Ông nhận định như thế nào về chính sách trợ giá đối với xe buýt của TP Hà Nội?
Trợ giá đã có từ rất sớm và là một chủ trương quan trọng giúp VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội hoạt động ổn định, từng bước phát triển. Trợ giá đã giúp cho xu thế chuyển động tích cực của giao thông đô Thủ đô đối với cả người dân, DN và cơ quan quản lý, hướng tới mô hình giao thông bền vững.
Có thể nói giá vé rẻ hiện là một trong những lợi thế lớn nhất của xe buýt, tạo nên sức hấp dẫn cho loại hình VTHKCC này, qua đó tạo điều kiện để người dân dần chuyển từ thói quen sử dụng xe cá nhân sang đi xe buýt, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua nhiều có nhiều ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của xe buýt nói chung và trợ giá nói riêng. Ông nhìn nhận như thế nào về ý kiến này?
Những năm qua công tác quản lý trợ giá thường xuyên được TP và các sở, ngành quan tâm chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ. Bản chất của nó là ngân sách TP trợ giá cho hành khách thông qua hệ thống giá vé hấp dẫn và hệ thống đơn giá, định mức.
Công thức tính trợ giá là lấy chi phí trừ đi doanh thu, thiếu hụt đến đâu ngân sách hỗ trợ đến đó. Có thể khẳng định nguồn ngân sách trợ giá đã được sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của mạng lưới xe buýt Thủ đô.
Chúng ta cần có những nghiên cứu khoa học để đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về hiệu quả xã hội của trợ giá cho xe buýt Thủ đô.
Vậy theo quan điểm riêng của ông, chính sách trợ giá cho xe buýt có hạn chế nào không?
Chính sách trợ giá cho xe buýt của Hà Nội vẫn có những vấn đề cần hoàn thiện. Hiện ngân sách đang trợ giá rất lớn giá vé cho hành khách, nhưng chưa phân bổ hợp lý, chính xác cho từng đối tượng hành khách.
Chưa kiểm soát được sản lượng, doanh thu chính xác cho từng nhóm đối tượng, từng tuyến nhất là với nhóm hành khách sử dụng vé lượt, vé tháng một tuyến, liên tuyến, vé ưu tiên, vé miễn phí…
Công tác quản lý điều hành xe buýt bước đầu đã ứng dụng công nghệ nhưng mức độ số hóa chưa cao, cơ sở dữ liệu về lái xe, phương tiện, hạ tầng… chưa được cập nhật, xử lý kịp thời.
Tới đây, Hà Nội vẫn phải tiếp tục điều chỉnh mạng lưới tuyến, thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện xe buýt xanh, triển khai mạnh mẽ các ứng dụng quản lý điều hành thông minh… đó cũng là những yếu tố sẽ tác động đến chi phí đầu vào cũng như doanh thu của DN.
Các yếu tố này cần phải được cập nhật đầy đủ, có công thức tính toán cụ thể, chính xác để đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào khi trợ giá cho xe buýt.
Vậy để quản lý và phát huy tối đa hiệu quả của chính sách trợ giá cho xe buýt cần phải làm gì thưa ông?
Tôi cho rằng có ba công cụ quan trọng nhất để quản lý, kiểm soát và tăng cường hiệu quả cho chính sách trợ giá vé xe buýt của Hà Nội, đó là: sử dụng vé điện tử; xây dựng đơn giá định mức chi tiết cho từng loại hình buýt; thanh tra, kiểm tra giám sát.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành xe buýt, chúng ta đang có cơ hội rất lớn để kiểm soát và nâng cao hiệu quả trợ giá xe buýt.
Hà Nội đã ứng dụng vé điện tử trên một số tuyến buýt, kết quả đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, hành khách; đồng thời giúp kiểm soát tốt doanh thu.
Bên cạnh đó chúng ta cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và bổ sung các bộ đơn giá định mức cho từng loại hình như: xe buýt thường, xe buýt điện nhỏ, xe sử dụng khí nén thiên nhiên…
Đây sẽ là cơ sở để kiểm soát chi phí đầu vào của xe buýt, là điều kiện quan trọng khi tổ chức đấu thầu tuyến, và kiểm soát tốt khối lượng trợ giá.
Ngoài ba biện pháp ông vừa nêu, còn cần phải chú ý tới vấn đề gì khi trợ giá cho xe buýt nữa hay không?
Bên cạnh những giải pháp chính, chúng ta cần tiếp tục rà soát và nâng cao chất lượng công tác quản lý mạng lưới tuyến; tiếp tục rà soát cơ cấu lại hệ thống vé và giá vé phù hợp với các nhóm đối tượng hành khách.
Rà soát, cập nhật và hoàn thiện quy trình, định ngạch trong bảo dưỡng sửa chữa, nhất là với xe buýt điện, xe sử dụng khí CNG; bổ sung các chi phí mới trong đầu tư xe, bảo dưỡng sửa chữa các loại hình xe buýt mới.
Bổ sung các hạng mục đầu tư công nghệ vào danh mục chi phí xe buýt. Rà soát điều chỉnh quy trình quản lý vận hành khi áp dụng công nghệ mới: vé điện tử, ITS…
Tùy theo tốc độ và mức độ thay đổi công nghệ chúng ta có thể điều chỉnh phương pháp trợ giá theo 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2030, tiếp tục phương pháp tính toán và quản lý trợ giá như hiện tại.
Có thể khẳng định trợ giá đóng vai trò rất quan trọng để duy trì và phát triển VTHKCC nói chung, xe buýt nói riêng; giúp Thành phố thực hiện các mục tiêu lớn về hạn chế phương tiện cá nhân, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả hơn nữa, việc quản lý trợ giá cần được tiếp tục cải thiện, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào quản lý và điều hành hoạt động VTHKCC.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
13:18 07/07/2024