Ký ức không quên của “mũi trưởng” tấn công vào Đài ra-đa Phú Lâm
Kinhtedothi - Tiểu đoàn 13 là một trong những mũi tấn công làm nên chiến thắng của trận Đài ra-đa Phú Lâm - căn cứ thông tin quan trọng bậc nhất của Đế quốc Mỹ tại miền Nam. Trong ký ức của ông Lê Thanh Giản, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 13, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như ngày nào dù 50 năm đã trôi qua.
Tiến về giải phóng Sài Gòn
Tại ngôi nhà nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Bình Trọng, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Giản (sinh năm 1950 tại Quảng Trạch, Quảng Bình) hào hứng kể, cuối năm 1970 khi đang học Đại học Thủy sản, ông viết đơn xin gia nhập ngũ và được phân công về đơn vị Đặc công thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 463, Trung đoàn 568, Quân khu Tả ngạn.
Cuối năm 1971, ông cùng đơn vị hành quân vào miền Nam chiến đấu; được bổ sung về Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 429 thuộc Đoàn 27 Đặc công Miền. Tại đây, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt như: tấn công căn cứ Lai Khê, căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh), căn cứ Bù Bông (Đăk Nông) và trận đánh vào Chi khu Kiến Đức tháng 12/1973…

Ông Lê Thanh Giản và vợ bên những kỷ vật liên quan đến những trận đánh oanh liệt trong Kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: HC
Ông Giản vẫn nhớ như in Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Tiểu đoàn 13, Đoàn Đặc công 429 hành quân thần tốc về khu vực phía Tây Nam Sài Gòn, lúc này vị trí đứng chân của đơn vị ở rừng tràm Ba Làng (nay thuộc huyện Đức Huệ, Long An). Nơi đây đất ẩm, cây tràm cao chỉ hơn đầu người, trên ngọn dây tơ hồng phủ kín. Chỗ râm mát nhất là gốc tràm chỉ vừa đủ che cho một người ngồi nghỉ. Ấy vậy mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải đào một cái hầm, lấy cây tràm lót trên nắp, lấp đất lên, rồi trải cây lác bên trên làm giường ngủ. Khi có pháo của địch bắn, tất cả phải nhảy xuống hầm trú ẩn, chỉ thò được mỗi cái đầu lên khỏi miệng hầm, quần áo bên dưới ướt sũng…
Từ ngày 20/4/1975, cả đơn vị của ông được lệnh hành quân lên khu vực An Lạc, Bình Chánh áp sát Đài ra-đa Phú Lâm chờ lệnh tấn công. Trong ký ức của người Đại đội trưởng, thời điểm ém quân chờ lệnh nổ súng rất gian khổ vì khu vực này đồng không mông quạnh, nắng như thiêu đốt, lấy miếng lương khô ra ăn mà cắn mãi chẳng được vì quá khô và khát… “Nhưng nhờ làm công tác binh vận tốt, chúng tôi đã được các má ở ấp An Lạc là cơ sở cách mạng giúp bộ đội đến đổi nước” - ông Giảng chia sẻ.
Quyết tâm tiêu diệt “mắt thần” của kẻ thù
Căn cứ Đài ra-đa Phú Lâm (Quận 6) được xem là trung tâm thông tin lớn và hiện đại nhất châu Á lúc bấy giờ với gần 800 nhân viên quân sự. Quân đội Mỹ và chính quyền tay sai tự hào gọi căn cứ này là “mắt thần” của cả vùng phía Tây Thái Bình Dương.
Ông Giản hồ hởi: tiêu diệt trung tâm này sẽ làm tê liệt mạng lưới thông tin liên lạc của địch, phá vỡ sự hợp đồng giữa các mũi, các hướng của chúng. Tuy nhiên, để thâm nhập được an toàn, từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào không dễ. Bởi địch dùng nhiều lớp hàng rào dây thép gai, trên đó cài sẵn mìn vướng nổ làm vật cản, lính địch lại canh gác cẩn mật suốt ngày đêm. Muốn tiếp cận được Đài ra-đa Phú lâm, phải băng qua một cánh đồng rộng, trống trải; chọn hướng nào để tiềm nhập vào đánh mục tiêu, cần trinh sát nhiều lần để nắm chắc địa hình và các mục tiêu.
Ông Giản bồi hồi nhớ lại, đêm 28/4/1975, từ địa điểm đóng quân, Tiểu đoàn 13 trung đoàn 429 Đặc công Miền chia làm 2 mũi tiến quân từ hướng Nam, đánh chính diện vào căn cứ thông tin Đài ra-đa Phú Lâm. “Trước khi tấn công, đơn vị tôi chia làm 2 mũi, đồng chí Vũ Ngọc Đô chỉ huy một mũi, tôi chỉ huy một mũi. Hai mũi bí mật luồn sâu, ém sẵn tới các mục tiêu đã được phân công, dù ánh điện rất sáng và giặc canh gác nghiêm ngặt với hỏa lực vũ khí trang bị vượt trội”.
Ba giờ sáng 29/4/1975, bộc phá lệnh nổ, tiếp theo là những ánh chớp của thủ pháo do các chiến sĩ bên trong căn cứ đánh ra. “Hỏa lực của địch bắn ra như mưa, các trận địa pháo tới tấp chi viện. Máy bay lên thẳng lượn nhiều vòng chiếu đèn pha để tìm chúng tôi. Sau gần 1 tiếng chiến đấu ác liệt, chúng tôi đã làm chủ trận địa, khẩn trương kiến thiết công sự chiến đấu tại chỗ. Địch tăng cường quân từ nội thành ra chi viện nhưng chúng chỉ dám dùng hỏa lực từ xa bắn” – ông Giản kể mà ánh mắt cứ ngời lên theo từng cung bậc của trận đánh.
Đến sáng 30/4/1975, địch tổ chức nhiều đợt phản kích nhưng đều bị Tiểu đoàn 13 đánh bật ra. Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch diễn ra ác liệt, mặc dù trên đài phát thanh lúc 11 giờ 30 phút, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng, nhưng trận chiến đấu vẫn còn tiếp diễn thêm 30 phút mới im tiếng súng…
Câu chuyện từ những tháng ngày thuộc về 50 năm trước chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí người “mũi trưởng” tấn công vào Đài ra-đa Phú Lâm. Câu chuyện ấy là ký ức của ông, nhưng cũng là kho báu, là niềm tự hào của dân tộc Việt, của thế hệ hôm nay - một lát cắt trong hành trang mà dân tộc Việt Nam đã kiên cường, bất khuất làm nên Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

TP Hồ Chí Minh: khai trương Trung tâm Báo chí Lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kinhtedothi – Sáng 27/4, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước trong 3 năm (2023 - 2025) đã khai trương Trung tâm Báo chí Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua góc nhìn của nhà báo nước ngoài
Kinhtedothi – Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), có 169 phóng viên quốc tế của 39 hãng thông tấn báo chí từ 17 quốc gia; hơn 630 phóng viên của 81 cơ quan báo chí trong nước đăng ký tác nghiệp.

Trường học Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng mừng 50 năm thống nhất đất nước
Kinhtedothi – Hòa cùng không khí náo nức của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những ngày này, các trường học Hà Nội sáng bừng bởi cờ đỏ sao vàng rực rỡ cùng những gương mặt thầy trò lấp lánh niềm vui.