Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 1

Vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình mưu sinh đầy vất vả của ngư dân, mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Do đó, cùng với quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản, bộ đội biên phòng các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang còn thường xuyên quan tâm chăm lo, hỗ trợ kịp thời, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

 

>>> Bài 1: Khắc tinh của tội phạm buôn lậu

 

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn, song từ tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản với Việt Nam vì không tuân thủ quy định về hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU). Đây là một rào cản rất lớn với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Dù Đoàn Thanh tra của EC đã chuyển lịch kiểm tra gỡ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam sang tháng 10/2023, thay vì vào cuối tháng 5/2023 như lịch thông báo trước đó nhưng việc quyết tâm triển khai các giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU được xác định là nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho các tỉnh ven biển, trong đó có lực lượng biên phòng. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, “gỡ thẻ vàng IUU là vấn đề quốc gia, dân tộc, là danh dự đất nước”.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 2

“Đề nghị thuyền trưởng cho tàu dừng lại để Đội tuần tra biên phòng kiểm tra” – tiếng loa quen thuộc của cán bộ Đội tuần tra thuộc Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang vang lên giữa mênh mang sông nước. Nghe thấy tiếng loa, thành viên trên các tàu cá chạy qua không ai bảo ai đều ngưng tay, neo thuyền chấp hành khẩu lệnh của tổ kiểm tra. Chiếc ca nô nhỏ với hai màu sơn xanh trắng quen thuộc, rẽ những vết sóng dài trắng xóa chở 3 cán bộ chiến sĩ biên phòng tiến lại tàu cá để thực hiện việc kiểm tra.

Với những thao tác thuần thục, Đội tuần tra thuộc Đồn Biên phòng Tây Yên tiến hành kiểm tra giấy tờ, trang thiết bị cũng như kho chứa hàng của tàu cá xem có vi phạm không. Đồng thời không quên mang theo tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về việc tuân thủ quy định hoạt động đánh bắt cho thuyền trưởng cũng như thuyền viên trên tàu.

Cùng với đội tuần tra lưu động, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên, không khí làm việc cũng khá tất bật. Trung tá Nguyễn Văn Thơm cùng hai đồng đội mang bộ tài liệu “Những điều ngư dân cần biết khi khai thác trên biển”, tờ rơi, Thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định theo khuyến nghị của EC phát cho thuyền trưởng và các thuyền viên. Vừa phát tài liệu, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng vừa giải thích cặn kẽ quy định tới từng thuyền viên. “Cùng với việc kiểm tra, xử phạt mạnh các hành vi vi phạm, công tác tuyên truyền được xác định có vai trò cốt lõi để ngăn chặn khai thác cá bất hợp pháp” – trung tá Nguyễn Văn Thơm nói.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Tèo (trú tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), thuyền trưởng một tàu cá với 17 thuyền viên chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức được việc đánh bắt thủy sản ngoài vùng biển chủ quyền của Việt Nam tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn, nếu bị bắt có thể mất cả tàu nên chúng tôi chỉ đánh bắt trong vùng biển quê hương”.

Với đặc thù địa bàn có nhiều cửa sông, cửa lạch, đặc biệt có cửa sông Cái Lớn là cửa ra vào cảng cá Tắc Cậu, nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt có công suất, kích thước lớn nên việc kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của tàu cá trở thành nhiệm vụ quan trọng của Đồn Biên phòng Tây Yên. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, trung tá Bùi Khắc Dương – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên cho biết, đơn vị đã quán triệt đến các đội, trạm đề cao vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân đánh bắt hải sản trên vùng biển do đơn vị quản lý. 100% chủ tàu/thuyền trưởng viết cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển.

“Cơ bản người dân chấp hành tốt, đặc biệt là sau kiểm tra lần thứ ba của EC vào tháng 10/2022 và Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mặc dù đã được tuyên truyền, giáo dục, ký cam kết rồi nhưng vì ham lợi nên vẫn đưa thuyền ra vùng biển nước ngoài khai thác trái phép” - trung tá Bùi Khắc Dương nói.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 4

Còn tại Trạm kiểm soát biên phòng Rạch Tàu, Đồn Biên phòng Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, ngay ở cổng, một tấm băng rôn với hàng chữ nổi bật “Toàn dân tích cực hưởng ứng chương trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU)” căng ngang đã thu hút tầm nhìn của người qua lại, cho thấy quyết tâm của lực lượng biên phòng trong tuyên truyền về vấn đề này. Chưa hết, một cụm pano với những hình ảnh tàu thuyền đánh cá và lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt: “Vì lợi ích lâu dài của ngư dân và quốc gia, dân tộc, tôi rất mong ngư dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản” cũng được lắp đặt phía trước trạm để người dân tiện theo dõi.

