Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 1

Ở miền biên viễn xa xôi, đời sống dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song đồng bào các dân tộc biên giới Tây Nam vẫn luôn thấy ấm lòng vì được sẻ chia, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng. Với tình cảm sâu nặng, tình quân dân bền chặt, những người lính mang quân hàm xanh đã thực sự trở thành một thành viên gắn bó khăng khít trong mỗi gia đình người dân vùng biên, đúng như lời đúc kết “đi dân nhớ, ở dân thương, ra đường dân quý”.

 

>>> Bài 1: Khắc tinh của tội phạm buôn lậu

 

>>> Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển

 

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 2

Từ cầu Trà Phô – Tà Teng, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, men theo con đường nhỏ bằng bê tông chạy dọc bờ kênh với những hàng dừa, cây ăn trái xanh mướt là tới ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành. Gần trưa, nắng vùng biên bỏng rát, thi thoảng mới có những cơn gió lào xào thổi qua tán cây. Theo chân trung tá Danh Tâm – Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ, chúng tôi tới thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Thị Hol ở ấp Tà Teng.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 3

Ngồi hóng gió trước hiên nhà lợp mái tôn xanh giản dị, mẹ Thị Hol nở nụ cười tươi rói khi nhìn thấy gương mặt thân quen - cán bộ biên phòng Danh Tâm. Nén nỗi đau khi chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn con trai ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, người phụ nữ Khmer tảo tần làm lụng vun vén cho con cháu. Năm nay đã 84 tuổi, dù tóc bạc, da mồi nhưng mẹ Thị Hol vẫn còn khỏe và minh mẫn. Vừa nắm chặt bàn tay trung tá Danh Tâm, mẹ vừa phấn chấn hàn huyên kể đủ thứ chuyện bằng tiếng Khmer với Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ, người mà mẹ coi như con cháu trong nhà. Nhận phần quà hỗ trợ 10 triệu đồng từ cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ và Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội, mẹ Thị Hol rưng rưng xúc động.

Trung tá Danh Tâm, cũng là người dân tộc Khmer nên trở thành “phiên dịch viên” cho cả đoàn. Không khí cuộc trò chuyện ấm áp như một gia đình. Anh chia sẻ, Đồn Biên phòng Phú Mỹ luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, nhất là các Mẹ Việt Nam anh hùng. Đơn cử, tháng 4/2022 và tháng 4/2023, nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã phối hợp vận động nhóm thiện nguyện TP Hồ Chí Minh tặng 900 phần quà cho gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào Khmer… bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tổng trị giá trên 450 triệu đồng.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 4

Cùng với đó, Đồn cũng tổ chức thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu cho UBND huyện Giang Thành ra quyết định công nhận 86 hộ dân sinh sống trên biên giới tham gia tự quản đường biên, cột mốc.

“Đơn vị thường xuyên quan tâm đến các hộ gia đình, quá trình tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc đều đến thăm hỏi, động viên họ. Từ đó, tạo được sự gần gũi giữa bộ đội biên phòng với quần chúng Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, quý mến và đã cung cấp cho bộ đội biên phòng hàng trăm nguồn tin có giá trị phục vụ cho đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, tháng 2/2020, xảy ra dịch bệnh Covid-19, cấp trên chỉ đạo triển khai Chốt biên phòng phòng, chống dịch Covid–19 và chống xuất nhập cảnh trái phép trên biên giới thì 10/10 chốt của Đồn Biên phòng Phú Mỹ đều được Nhân dân cho mượn đất dựng chốt phòng, chống dịch” – trung tá Danh Tâm chia sẻ.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 5

