Do biến đổi khí hậu nên nguy cơ xảy ra bão, lũ lụt ngày càng cao và rất khó lường. Việt Nam là quốc gia rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu, tuy nhiên bảo hiểm cho rủi ro thiên tai vẫn là một khái niệm khá mới ở nước ta. Thị trường chưa mặn mà với các loại bảo hiểm, nguyên nhân đến từ cả nguồn cung và cầu. Song chủ yếu vẫn là do một bộ phận lớn nông dân, người lao động Việt Nam chưa thấy rõ lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn từ việc tham gia bảo hiểm.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với lũ lụt và bão thường cô lập cộng đồng và làm gián đoạn dòng chảy thương mại. Hơn 70% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là người nghèo ở nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, đáng báo động là chưa đến 5% số người nông dân trên toàn quốc tham gia bảo hiểm thiên tai.
Theo ghi nhận của PV, đa số các chủ vườn tại vùng quất Tứ Liên và đào Nhật Tân đều chưa tham gia bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cây trồng. Đây vẫn còn là khái niệm mới với họ và họ khó có thể lường hết được thiên tai có thể gây thiệt hại lớn đến thế.
Không những vậy, đối với sức khỏe của mình, nhiều người lao động tự do cũng chưa có đủ thông tin để tham gia các loại bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điển hình như các lao động nữ tự do tại chợ Long Biên, rất ít trong số họ có điều kiện để tham gia bảo hiểm. Đa phần thu nhập của họ chỉ đủ lo cuộc sống qua ngày. Thiên tai ập đến khiến các công việc của họ bị gián đoạn, vì thế nguồn thu cũng bị ảnh hưởng. Đây là một áp lực rất lớn đối với lao động tự do, nhất là lao động nữ đang nuôi con nhỏ và lao động nữ tuổi trung niên.
Như vậy, có thể thấy một bộ phận lớn nông dân, người lao động Việt Nam có thu nhập thấp, nên khó có khả năng chi trả phí bảo hiểm. Nhiều người vẫn coi bảo hiểm là một gánh nặng tài chính. Đặc biệt khi chưa có sự hỗ trợ đầy đủ từ Nhà nước, họ không thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản và sức khỏe thông qua bảo hiểm; không thấy rõ lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn từ việc tham gia bảo hiểm.
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm các quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, đối với bảo hiểm nông nghiệp, quy trình bồi thường lại khá phức tạp, mất nhiều thời gian, thiếu dữ liệu chính xác để đánh giá mức độ thiệt hại dẫn đến thời gian chi trả bồi thường chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Mặt khác, theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay có rất ít sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai tại Việt Nam. Rủi ro thiên tai thường được các công ty bảo hiểm triển khai như một nội dung rủi ro mở rộng trong bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm nông nghiệp. Đôi khi, những rào cản pháp lý khiến các công ty bảo hiểm gặp khó khăn trong việc phát triển sản phẩm mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm cần được hoàn thiện hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả, minh bạch và bền vững.
Vì thế, đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn; bố trí và cân đối nguồn ngân sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trước mắt, để khắc phục những thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, những người trồng đào, quất tại quận Tây Hồ, người lao động tự do nói chung mong muốn chính quyền, lãnh đạo các cấp có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời để họ mau chóng khôi phục sản xuất, cho vay để tái đầu tư, có việc làm để ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời bày tỏ, sau đợt bão lũ lịch sử này, họ sẽ được tiếp cận thông tin chính thống nhiều hơn về các chính sách bảo hiểm thiên tai (đối với người nông dân), bảo hiểm xã hội tự nguyện (đối với người lao động tự do) để họ được chủ động, nhằm giảm bớt những rủi ro tài chính bởi thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Đầu tháng 10/2024, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn TP Hà Nội. Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn quận có 65ha/99ha diện tích cây đào bị mất trắng (chiếm 65,4%); có trên 27,5/tổng số 30ha quất bị thiệt hại (chiếm trên 90%). Riêng cây đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, thiệt hại với cây quất là 25 tỷ đồng. Quận đã báo cáo đề xuất và gửi về Sở NN&PTNT hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với hoa đào; hỗ trợ 90 triệu đồng/ha quất.
Căn cứ vào nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bênh. Trên cơ sở quy định đó, bà Lê Thị Thu Hằng đề xuất quy định giao cho các địa phương. Quận Tây Hồ hoàn toàn có thể có điều kiện về ngân sách để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, quận Tây Hồ mong muốn có cơ chế để quận thực hiện hỗ trợ trong mùa Đông Xuân này.
Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện mức hỗ trợ theo nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ với cây trồng tối đa là 2 triệu đồng/ha; với vật nuôi là 6 triệu đồng/ha. Mức hỗ trợ này rất thấp nên vừa qua Bộ NN&PTNT đã trình Bộ Tư pháp sửa Nghị quyết này, theo đó đề xuất mức hỗ trợ tối đa với cây trồng là 60 triệu đồng.
Sở NN&PTNT Hà Nội đang căn cứ vào Luật Thủ đô để xây dựng chính sách đồng bộ trong định hướng phát triển nông nghiệp, trong đó lồng nội dung chính sách hỗ trợ này vào. Theo Luật Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ cao hơn của Trung ương.
Nhìn chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhận định, Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của các nước về tỷ lệ bảo hiểm. Hiện nay, nguồn lực của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ. Tổng vốn của các nghiệp bảo hiểm Việt Nam năm 2023 khoảng 190.000 tỷ đồng, cho thấy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng.
(Còn tiếp)….
06:29 29/10/2024