Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 1

Việc HĐND TP Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết về miễn phí sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện… được đánh giá là một quyết định rất kịp thời và ý nghĩa nhằm thu hút người dân đến với các thư viện. Tuy nhiên, để thư viện ngày càng hấp dẫn người đọc, cần có sự quan tâm đầu tư cho hệ thống thư viện từ hạ tầng đến đầu sách, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ độc giả.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 2

Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, TP đã quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho các thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống thư viện. Theo đó, giai đoạn từ năm 2022 – 2025, TP sẽ đầu tư xây dựng Thư viện Hà Nội trở thành thư viện hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, trung tâm liên kết và chia sẻ thông tin với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô.

Cùng với đó, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện cộng đồng, phòng đọc cơ sở, thư viện nhà trường, thư viện lực lượng vũ trang Thủ đô để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đến sử dụng thư viện. Qua đó, phát triển mạnh mẽ và đi vào thực chất văn hóa đọc trên địa bàn TP, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 3

Đặc biệt, tại phiên làm việc chiều 4/7/2023 của Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, 100% đại biểu tham gia đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết Sửa đổi quy định về phí thư viện tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội. Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của UBND TP, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Mục A về Phí thư viện được quy định tại Danh mục các khoản phí và lệ phí ban hành kèm Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội thì người sử dụng thư viện được miễn phí làm thẻ mượn, thẻ đọc tại các thư viện trực thuộc TP, quận, huyện, thị xã. Người dùng có thẻ mượn, thẻ đọc tại các thư viện có thể tham gia các hoạt động quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Thư viện 2019 gồm: Sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện; Tra cứu thông tin trên không gian mạng; tiếp nhận thông tin về tài nguyên thông tin thông qua hệ thống tra cứu hoặc hình thức tiếp nhận thông tin, tra cứu khác; Được giúp đỡ, tư vấn về tìm kiếm, lựa chọn tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 4

Trình bày thẩm tra về nội dung Dự thảo nghị quyết này, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Vũ Ngọc Anh cho biết, việc UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết sửa đổi quy định về phí thư viện tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thư viện là cần thiết, đúng thẩm quyền. Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, việc miễn phí thư viện cho người sử dụng thư viện theo quy định của Luật Thư viện sẽ khuyến khích bạn đọc yêu thích đọc sách giấy in, đến với thư viện nhiều hơn, chính là thực hiện các chính sách của nhà nước về phát triển văn hóa đọc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội, phí thẻ đọc, thẻ mượn tài liệu tại Thư viện TP là 20.000 đồng/thẻ/năm, 8.000 đồng/thẻ/quý; tại thư viện cấp quận, huyện, thị xã là 10.000 đồng/thẻ/năm và 4.000 đồng/thẻ/quý. Đối với phí sử dụng phòng đọc đa phương tiện, mức thu tại thư viện cấp TP là 40.000 đồng/thẻ/năm, 15.000 đồng/thẻ/quý; tại thư viện cấp quận, huyện, thị xã là 20.000 đồng/thẻ/năm, 8.000 đồng/thẻ/quý.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 5

Đón nhận thông tin miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện do HĐND TP mới thông qua, nhiều người dân rất phấn khởi. Chị Đàm Minh Vĩ (thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cho biết, tuần nào chị cũng phải chở cô con gái là cháu Nguyễn Đàm Minh Phương đến thư viện huyện Đan Phượng mượn và đọc sách. “Trong nhịp sống công nghệ số hiện nay, tôi không muốn con ngày nào cũng chúi mũi vào điện thoại di động hay máy tính, tivi mà khuyến khích con đến thư viện đọc sách. Việc TP Hà Nội có chính sách miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện càng có ý nghĩa khuyến khích người dân tìm đến thư viện nhiều hơn” – chị Đàm Minh Vĩ chia sẻ.