Trong cái nắng nóng như đổ lửa, trung úy Đỗ Đại Thanh cùng đồng đội tại Trạm kiểm soát biên phòng Rạch Tàu vẫn nghiêm chỉnh duy trì chốt trực, kiểm soát chặt tàu thuyền ra vào. Cuốn “Sổ theo dõi phương tiện thủy nội địa xuất nhập bến” có bìa màu xanh dương được đặt ngay ngắn trên bàn, ghi chép đầy đủ thông tin các tàu thuyền ra vào trạm. Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị, trung úy Đỗ Đại Thanh cho biết, Trạm kiểm soát biên phòng mở đầy đủ các loại sổ theo quy định, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, trong đó, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

“Khi xuất bến, tàu cá ngư dân phải đảm bảo đầy đủ thủ tục giấy tờ và Trạm kiểm soát Biên phòng phải xác nhận vào mục, mẫu biên bản kiểm tra; khi nhập phải kê khai đầy đủ nhật ký khai thác và hành trình đánh bắt. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở ngư dân khắc phục ngay trang thiết bị còn thiếu trước khi ra biển” – trung úy Đỗ Đại Thanh nói.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 5

Được biết, hiện Đồn Biên phòng Đất Mũi quản lý hơn 200 tàu cá cỡ nhỏ. Thượng tá Lê Hoàng Phúc – Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi cho biết, nhờ tăng cường công tác tuần tra trên biển, tuyên truyền cho bà con Nhân dân không khai thác ở vùng biển nước ngoài, để EC gỡ thẻ vàng nên đa số các tàu cá đều chấp hành tốt quy định.

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Trên địa bàn có khoảng 4.500 tàu hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 1.555 tàu cá đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, bộ đội biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tổ chức gặp gỡ và tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân, triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá theo đúng quy định.

Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của ngư dân khi đánh bắt thủy, hải sản trên biển, bà con tự giác chấp hành, không vi phạm các quy định của pháp luật. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà Mau không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 6

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển là một trong những nhiệm vụ thường xuyên được Bộ đội Biên phòng các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ngoài tuyên truyền, quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU, lực lượng biên phòng còn tích cực hỗ trợ ngư dân trong công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách giúp bà con yên tâm làm ăn.

Ngày 29/5/2023, khi tàu cá BL 93916 TS do ông Trần Thanh Nhã, 55 tuổi, trú tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu làm thuyền trưởng đang hoạt động trên biển, thì một thuyền viên không may bị trái độn cao su (vật dụng chống va đập vào tàu khác hoặc khi cập cảng) rơi vào người, làm gãy đùi chân trái. Giữa bốn bề biển cả mênh mông nước, ông Nhã cùng các thuyền viên khác nhanh trí dùng dây vải, nẹp gỗ bó tạm vết thương và chở thuyền viên Nhí vào bờ trình báo nhờ đồn biên phòng. Sau đó, khi tàu cặp bến, cán bộ Đồn Biên phòng Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ chủ tàu đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 7

Trước đó, 0 giờ ngày 18/5/2023, tàu cá mang ký hiệu CM 02426 TS xuất bến qua cửa biển Cái Đôi Vàm ra biển hoạt động nghề lưới rê không may gặp thời tiết xấu, sóng to gió lớn, tàu bị đánh chìm nhưng được phát hiện qua hệ thống thông tin Trung tâm Điều hành giám sát tàu cá. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng chỉ đạo cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm tiếp cận và cứu vớt thành công 2 ngư dân gặp nạn, đưa lên tàu cứu hộ, sức khỏe ổn định. Đồng thời tiến hành trục vớt, kéo tàu bị chìm vào đến bờ an toàn. Nhờ có sự kết nối thông suốt và chỉ đạo kịp thời, toàn bộ quá trình cứu hộ hoàn tất trong chưa đầy 3 tiếng đồng hồ.

Theo thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, đơn vị thường xuyên chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng duy trì liên lạc chặt chẽ với ngư dân hoạt động trên biển, kịp thời thông báo tình hình diễn biến thời tiết xấu để ngư dân chủ động phòng tránh và có phương án đánh bắt đảm bảo an toàn. Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, lực lượng biên phòng tỉnh Cà Mau thường xuyên duy trì hoạt động 23 tổ tàu thuyền an toàn/201 phương tiện/731 thuyền viên kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân. Bên cạnh đó, hàng năm bộ đội biên phòng cũng đã tổ chức tặng phao cứu sinh, phao áo, cờ Tổ quốc cho ngư dân, góp phần hỗ trợ để ngư dân an tâm bám biển.

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 8

Đặc biệt, hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân như tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên khu vực biên giới biển ưu tiên cung ứng xăng dầu cho ngư dân vươi khơi bám biển, không để phương tiện nằm bờ do không mua được nhiên liệu.

Cùng với đó, để giảm một phần chi phí cho ngư dân, Bộ đội Biên phòng Cà Mau phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh Cà Mau hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn trong 5 năm (từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2026). “Thời gian tới, bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường phối hợp triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển” – thượng tá Phùng Đức Hưng nhấn mạnh.

(còn nữa)

Bài 2: Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển - Ảnh 9

07:30 17/06/2023