Nghĩa tình sâu nặng Việt Nam - Cuba

Bài 3: Đổi mới ở Cuba

Theo baoquangtri.vn
Chia sẻ Zalo

Đầu tháng 4/1999, tôi có dịp trở lại thăm Cuba lần thứ 3. Mặc dù Mỹ vẫn kiên trì bao vây, cấm vận Cuba, nhưng khách du lịch từ năm châu vẫn nườm nượp đến Cuba nghỉ dưỡng.

289 bãi tắm đẹp ở đây vẫn nhộn nhịp vào hè. Khu du lịch Van-ra-đê-rô thuộc tỉnh Ma-tan-xát mọc lên nhiều khách sạn mới, gồm 15 khách sạn hạng 4-5 sao, mới tháng 3 đã có hơn 50% số phòng nhận khách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cuba cắt băng khánh thành nhà máy bột giặt Suchel - TBV ngày 21/4/2023 -Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cuba cắt băng khánh thành nhà máy bột giặt Suchel - TBV ngày 21/4/2023 -Ảnh: TTXVN

Điều hấp dẫn du khách là biển nước trong xanh, bãi cát mịn, nhiều cây xanh phủ bóng và các bồn hoa trải dài rực rỡ sắc màu. Sân gôn bên biển lộng gió, kín người mua vé. Gần đó là Trung tâm nghệ thuật ngoài trời với những nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật, thể hiện sự đa dạng đặc trưng của văn hóa Cuba. Nơi đây chỉ bán vé cho du khách nước ngoài có hộ chiếu, nhiều người không đến sớm là không mua được vé trong sự nuối tiếc vì “không dễ gì trở lại” lần sau!

Ngoài ra, có 2 mặt hàng thu hút đông đảo du khách - đó là thuốc lá xì-gà Cuba (mà chế biến phải qua 14 công đoạn, chỉ cho phép làm bằng tay mới đạt tiêu chuẩn ngặt nghèo). Cùng với xì-gà là rượu RON (đọc là RUM) - một loại rượu tuyệt ngon ở châu Mỹ La tinh. Có một câu chuyện trào phúng nhưng có thật, các nhà luật pháp ở Mỹ ngồi thảo các đạo luật chống Cuba, lại rất thích và luôn miệng ngậm xì-gà, đành phải tìm mua qua nước thứ ba!

Tôi nhớ mãi một buổi tối, đồng chí nguyên Đại sứ Cuba ở Việt Nam, nói tiếng Việt rất sõi, đã cho xe đón tôi dự bữa tối tại một nhà hàng tư nhân sang trọng ở ngay trung tâm La-haba-na cạnh biển rì rào sóng vỗ. Anh kể chuyện thân tình: Cuba đang học cách “đổi mới” ở Việt Nam, trong đó có việc mở các “chợ nông nghiệp”, khuyến khích nông dân tăng năng suất lao động, bán các mặt hàng nông sản dư thừa theo giá tự do sau khi đã làm nghĩa vụ cho nhà nước.

Một góc phố ở La Habana, Cuba - Ảnh: AFP/TTXVN
Một góc phố ở La Habana, Cuba - Ảnh: AFP/TTXVN

Im lặng một hồi lâu, anh nói chậm rãi: căn cứ tình hình phức tạp của Cuba, nhất là sự cấm vận, phong tỏa của Mỹ câu kết cùng các thế lực chống đối bên trong, việc tính toán bước đi trong đổi mới kinh tế, phải thận trọng từng bước, không thể mạnh mẽ và toàn diện như Việt Nam. Song, những thành quả đầu tiên đã tạo ra sự phấn chấn trong toàn xã hội. Chỉ trong năm 1988, hơn 100 ngàn người Cuba định cư ở nước ngoài đã về thăm Tổ quốc.

Mặc dù ngân sách còn quá eo hẹp, Chính phủ vẫn quyết định tăng lương 30% cho các ngành y tế, báo chí. Trước thảm họa thiên tai ở một số nước Mỹ Latinh, Cuba đã trực tiếp cử các đoàn bác sĩ, y tế đưa thiết bị, thuốc men sang giúp Ôn-đu-rát, Goatê-ma-la, Ni-ca-ra-goa, En-xa-va-đo… Và một trường đại học Y đã mở cấp tốc cho các nước này, đón hơn 800 học sinh nhập học. Riêng từ 1963- 1969, Cuba đã đào tạo hơn 20 ngàn cán bộ y tế cho 83 nước, trong đó có 37 người Việt Nam. Nếu tính từ năm 1963 đến năm 2017, Cuba đã gửi hơn 600 ngàn bác sĩ đến 164 quốc gia hỗ trợ chữa bệnh; đã cử bác sĩ, y tá đến 14 nước tham gia chống đại dịch Covid-19.

Trong những năm gần đây, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, Cuba vẫn ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội, dành nửa ngân sách hằng năm cho y tế, giáo dục, thể dục, thể thao. Đồng phục học sinh được miễn phí. Giáo dục từ cấp 1 đến đại học, người học không phải trả tiền. Về y tế, dân khám, chữa bệnh không mất phí. 95% thuốc chữa bệnh do chính Cuba sản xuất.

Tiếp nối đường lối do Đại hội V Đảng Cộng sản Cuba và lãnh tụ Phiđen đề ra là: cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế đất nước, chỉ rõ tính bất cập của mô hình kinh tế hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; chủ trương tiến hành cải cách toàn diện, đẩy mạnh các biện pháp cải cách kinh tế - xã hội, từng bước xóa bỏ bao cấp, áp dụng một “lộ trình” hợp lý hóa mô hình kinh tế đất nước, đặc biệt chú trọng khuyến nông, mở rộng mô hình kinh tế tư doanh, cắt giảm lao động dư thừa trong khu vực nhà nước, cắt giảm bao cấp, thực hiện chính sách thuế, phí mới, tập trung quản lý nhà nước và xóa bỏ hệ thống tiền tệ gồm nhiều đồng tiền như từ trước…

Đến Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba (tháng 4/2016), về cải cách kinh tế, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Ra-un Cát-xtơ-rô nhấn mạnh: “Cuba sẽ không bao giờ cho phép mình áp dụng chính sách được gọi là “liệu pháp sốc” như các nước ở Đông Âu và Liên Xô đã làm”, “Cuba sẽ không bao giờ tư nhân hóa các dịch vụ như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, văn hóa, thể thao…”.

Về chính sách đối ngoại, “Cuba tiếp tục khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của Nhân dân các nước Mỹ Latinh và Nhân dân thế giới vì hòa bình, dân chủ, quyền tự quyết và công bằng xã hội, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả trên thế giới; thúc đẩy sự hợp tác toàn diện với các nước bạn bè”.

Một chân trời mới đang rộng mở đối với Đảng Cộng sản và Nhân dân Cuba anh em!.

Hà Nội, tháng 6/2023

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân)