Một ngày cuối Thu, chúng tôi đến tư gia của nhà giáo Nguyễn Trung Thiếp tại một căn hộ tập thể thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Tiếp chúng tôi- nhà giáo Nguyễn Trung Thiếp, Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục ăn vận lịch sự với trọn vẹn cốt cách của người Thầy. Trong suốt câu chuyện, thầy luôn nở nụ cười đôn hậu, khiêm nhường, nhắc đến ngành Giáo dục, đến Bình dân học vụ, đến bà nội và người vợ tảo tần. Đó là tâm huyết của thầy và cũng là những khoảng lặng bình yên nhưng nhiều day dứt của “Anh hùng diệt giặc dốt”.
Tìm hiểu về thầy, tiếp xúc với thầy để thấy được hình ảnh người thầy đáng kính, người cán bộ mẫu mực, người cách mạng trung kiên. Những quan điểm về giáo dục, về phương pháp giảng dạy trong thời kỳ Bình dân học vụ (BDHV) của thầy vẫn còn nguyên giá trị với môi trường học đường hôm nay.
Nguyễn Trung Thiếp sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Mẹ mất năm Thiếp 5 tuổi. Thiếp lớn lên trong vòng tay chở che, chăm sóc của bà nội. Bà vừa là mẹ, vừa là bà, vừa là người thầy đầu tiên của Thiếp. Thiếp học chữ Hán, chữ Nho, chữ Quốc ngữ đều do bà chỉ dạy, thúc giục. Nghe lời bà cộng tinh thần sáng dạ, ham học, Thiếp là một trong số hiếm hoi người đồng trang lứa ở xã lúc bấy giờ học hết lớp 4.
Năm 12 tuổi, Thiếp tham gia phong trào liên lạc ở địa phương. Thiếp muốn ra chiến trường đánh đuổi quân giặc nhưng vì đơn vị tạm ngừng tuyển thiếu nhi mà Thiếp không được nhận. Biết Thiếp buồn, nhiều đàn anh đã động viên Thiếp rằng: “Chưa làm được chiến sỹ diệt giặc đế quốc thì làm chiến sĩ diệt giặc dốt” nên dù kiến thức hãy còn non, còn “con nít”, đầu chỉ chấm nách các anh, tay chưa với được quá bảng mà phải dùng một cái cây để chỉ chỗ cao, Thiếp vẫn gật đầu đi dạy BDHV.
Đối tượng BDHV khi ấy là người già, là các bà, các mẹ, các chị. Thiếp khiêm tốn: “Tôi biết một ít văn hóa đem bày lại cho bà con chứ đúng ra tôi đến đây để học hỏi bà con”. Lớp học ngày ấy rất đỗi thô sơ với bảng là tấm cửa, bàn là bục, là chõng, ghế ngồi do bà con mang theo. Nhiều bà con đi học còn bế cả cháu nhỏ đi cùng. Giấy bút bà con tự túc làm lấy. Nhiều người mang giấy của con mình đã viết rồi đem phơi sương cho phai màu mực cũ để dùng lại. Nhìn bà con nô nức đi học, Thiếp như được tiếp thêm động lực và dần tự tin với con đường dạy chữ, xóa mù. Kể từ đây, bà con Nhân dân địa phương gắn bó, quen thuộc với hình ảnh của thầy giáo Thiếp.
Trong quá trình dạy học, thầy Thiếp chú trọng việc phải làm gì để học viên thấy hứng thú học tập, từ đó tạo hiệu quả thu nhận kiến thức cao nhất, tốt nhất. Ở lớp sơ cấp, khi dạy chữ cái, thầy thường để bà con liên hệ xem có sự vật nào giống với chữ cái đang học không. Ví dụ, chữ “s” giống nửa lá trầu không, giống con ếch ngồi chồm hỗm. Những hình ảnh gần gũi đưa ra làm lớp học bớt căng thẳng và vui nhộn hơn. Từ thực tế đó, thầy đã rút ra kinh nghiệm là cách áp dụng hình tượng cụ thể vào dạy học có tác dụng tốt về hai mặt: Ở lớp học viên phải suy nghĩ và không khí lớp học vui vẻ. Khi ra về, nhìn thấy những vật đã đưa ra liên hệ, bà con sẽ nhớ đến chữ cái vừa học.
