về các nghĩa vụ vô thời hạn lại bị dán nhãn là 'tài liệu triển khai' và không được công khai” – nghị sĩ Gerashchenko viết trên Facebook ngày 2/5.

Theo bà Gerashchenko, chính phủ đã cố tình né tránh quy trình phê chuẩn đầy đủ, trong khi những cam kết dài hạn với Mỹ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chủ quyền kinh tế và chính trị của Ukraine.

Bà cũng chỉ trích Thủ tướng Denis Shmigal vì “im lặng” trước câu hỏi của Quốc hội Ukraine về các tài liệu mật và sự thiếu vắng các đảm bảo an ninh rõ ràng trong thỏa thuận.

Cùng ngày, nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak xác nhận trên Telegram rằng khi bị ép buộc, Thủ tướng Shmigal thừa nhận 2 tài liệu bổ sung nhưng khẳng định 2 văn hiện này chỉ ở mức “kỹ thuật” và không cần Quốc hội phê chuẩn. Theo Thủ tướng Shmigal, các văn bản này sẽ được ký sau khi thỏa thuận chính được phê chuẩn và các nghị sĩ “sẽ được xem” khi đoàn đàm phán từ Mỹ trở về vào tuần tới.

Các báo cáo từ phương tiện truyền thông phương Tây cũng lưu ý đến sự tồn tại của các tài liệu bổ sung và tuyên bố một cuộc tranh chấp vào phút chót đã nảy sinh khi Washington yêu cầu Kiev ký cả 3 văn bản. Các quan chức Ukraine được cho là đã lập luận rằng họ không thể ký các phụ lục cho đến khi thỏa thuận chính được phê chuẩn tại Quốc hội. Các báo cáo sau đó cho biết cả 3 văn bản cuối cùng đã được ký.

Thiếu đảm bảo an ninh từ phương Tây

Dưới góc nhìn chiến lược, giới chuyên gia cho rằng việc Ukraine phải chấp nhận các ràng buộc kinh tế trong khi không nhận được đảm bảo an ninh cứng rắn là một nhượng bộ đáng kể.

Theo ông Mark Episkopos - chuyên gia tại Viện Quincy về Chính sách Trách nhiệm (Quincy Institute for Responsible Statecraft), thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine chủ yếu đóng vai trò như một công cụ bồi thường cho hỗ trợ tương lai của Washington, chứ không phải khoản thanh toán ngược cho viện trợ quân sự trị giá khoảng 350 tỷ USD như phía Washington từng mô tả.

"Thỏa thuận này thiết lập cơ chế bồi thường để đổi lấy viện trợ tương lai từ Mỹ, kết hợp với việc các công ty và người lao động Mỹ hiện diện tại Ukraine, có thể coi là một dạng cam kết hậu chiến – thay thế cho các đảm bảo an ninh cứng rắn mà giới chức Ukraine mong muốn nhưng khó có thể đạt được" – chuyên gia Episkopos nhận định trong một bình luận với hãng tin Tass ngày 2/5.

Ông Episkopos cũng cho rằng, bên cạnh các “cam kết mềm” như lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cơ chế giám sát ngừng bắn, một khuôn khổ giải quyết xung đột có thể được xây dựng, song khó đáp ứng kỳ vọng về an ninh thực chất từ phía Kiev.

Washington coi thỏa thuận khoáng sản với Ukraine là hình mẫu cho chính sách đối ngoại mới

Trong một thông tin đáng chú ý được hãng tin Bloomberg đăng tải ngày 2/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem thỏa thuận khoáng sản với Ukraine như một khuôn mẫu cho các thỏa thuận tương lai với nhiều quốc gia khác.

Theo nguồn tin của Bloomberg, thỏa thuận khoáng sản giữa Washington và Kiev, bao gồm quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên như dầu khí, graphite và nhôm, thể hiện rõ chiến lược của Tổng thống Trump: sử dụng ảnh hưởng của chính sách đối ngoại Mỹ để tăng tài sản cho cán cân quốc gia thay vì gánh thêm nghĩa vụ tài chính.

“Chính quyền Trump coi thỏa thuận với Ukraine như một hình mẫu cho các thỏa thuận quốc tế tiếp theo, phản ánh chiến lược dùng đòn bẩy chính sách đối ngoại để thu hút tài sản và lợi tức đầu tư ở nước ngoài” - Bloomberg dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Chiến lược này phù hợp chính sách “nước Mỹ trên hết” mà ông Trump từng tuyên bố, nay được cụ thể hóa bằng cách yêu cầu các đối tác như Ukraine nhượng quyền khai thác tài nguyên để đổi lấy hỗ trợ tài chính, không chỉ đơn thuần là viện trợ không hoàn lại.

Trong bối cảnh đó, việc Kiev phải chấp nhận các điều khoản bất lợi, bao gồm cả những nghĩa vụ vô thời hạn như cáo buộc từ một số nghị sĩ Ukraine, có thể không phải là ngoại lệ mà là tiền lệ cho các quốc gia đang cần viện trợ hậu xung đột khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin nào được công bố chính thức về nội dung của hai văn kiện bổ sung. Chính phủ Ukraine cũng chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ các cáo buộc từ các nhá lập pháp.

Phái viên của ông Trump thảo luận trực tiếp với ông Putin về khả năng đối thoại Nga - Ukraine

Phái viên của ông Trump thảo luận trực tiếp với ông Putin về khả năng đối thoại Nga - Ukraine

Mỹ ký kết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine

Mỹ ký kết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giới phân tích dự báo bất ngờ về giá vàng trong dài hạn

Giới phân tích dự báo bất ngờ về giá vàng trong dài hạn

03 May, 05:14 PM

Kinhtedothi - Với kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed, nhu cầu vàng mạnh mẽ và tâm lý lo ngại rủi ro bao trùm các thị trường tài chính, giới chuyên gia cho rằng triển vọng tăng giá của vàng vẫn còn rất lớn trong những tháng tới.

Tổng thống Trump đề xuất tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng

Tổng thống Trump đề xuất tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng

03 May, 12:17 PM

Kinhtedothi - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất cắt giảm 22,6% USD cho ngân sách liên bang, chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, nhà ở. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng lại được tăng 13% lên tới 1,01 nghìn tỷ USD.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