Thực hiện Nghị quyết số của HĐND TP, từ ngày 1/8/2023, Thư viện Hà Nội cũng chính thức miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện và thông báo rộng rãi cho độc giả trên website của Thư viện. Là một độc giả thường xuyên của thư viện, anh Nguyễn Anh Tuấn, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Mức phí vài chục nghìn không quá lớn nhưng cũng là một rào cản nhất định khi người dân lựa chọn có đến thư viện hay không. Nếu không có rào cản này thì nhiều người dân, nhất là các em nhỏ có cơ hội tiếp cận được nguồn tri thức từ sách in nhiều hơn”.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 6

Cùng với chính sách khuyến khích của TP, theo các chuyên gia, nhà quản lý, các thư viện cơ sở cần phải  đổi mới mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ cũng như cách phục vụ bạn đọc. Trong đó, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên cho rằng, các thư viện cần được quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư kinh phí thường xuyên làm mới đầu sách, nhất là cập nhật những đầu sách hot, đang được yêu thích trên thị trường. Có như vậy mới kích thích được độc giả tìm đến các thư viện. “Cùng với đó, cần có các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm thư viện ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu vận hành thư viện trong tình hình mới” – bà Bùi Thị Quyên chia sẻ.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 7

Liên quan đến vấn đề này, được biết, thời gian qua, Thư viện Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thủ thư các thư viện cơ sở. Mới đây, từ 24 – 28/7, hơn 30 cán bộ, nhân viên quản lý của Thư viện Hà Nội cũng đã được tham gia Chương trình đào tạo nâng cao năng lực nằm trong chuỗi dự án thực hiện tái tạo thư viện công cộng do Bộ VHTT&DL  Hàn Quốc hỗ trợ. Với các chủ đề "Dịch vụ thông tin thư viện công cộng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0", "Chiến lược kinh doanh, vận hành thư viện công cộng", "Quản lý lưu trữ sách và tổ chức chương trình trải nghiệm văn hóa tại thư viện", các thủ thư có cơ hội được tiếp cận với nhiều kiến thức mới liên quan đến chuyên ngành để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc.

Ở góc độ từ cơ sở, Bí thư chi bộ thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, để phòng đọc sách, thư viện cộng đồng duy trì hiệu quả, thu hút nhiều người dân đến đọc sách, kiến nghị, TP, huyện quan tâm hỗ trợ đầu tư không gian phòng đọc hấp dẫn với đầy đủ bàn ghế, đèn chiếu sáng đủ tiêu chuẩn, tranh treo tường… Do hiện nay, nguồn ngân sách của xã rất khó khăn, không thể bố trí được kinh phí hỗ trợ các trang thiết bị nêu trên.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 8

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Ứng Hòa Lưu Đức Lào cho biết, để đáp ứng tiêu chí về Nhà văn hóa trung tâm của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Ứng Hòa đang xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện với diện tích quy hoạch 6.000m2 (bao gồm cả nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá). Hiện đã xây dựng xong 1 tòa nhà rộng 1.000m2, bao gồm cả phòng đọc sách. “Để lan tỏa văn hóa đọc, thư viện cấp huyện, xã được đầu tư xây dựng phải gắn liền với công trình đáp ứng các hoạt động khác là văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao. Bố trí như vậy, người dân sẽ mặn mà hơn với việc đọc sách do sự tiện lợi, kết nối hài hòa giữa hoạt động thể chất và hoạt động tinh thần” - ông Lưu Đức Lào nói.

Nhằm phát huy tốt hơn các thiết chế văn hóa, trong đó có thư viện để phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô, ngày 28/9/2022 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án "Tái tạo thư viện công cộng giai đoạn 2021 - 2022" tại Quyết định số 3531/QĐ-UBND. Theo đó, Thư viện Hà Nội được thiết kế cải tạo, trang trí không gian từ tầng 1 đến tầng 3 trụ sở tại 47 Bà Triệu (Hoàn Kiếm); đào tạo thủ thư tại Hàn Quốc và Việt Nam; cung cấp một số trang thiết bị, nội thất, sách, báo… Đây là dự án do Bộ VHTT&DL Hàn Quốc tài trợ với mục tiêu hỗ trợ nâng cao sử dụng tiện ích của Thư viện Hà Nội.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 9

Với sự quyết tâm trong triển khai các hạng mục, tháng 4/2023, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ VHTT&DL Hàn Quốc tổ chức lễ khánh thành dự án "Tái tạo thư viện công cộng" tại Thư viện Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, dự án hướng tới xây dựng không gian thưởng thức văn hóa và đọc sách, hỗ trợ việc trao đổi, giao lưu văn hóa, nhằm giúp nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Dự án cũng tạo bước tiến mới cho Thư viện Hà Nội trong việc đáp ứng văn hóa đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển mình từ thư viện truyền thống sang hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thư viện truyền thống bắt buộc phải có sự thay đổi để thích ứng với tâm thế mới của GenZ. Ví dụ cần phải biến không gian thư viện truyền thống thành những không gian mở, miễn phí, mang tính chào đón, là nơi tổ chức các sự kiện cộng đồng và các sự kiện văn hóa nghệ  thuật. Một không gian để làm việc, nghiên cứu, tương tác, một không gian để kết nối sáng tạo và khởi nghiệp.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 10