Thầy Thiếp cũng hay dùng ca dao để dạy học nhằm giúp bà con dễ nhớ, dễ thuộc mặt chữ. Thầy cho rằng, bảng đen là công cụ cần thiết nhất cho người giáo viên; nếu chú trọng dùng bảng và dùng khéo thì rất có lợi cho việc tiếp thu kiến thức. Khi dạy bài chính tả, thầy thường chia bảng làm ba phần: Một phần dành cho chữ phải viết hoa, một phần trình bày những chữ khó viết và phần nữa dành cho những chữ cần giải nghĩa. Dần dần, học viên quen nếp dạy, nếp viết của thầy nên chỉ cần thầy mới viết lên bảng, chưa cần giảng là học viên đã biết chữ nào là chữ khó viết, chữ nào phải viết hoa, chữ nào cần giải nghĩa.
Theo thầy Thiếp, trong một lớp BDHV thì trình độ học viên không đồng loạt như nhau, trình độ thu nhận của bà con không đồng đều, có người chăm học, tiếp thu nhanh, có người nghỉ học nhiều, tiếp thu chậm, ngại học. Vì vậy, thầy sắp xếp học viên riêng từng loại: Học khá, học trung bình, học kém. Thầy xếp những người học kém ở bàn đầu để vừa tiện nhìn bảng, vừa thuận cho việc quan tâm, kèm cặp của giáo viên.
Sau này, khi làm Hiệu phó trường Văn hóa sơ cấp tỉnh Nghệ An, thầy vẫn giữ thói quen quan tâm, săn sóc từng học viên. Thầy đi sát từng nhóm để chuyện trò, thăm hỏi. Chẳng thế mà, tuy trường có hơn 100 học viên, chia làm nhiều nhóm, nhiều lớp nhưng thầy nắm được sức học và đặc điểm, tính cách của từng học viên.
Kể về điều này, thầy chợt nhớ về một kỷ niệm thời BDHV. Năm ấy, lớp do thầy nhận phụ trách có 7 học viên khó học nhất trường; trong đó có người 2 tuần không nhớ được mặt chữ. Nếu các thầy giáo khác ngại ngần, lẩn tránh thì thầy Thiếp vẫn quyết tâm dạy học viên cho bằng được. Ban đầu, thầy chuyện trò với học viên để ổn định tư tưởng, giúp họ có tinh thần cố gắng. Khi dạy, thầy vận dụng nhiều phương pháp để học viên hứng thú, nhớ mặt chữ. Kết quả là 7 người sau đó đã thoát nạn mù chữ, 4 người thi đỗ dự bị cũng chỉ trong một thời gian ngắn được thầy chỉ dạy.
Bí thư, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Khánh Toàn sau này đã trang trọng gắn thầy Thiếp với danh xưng là người có “sáng kiến xây dựng một khoa sư phạm lỗi lạc trong công tác giảng dạy” vì lí do trước đó, quyển sách dạy chữ Quốc ngữ và i tờ phải dạy mất 120 giờ (4 tháng) thì người học mới biết đọc, biết viết nhưng khi thầy Thiếp soạn lại, chỉ mất 45 ngày là học viên thoát nạn mù chữ. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn đã lấy sách do thầy Thiếp biên soạn để dạy cho toàn miền Bắc và chỉ trong 3 năm, nước ta đã thanh toán nạn mù chữ cho toàn miền Bắc với trên 2,4 triệu người.
Khi dạy, thầy Thiếp vận dụng cách dạy kết hợp văn hóa với giáo dục các chính sách của Đảng và chính phủ, liên hệ mật thiết giữa lớp học với đời sống. Thầy cũng đặc biệt chú ý đến việc phải dùng ngay bài học để phục vụ kháng chiến, phục vụ sản xuất, phục vụ các công tác trung tâm đột xuất ở xã.
Trong kí ức của thầy Thiếp hồi còn kháng chiến, khi mới có chính sách dân công, thầy đã đem vào lớp trình bày. Về sản xuất, sau hòa bình có lần dạy bài “Gương đấu tranh của đồng bào miền Nam”, thầy đã hướng dẫn học viên tập làm văn bằng cách viết thư vào miền Nam thăm hỏi đồng bào và hứa hẹn ở ngoài này đẩy mạnh sản xuất và học tập văn hóa để kiến thiết miền Bắc. Qua bài làm văn của bà con, thầy thấy có nhắc đến nhiều tình yêu thương ruột thịt Bắc- Nam, qua đó cũng góp phần củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân.