Cũng giống như Đồn Biên phòng Phú Mỹ, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Từ bến tàu trước cổng Đồn Biên phòng Rạch Gốc, lên tàu chạy chừng hơn mười phút qua sông là đến ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là một trong những ấp còn nhiều khó khăn của xã Tân Ân. Dọc con đường bê tông nhỏ vào ấp là những ngôi nhà thấp đặc trưng của miền sông nước xen giữa những bụi cây mắm tươi xanh kiên cường bám rễ.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Ngô Quốc Lợi, người cháu ruột hiện đang thờ cúng liệt sĩ Ngô Kinh Luân (hy sinh anh dũng trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau năm 1940) được làm bằng gỗ lợp mái tôn cũ kỹ. Ngoài chiếc tủ kính khung nhôm nho nhỏ là nơi đặt bàn thờ, đồ vật trong nhà khá đơn sơ, giản dị. Nhận được phần quà hỗ trợ 5 triệu đồng tiền mặt từ trung tá Lê Thanh Sử - Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Gốc và Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội, ông Ngô Quốc Lợi rất xúc động. Bởi phần quà tuy nhỏ nhưng giúp gia đình ông trang trải phần nào cuộc sống khó khăn của vùng sông nước.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 6

Lãnh đạo xã Tân Ân cho biết, toàn xã có 48 gia đình chính sách, người thờ cúng liệt sĩ. Những năm qua, cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, bộ đội biên phòng cũng tích cực tham gia chăm lo cho các gia đình chính sách. Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã phối hợp với Đảng ủy, UBND thị trấn Rạch Gốc, xã Tân Ân, xã Viên An Đông tổ chức “Ngày hội biên phòng toàn dân” trên địa bàn và trao tặng 2 căn nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng/căn cùng 10 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho gia đình chính sách, hộ nghèo…

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 7

Bon bon trên chiếc xe đạp nhỏ cũ kỹ trên con đường bê tông đầy nắng chói chang, cậu bé Đặng Nhật Tiến, học sinh lớp 5-2, Trường Tiểu học Phú Mỹ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Cà Mau hát líu lo suốt đoạn đường về nhà. Chiếc khăn quàng đỏ bay phấp phới sau dáng người nhỏ thó của Nhật Tiến. Vừa về tới cổng, cậu bé đã khoe với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con được các chú bội đội biên phòng tặng quà!”. Nghe con ríu rít kể chuyện, gương mặt người mẹ trẻ cũng rạng rỡ niềm vui.

Nhật Tiến là con trai thiếu tá Đặng Văn Toàn, từng công tác tại Đồn Biên phòng Phú Mỹ, hiện được luân chuyển sang Đồn Biên phòng Thổ Châu, tỉnh Cà Mau. Điều kiện kinh tế khó khăn, anh Toàn lại công tác xa nhà, mọi công việc gia đình, chăm lo cho hai cậu con trai do một tay vợ anh gồng gánh với những đồng thu nhập ít ỏi từ nghề mổ gà. Thương bố mẹ, Nhật Tiến luôn tự nhủ phải chăm chỉ học hành, đỡ đần công việc nhà với mẹ và năm nào em cũng đạt học sinh khá, giỏi. Nhằm chia sẻ, động viên với Nhật Tiến và gia đình, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã cùng với mạnh thường quân tặng em một suất quà trong quỹ “Nâng bước em tới trường” của Đồn, với mong muốn em có thêm động lực phấn đấu. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Đặng Nhật Tiến bày tỏ, em mong ước lớn lên trở thành bộ đội, giống như cha mình để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 8

Cùng được nhận quà với Nhật Tiến có em Lê Khả My, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Phú Lợi và Thị Cui Em, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Các em đều là những “con nuôi” của Đồn Biên phòng Phú Mỹ thời gian qua luôn được cán bộ, chiến sĩ bao bọc, yêu thương.

Nhìn thấy các học trò nhận được sự quan tâm, sẻ chia ấm áp và quý giá trên hành trình vươn tới ước mơ, cô giáo Đoàn Cao Bình An - Trường Tiểu học Phú Mỹ, huyện Giang Thành rưng rưng xúc động. “Chương trình “Nâng bước các em đến trường” của Đồn Biên phòng Phú Mỹ giúp đỡ nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường. Tình cảm của những người lính đã tiếp thêm động lực cho các em phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện” - cô giáo Bình An chia sẻ.