Hiện nay, để hội nhập với sự phát triển công nghệ, hiện nay những thư viện trên thế giới đang chuyển dần sang Bookless library (thư viện không có sách vật lý). Nó là những thư viện hoàn toàn dựa vào công nghệ và cung cấp các dịch vụ thông tin mà không cần sách vật lý truyền thống. Chúng tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm đa phương tiện, tương tác và kết nối mạng cho người đọc.

“Sự ra đời của những thư viện không sách này được xem là một chiến lược để đáp ứng với sự thay đổi thói quen đọc của GenZ. Chúng cung cấp không chỉ sách điện tử, mà còn cơ hội học tập trực tuyến, các khóa học trực tiếp, không gian làm việc hợp tác, sự kết nối với cộng đồng, các chuyên gia qua các sự kiện và hoạt động trực tuyến” - PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 11

Ở nhiều nước trên thế giới, thư viện vẫn giữ vai trò của kho tri thức nhân loại, có vị trí quan trọng trong đời sống. Để tồn tại và phát triển, chính các thư viện cũng đang tự đổi mới, thân thiện hơn, đáp ứng nhanh và chính xác nhu cầu của bạn đọc. Như tại Hàn Quốc, thư viện có sự chuyên biệt cho các đối tượng. Thư viện dành cho trẻ em không chỉ có sách giấy đơn thuần mà còn có sách điện tử, sách cảm ứng có thể tỏa hương. Nhờ đó, trẻ em rất hào hứng khi được tận hưởng nhiều thành quả của công nghệ hiện đại trong việc đọc, việc chơi và ngay cả phụ huynh đi cùng cũng có chỗ để thư giãn, cùng học, cùng đọc.

Tại Singapore, bắt đầu từ đầu năm 2022, các thư viện công cộng của nước này đã áp dụng thử nghiệm công nghệ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tại (AI) để tăng cường trải nghiệm mang tính cá nhân và phong phú hơn cho bạn đọc. Các thư viện tại Đảo quốc sư tử cũng đã giới thiệu robot và quy trình công nghệ tự động hóa để đơn giản hóa và giảm tải công việc liên quan đến công tác thư viện.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 12

Theo ông Ramachandran Narayanan - Giám đốc điều hành Ban Hội đồng Thư viện Quốc gia Singapore, trải nghiệm vận hành thư viện truyền thống tại Singapore hiện đang được thay đổi bằng công nghệ mới. Một số thư viện tại Singapore đã được trang bị một phòng đặc biệt để mang đến trải nghiệm phong phú hơn thông qua video và cả công nghệ cảm biến ưu việt.

Công nghệ AI cũng đang giúp cá nhân hóa trải nghiệm của khách truy cập thư viện bằng cách đề xuất nội dung mà người dùng có thể quan tâm. Tương tự như trang web của Amazon, AI và công nghệ phân tích dữ liệu giúp định hướng nội dung phù hợp với sở thích cùa người đọc, nhờ đó việc tìm kiếm sách sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn rất nhiều.

Công nghệ mới cũng sẽ giúp nhận diện đánh dấu những cuốn sách bị để sai kệ, từ đó robot có thể tự thu nhận và đưa sách về đúng vị trí. Nếu không có robot, quá trình xác định và sắp xếp về đúng vị trí trên kệ của những cuốn sách được đặt không chính xác này sẽ mất từ 3 - 4 giờ. Theo tính toán, công nghệ robot sẽ giúp tiết kiệm cho mỗi thư viện 3.500 giờ phát sinh từ công việc này mỗi năm.