Thầy Thiếp tổ chức lớp học có quy củ, thường xuyên động viên, bồi dưỡng tinh thần học tập của học viên. Để quản lý học sinh, thầy chia lớp làm 5 nhóm/tổ, mỗi nhóm/tổ 5-6 người và là những người ở gần nhà hoặc ở cùng tổ để bà con tiện cho việc thúc giục nhau đi học. Toàn lớp bầu ra ban quản trị để quản lý chung các mặt của lớp như vệ sinh, trật tự, thi đua…Hằng ngày, ban quản trị sẽ kiểm tra, kiểm điểm các thành niên và có sơ kết, tổng kết, giáo viên sẽ xếp thứ tự và có biểu dương người xuất sắc nhất.
Quá trình công tác ở xóm, xã, huyện và tỉnh, có những lúc thầy Thiếp bị xáo trộn tinh thần liên quan đến vấn đề “thoát ly”, “tiến bộ” nhưng sau đó đã đả thông tư tưởng cho mình. Trong cách làm BDHV, thầy nhiệt tình, trách nhiệm, xung kích, không ngại khó ngại khổ, dù việc gia đình khó khăn, vất vả nhưng thầy vẫn sắp xếp ổn thỏa để mang cái chữ về xóa mù cho dân. Bên cạnh công tác chính là đi làm giáo viên BDHV, thầy Thiếp còn làm công tác quân báo, công tác công an. Dù làm nhiệm vụ nào, thầy cũng thấm nhuần lời dạy: Đảng đã phân công thì công tác nào cũng là công tác Đảng, công tác nào cũng vinh quang, tiến bộ hay không là ở mình cứ không phải ở công tác.
Để phong trào BDHV lan tỏa mạnh mẽ, thầy Thiếp đã gặp gỡ các cán bộ nòng cốt để cùng vận động, giúp đỡ lẫn nhau, đảm bảo cho phong trào diễn ra đạt kết quả tốt. Phương pháp của thầy là bước đầu xây dựng nòng cốt để có chỗ dựa, sau đi sâu đi sát mới đạt hiệu quả cao.
Thầy Thiếp sinh ra trong gia đình nghèo khó, ở một vùng quê nghèo khó, không có anh chị em ruột. Mẹ mất, sau đó bà mất, thầy ở với cha. Rồi cha cũng đau ốm liên miên khiến gia đình càng trở nên quẫn bách. Có hôm, hai cha con thầy Thiếp chia nhau bát canh rau lõng bõng để cầm hơi. Hôm nào cũng ăn không no, bụng lép kép nhưng thầy Thiếp chỉ một lòng một dạ đi mời bà con ra lớp. Trong tâm trí thầy Thiếp luôn lo lắng, rằng những lúc đói, thiếu cái ăn thì phong trào BDHV rất dễ vỡ, bà con sẽ vin vào cớ phải chạy ăn để bỏ lớp. Người thầy giáo phải có nhiệm vụ giữ vững tinh thần cho bà con, giữ vững phong trào. Vì vậy, dù đói nhưng thầy Thiếp vẫn vui, vẫn đi vận động bà con đến lớp đều.
Vừa dạy BDHV vừa đi học, nhớ có hôm đi học về, vừa húp bát cháo nguội, thầy Thiếp vội vàng ra lớp. Mới ra khỏi ngõ, mắt thầy hoa lên, bước chân loạng choạng muỗn ngã nên phải vịn vào bờ giậu để định thần lại rồi đi tiếp. Bước vào lớp, thầy Thiếp rất vui khi thấy bà con đông đủ, chẳng thiếu một ai. Thầy học ở bà con tinh thần khắc phục khó khăn, quyết chiến quyết thắng giặc dốt. Vừa thực hiện thao tác điểm danh học viên như thường lệ, thầy Thiếp đã chóng mặt rồi hai chân khuỵu xuống. Bà con chạy lên đỡ thầy giáo- khi đó mới biết thầy bị đói đã nửa tháng liền. Tỉnh dậy, thầy Thiếp thấy mình nằm trong vòng tay của các bà, các chị, người thì xoa bóp, người chạy đi nấu cháo, xúc để thầy ăn cho lại sức. Thầy Thiếp vô cùng cảm động vì ân tình của bà con đối với mình. Lúc này, thầy chỉ khe khẽ nói được câu cảm ơn kèm lời dặn dò: “Ngày mai các chị, các mẹ nhớ đúng giờ đến lớp ta học”.