Theo trung tá Danh Tâm - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ, từ năm 2014 đến nay, năm nào đơn vị cũng nhận đỡ đầu, hỗ trợ hàng chục em học sinh trên địa bàn. Mong muốn được chia sẻ với bà con những khó khăn trong cuộc sống nên khi đơn vị phát động trích tiền lương, phụ cấp giúp học sinh nghèo, cán bộ, chiến sĩ đều nhiệt tình ủng hộ. Ví như đối với chiến sĩ mỗi người đóng góp 10.000 đồng/tháng, nhưng nhiều đồng chí đã ủng hộ 20.000 - 30.000 đồng. Ai cũng đều mong muốn góp sức cùng địa phương giảm tỷ lệ học sinh nghèo bỏ học, mong các em cố gắng học tốt, thành tài.

So với chúng bạn, Đồng Quế Trân, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Đất Mũi, tỉnh Cà Mau có hoàn cảnh khá khó khăn. Cha em là anh Đồng Văn Vũ làm thuê cho chủ một tàu cá trên địa bàn, công việc đánh bắt chủ yếu lênh đênh theo con nước, mỗi tháng đi chừng 6 – 7 ngày, thu nhập bấp bênh. Cha đi làm xa nhà, mẹ tần tảo chăm lo cho 3 chị em, song cô học trò dân tộc Khmer Đồng Quế Trân luôn có ý thức tự giác học tập và năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Thành tích đó ngoài sự cố gắng vươn lên của con, còn có nguồn động lực quan trọng từ tấm lòng thơm thảo, sự hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng, chiếc xe đạp và nhiều quà tặng của Đồn Biên phòng Đất Mũi trong chương trình Nâng bước em đến trường” – chị Trần Thị Hằng, mẹ Quế Trân tâm sự.

Với phương châm “Trao con chữ, truyền hy vọng”, năm 2016, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng đã phát động, triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” nhằm giúp đỡ các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số... Thực hiện nhiệm vụ chính trị đó, nhiều đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đã có những hỗ trợ thiết thực, tiếp thêm động lực giúp nhiều học sinh nghèo vùng biên vượt khó tới trường, đặt những dấu chân vững chãi trên hành trình chạm tới ước mơ.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 9

Nếu như ở các tỉnh biên giới phía Bắc, hình ảnh các anh bộ đội biên phòng lội ruộng dạy bà con cách cấy lúa, trồng rau hay xuống đồng đi cấy, đi gặt cùng người nông dân đã trở nên quen thuộc thì ở biên giới phía Nam, những chiến sĩ quân hàm xanh cũng cũng sáng tạo hỗ trợ người dân nhiều mô hình làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo.

Có chồng bị tai biến, chị Danh Thị Hiền, dân tộc Khmer, thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau lại không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Cả gia đình chen chúc trong gian nhà lụp xụp, cứ mùa mưa đến nước lênh láng lên tận giường. Nắm bắt được hoàn cảnh trên, Đồn Biên Phòng Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ 40 triệu đồng, cán bộ chiến sĩ của Đồn góp thêm 20 triệu đồng cất cho gia đình chị Hiền căn nhà khang trang, hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 10

Đặc biệt, Đồn Biên phòng Rạch Gốc còn phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn thuộc địa bàn quản lý để rà soát, nắm bắt và triển khai hỗ trợ hội viên phụ nữ vươn lên làm kinh tế. Tiêu biểu như mô hình thoát nghèo bền vững, hũ gạo tình thương, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) Hứa Minh Quang cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và xúc động vì luôn được Đồn Biên phòng Rạch Gốc đồng hành trong mọi hoạt động, nhất là công tác chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương”.

Tương tự, tại Đồn Biên phòng Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức đoàn, hội trên địa bàn xây dựng các chương trình giúp dân phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi bật là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ vốn để các hộ gia đình khó khăn thực hiện các mô hình như: Nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi gia cầm, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng…

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 11

Những sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của các đồn biên phòng đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới Tây Nam từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần gắn kết tình quân - dân ngày càng bền chặt, giữ vững ổn định về chính trị, xã hội, vững mạnh về quốc phòng, an ninh và kinh tế ngày một phát triển.

(còn nữa)

Bài 3: Đi dân nhớ, ở dân thương - Ảnh 12

07:30 18/06/2023