Ngoài ra, công nghệ tự động hóa cũng giúp phân loại sách sau khi chúng được trả lại. Theo đó, một hệ thống băng chuyền tự động quét các thẻ nhận dạng mỗi cuốn sách và tách chúng ra dựa trên từng thể loại. Nhân viên thư viện có thể tùy chỉnh hệ thống tự động để tách các sách được xác định theo tiêu đề liên quan hoặc mức độ được mượn phổ biến. Đây được xem là một bước đột phá công nghệ quan trọng bởi trước đây, quá trình phân loại được thực hiện hoàn toàn thủ công.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 13

Bên cạnh đó, các thư viện tại Singapore dự định sẽ ra mắt một ứng dụng di động cải tiến để theo kịp với người dùng điện thoại thông minh. Mọi người sẽ có thể định cấu hình sở thích của họ và tạo hồ sơ của chính họ trên ứng dụng. Điều này sẽ được sử dụng để đưa ra nhiều khuyến nghị có mục tiêu hơn về sách điện tử và cả sách vật lý có tại các thư viện.

Nói rộng hơn, Singapore đang thay đổi hoàn toàn vai trò của các thư viện. Tại đảo quốc sư tử, thư viện hiện không chỉ là nơi để đọc sách yên tĩnh mà đang dần trở thành một không gian cộng đồng hơn. Các thư viện mới có nhiều không gian mở hơn để giải trí và tổ chức các cuộc thảo luận.

Hồi đầu tháng 2 năm nay, thư viện Punggol Regional - mô hình thư viện toàn diện đầu tiên tại Singapore, đã chính thức được khai trương với mong muốn tiếp cận được tất cả các lứa tuổi.

Với thiết kế đa dạng về chức năng và các ứng dụng cho người sử dụng, thư viện lớn nhất tại Singapore Punggol Regional mang lại một không gian đọc hiện đại, có không gian sáng tạo cho trẻ em với nhiều hoạt động bổ ích không chỉ đơn thuần là đọc sách. Thư viện cũng là nơi thư giãn cho người cao tuổi, một địa điểm yên tĩnh để nghiên cứu và làm việc.

Thư viện Punggol Regional có dịch vụ mượn xe lăn để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, đồng thời bố trí các khu vực riêng dành cho người dùng cần một không gian yên tĩnh và an toàn.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 14

Tại Phần Lan, thư viện là dịch vụ công được chấm điểm cao nhất. Mỗi thư viện thường có góc riêng cho từng đối tượng khác nhau. Ví dụ, khu trẻ nhỏ sẽ có thảm, thú bông, các trò chơi xếp hình, bút vẽ, chơi và đọc sách. Với những nhóm học sinh, sinh viên có nhu cầu học nhóm có thể đặt lịch mượn phòng với thư viện. Thư viện cũng có phòng riêng cho những ai muốn yên tĩnh đọc báo hay nghiên cứu. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể chơi game, đánh đàn piano, làm đồ handmade hoặc thậm chí là may quần áo…

Thư viện Quốc gia Phần Lan đã áp dụng công nghệ lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây để khai thác, lưu trữ tài nguyên thông tin của quốc gia một cách nhanh chóng, chính xác. Hệ thống ánh sáng được thiết kế chuẩn xác để không làm hư hại tài nguyên thông tin và kiến trúc tuyệt đẹp của tòa nhà thư viện.

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 15

Người Phần Lan thích tới thư viện, bởi các thư viện ngoài nhiệm vụ phục vụ tài nguyên thông tin truyền thống, thư viện còn cung ứng nhiều tiện ích khác như: phục vụ tài nguyên thông tin dạng số, đồ điện, dụng cụ thể thao… Thậm chí một thư viện ở TP Vantaa, giáp với Thủ đô Helsinki còn có cả dịch vụ karaoke.

Người Phần Lan cho rằng: “Các thư viện cần phải hướng tới thế hệ mới. Thế giới đang thay đổi, thư viện cũng cần thay đổi. Thư viện chính là không gian để mọi người gặp gỡ, làm việc và phát triển kỹ năng số”.

Rõ ràng, trong dòng chảy chung của thư viện trên thế giới thì thư viện trong nước vẫn đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Do vậy, nếu chỉ gia tăng đơn thuần về số lượng thư viện mà không đầu tư chuyên sâu, về chất lượng tài liệu cũng như đào tạo kỹ năng của người làm thư viện thì chắc chắn khoảng cách giữa thư viện trong nước với cộng đồng thư viện thế giới sẽ ngày càng nới rộng.

(còn nữa)

Bài 4: Để thư viện ngày càng hấp dẫn bạn đọc - Ảnh 16

07:06 08/08/2023