Ngày hôm sau, đến giờ học, thầy Thiếp lại đi từng ngõ mời bà con tới lớp. Thầy quan niệm, học là phải liên tục, nếu không vận động, bà con dễ nản lòng. Thấy thầy giáo tích cực, bà con cũng không nói đến chuyện muốn bỏ lớp nữa mà hứa sẽ tích cực, phấn đấu học thật tốt. Hơn ai hết, thầy Thiếp thương bà con và hiểu rằng, bà con đã từ bao nhiêu đời khát khao ánh sáng của sách vở nên thèm thuồng học tập văn hóa như thèm khí trời.
Còn nhớ, khi cha ốm ròng rã, thầy Thiếp chăm sóc cha bệnh nhưng không ngày nào bỏ công tác, lớp học vẫn có mặt đều. Do làm việc quá sức nên có bận thầy ốm thập tử nhất sinh. Và lại có năm quê thầy Thiếp mưa thối đất, nước lũ đổ về. Có ý kiến cho rằng hết lũ mới mở lại lớp nhưng thầy Thiếp rất lo lắng, sốt ruột việc duy trì lớp học và muốn bà con đến lớp.
Một hôm sau khi đi làm nhiệm vụ công an về muộn, thầy Thiếp vượt lũ đến lớp, không may bị mảnh chai nhọn cứa vào chân, máu chảy lênh láng. Lớp học bị ngập phải nghỉ hẳn một thời gian. Dù mới ốm dậy, chân còn đau nhưng thầy Thiếp chỉ nghĩ làm sao để phục hồi lớp học sớm nhất vì nếu để lâu, phong trào sẽ rất khó duy trì. Lũ rút dần, thầy Thiếp bắt tay ngay vào soạn bài, sắp xếp chương trình ôn tập lại cho bà con bài cũ trước khi bắt đầu bài mới. Lớp học sau đó nhanh chóng được mở lại, thầy Thiếp không vội lên bảng viết mà dành nửa giờ để cùng bà con bàn về cách ổn định đời sống và cách duy trì lớp học trong hoàn cảnh khó khăn. Nhờ những phân tích có lí của thầy Thiếp, bà con đã hạ quyết tâm vượt mọi khó khăn để ra lớp học chữ, xóa mù, xóa dốt.
Thời điểm đó, phong trào BDHV của xã thầy Thiếp vút lên đỉnh cao và được công nhận khá nhất huyện với 10 xã đạt 100% kế hoạch. Chi đoàn thành niên của thầy cũng được huyện đoàn tặng giấy khen. Vì thế, thầy Thiếp vinh dự được đi dự Đại hội các chiến sỹ thi đua công nghiệp toàn quốc.
Trong 10 năm hoạt động BDHV, thầy Thiếp được khen thưởng 45 lần và được bầu là chiến sỹ thi đua diệt giặc dốt trong 6 năm liền. Năm 1958, thầy Thiếp được Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Giáo dục và được Bác tặng kẹo, một bộ quần áo, huy hiệu, bút. Thầy rất cảm động, tự hào và trân quý từng món đồ, trong đó kẹo thầy chia hết cho bà con. Các món đồ còn lại gồm quần áo, bút, huy hiệu nay đã trở thành hiện vật trưng bày tại Bảo tàng thuộc Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Nhờ những cống hiến to lớn của mình, nhà giáo Nguyễn Trung Thiếp đã nhận các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; sau này thầy được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng…
Nói về ngành Giáo dục hiện đại, thầy Thiếp cho rằng, ngành đã có nhiều bước tiến, nhiều đột phá và nhiều đổi thay tích cực nhưng tinh thần sáng tạo, tận tâm, nỗ lực vượt khó, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ,… chắc hẳn vẫn là giá trị cốt lõi, vẹn nguyên của ngành giáo dục.
08:25 20/11/2022