Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An toàn là trên hết

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chiều 22/4 tại Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến dư luận không khỏi xót xa, day dứt.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các lao động đang trực tiếp thực hiện công việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy, đã có 7 người tử vong và 3 người bị thương.

Vụ tai nạn xảy ra lại một lần nữa đặt ra những vấn đề cũng như bài học trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng... Hiện nay hệ thống văn bản quy pháp pháp luật về ATVSLĐ đã được Nhà nước ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thể hiện ở Luật ATVSLĐ, các nghị định, thông tư, quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, công tác ATVSLĐ tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Trong khi đó, công tác thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ.

Để có môi trường làm việc ATVSLĐ thì 3 chủ thể là Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải chung tay xây dựng. Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất. Để phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm ATVSLĐ thì trước hết chủ sử dụng lao động phải có tư duy tạo ra một môi trường làm việc không có các nguy cơ mất an toàn. Chủ sử dụng lao động là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn lao động, tai nạn lao động; có như thế mới giải quyết được vấn đề an toàn lao động.

Nhưng vấn đề trên hết là chúng ta phải tạo ra văn hóa an toàn lao động và luôn nghĩ tới việc xóa bỏ các nguy cơ không an toàn. Theo đó, khi DN muốn thực hiện một chương trình, hoạt động, công việc gì thì phải đánh giá rủi ro có thể không an toàn cho người lao động. Việc đánh giá, xác định rủi ro và xử lý trước khi vận hành phải trở thành văn hóa của người sử dụng lao động. Về phía người lao động phải được hiểu biết hơn về vai trò của mình trong việc loại trừ các nguy cơ không an toàn. Và khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn phải báo cáo ngay với chủ sử dụng lao động để kịp thời xử lý.

Ngày mai (26/4), Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ T.Ư phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024. Chủ đề của Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trong tháng hành động (1/5 – 31/5) sẽ diễn ra nhiều hoạt động ở T.Ư, địa phương như triển khai Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ; đối thoại của hội đồng quốc gia cấp tỉnh về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động thanh tra, tự kiểm tra tại DN, cơ sở sử dụng lao động,... Các chương trình, hoạt động nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy sản xuất an toàn, góp phần hưởng ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.