Từ thực tế tại TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên toàn quốc qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không trám được lỗ hổng của y tế cơ sở, sẽ tiếp tục vỡ trận toàn bộ hệ thống y tế khi dịch bệnh xảy ra.
TP Hồ Chí Minh có 310 trạm y tế (TYT) cố định. Căn cứ theo Thông tư liên tịch số 08/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về biên chế tối thiểu cho TYT thì nhân sự không đủ chỉ tiêu. Cụ thể, 52 trạm được phân bổ từ 5 nhân sự trở xuống; 173 trạm có 6-8 người; 64 trạm có 9-10 người. "Thực tế, mỗi trạm tại TP Hồ Chí Minh cần ít nhất 10 người vì trung bình một phường, xã có 30.000 dân" - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.
Theo bác sĩ Châu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng TYT thiếu người, như liên quan đến chính sách, nhân viên y tế không thích về phường, xã, do hệ thống y tế tư nhân tại TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh.
Bác sĩ Châu cho biết, trong bối cảnh F0 đang tăng trở lại, để đáp ứng yêu cầu hoạt động tại tuyến cơ sở, trước mắt TP sẽ đưa bác sĩ, điều dưỡng của TYT lưu động về tăng cường cho trạm cố định. Vài tháng tới, TP sẽ điều chuyển các bác sĩ mới ra trường, từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về tăng cường cho TYT cơ sở. Về chính sách giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại các trạm; đồng thời thu hút, hỗ trợ bác sĩ nghỉ hưu về làm việc, Sở Y tế đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng: 5 triệu đồng đối với bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ đại học và y sĩ là 4 triệu đồng, nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp là 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây là số tiền quá ít ỏi, chưa tương xứng với khối lượng và áp lực công việc rất lớn tại tuyến trạm. Đơn cử, TYT phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP Hồ Chí Minh) chỉ có 4 nhân viên, thời điểm này, trạm vừa thực hiện khám nghĩa vụ quân sự, vừa tiêm vaccine, vừa phụ trách 1.000 F0 trên địa bàn. Tất cả đều phải làm việc xuyên ngày đêm, không có thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng chế độ chính sách vẫn phải theo qui định chung, không được “nới” thêm.
Hay tại phường Hiệp Thành có số ca Covid-19 cao nhất trong 11 phường của quận 12, với hơn 4.000 F0 được ghi nhận trong đợt dịch thứ 4, dịch đang ở cấp độ 2. Bác sĩ Trần Thị Phụng – Trạm trưởng TYT phường Hiệp Thành cho biết, những ngày qua, TYT không đủ nhân lực đến tận nhà nên phải mời F0 đến trạm xét nghiệm và phát thuốc. Việc tiếp nhận F0 ngay tại trạm là cách "chữa cháy" bởi các ca dương tính tăng nhanh. Nhân lực tại TYT khá mỏng (10 nhân viên y tế, 5 tình nguyện viên) trong khi dân số hơn 110.000 người, địa bàn có nhiều công ty, xí nghiệp lớn, việc nhiều, nhân lực ít, không kham xuể.
Với mức lương, phụ cấp, tiền làm thêm giờ như hiện nay không thể đủ trang trải cuộc sống. “Học 6 năm ra trường, làm việc trong môi trường quá nhiều áp lực, nhưng lương không bằng nhân viên chạy bàn, rửa bát ở quán ăn, nhà hàng. Nghịch lý này bao giờ mới được giải quyết?” – một nhân viên y tế tại quận 12, TP Hồ Chí Minh bày tỏ.
“Tôi là trưởng TYT nhưng lương mỗi tháng 6 -7 triệu đồng, lương của nhân viên còn ít hơn nên khó đảm bảo cuộc sống” - Trạm trưởng TYT xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Sang cho biết.
Trong khi áp lực công việc cao, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã xin nghỉ việc, khiến nhân lực ngành Y tại TP Hồ Chí Minh đã thiếu lại càng thêm khủng hoảng. Nhìn lại, ngân sách nhà nước chi cho ngành Y tế còn hạn chế. Chế độ, phụ cấp chi trả cho các y, bác sĩ còn thấp. Một số văn bản quy định về chế độ phụ cấp cho ngành Y tế kể từ năm 2015 đến nay hầu như chưa thay đổi. Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2011; Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC và Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ liên quan đến chính sách tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực.
Ngay cả tại bệnh viện hạng 1, mức chi trả phụ cấp nếu thường trực 24/24 giờ là 115 nghìn đồng cho một ca trực; nếu thường trực 12/24 giờ mức phụ cấp thường trực là: 115 x 0,5 = 57,5 nghìn đồng; nếu thường trực ca 16/24 giờ mức phụ cấp thường trực là: 115 x 0,75 = 86,25 nghìn đồng; thường trực 24/24 giờ mà trực tại khoa hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp là: 115 x 1,5 = 172,5 nghìn đồng; Người lao động thường trực trong các TYT xã, bệnh xá quân dân y: mức phụ cấp là 65 nghìn đồng/1 người/1 phiên trực.
Theo các chuyên gia y tế, trong đại dịch Covid-19, những bất cập liên quan đến số lượng, cơ cấu nhân lực của ngành Y tế, chính sách đối với nhân viên y tế đã bộc lộ rõ nét. Dù các nhà quản lý các cấp và ngành Y tế đã có thêm một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp, nhưng đó không phải là giải pháp mang tính ổn định và bền vững.
Nếu đề xuất chính sách y tế hậu Covid-19, thì bà ưu tiên nội dung gì? Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, bà đã có những trải lòng. Theo bà Nhị Hà, dịch Covid-19 là thước đo về năng lực của hệ thống y tế cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội. “Điều tôi luôn trăn trở là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế tuyến cơ sở, để thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu. Chúng ta rất cần điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm phát triển y tế với một mạng lưới bám sát cơ sở, phủ đều rộng khắp” –bà Hà nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, y tế cơ sở của Hà Nội sẽ phải thay đổi ra sao? Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cái khó của Hà Nội hiện nay nói riêng cũng như cả nước nói chung, là thiếu nhân lực y tế chất lượng cao ở tuyến cơ sở. Mà muốn thu hút nhân lực thì phải có chính sách, riêng ngành y tế không giải quyết được.
“Trong năng lực có thể, chúng tôi sẽ chú trọng đầu tư nguồn nhân lực bằng cách đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cho cán bộ y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động tại TYT trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm … theo nguyên lý y học gia đình. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường luân phiên bác sĩ về tuyến dưới, mặc khác, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chuyên môn và thanh toán BHYT cho người dân. Nhưng muốn y tế gần dân, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khi đó mới giảm tải được cho tuyến trên. Điều rất cần hiện nay là phải có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại TYT, mở rộng danh mục thuốc để người dân được hưởng lợi từ việc khám và điều trị tại tuyến xã, phường.
Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có nỗ lực rất tích cực trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng y tế thiết yếu và không ngừng cải thiện cơ hội tiếp cận của người dân với hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cả nước hiện có 1.192 bệnh viện công, 228 bệnh viện tư, hơn 11.000 TYT và phòng khám và hơn 61.000 nhà thuốc. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân ở Việt Nam chỉ mới đạt 0.8 bác sĩ, nằm trong nhóm thấp nhất ASEAN. Theo thống kê, chỉ số bác sĩ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp là 1 bác sĩ trên 1.000 dân, trong khi ở các nước có thu nhập trên trung bình là 1,2 bác sĩ trên 1.000 dân. Đặc biệt, Úc và Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là 2 quốc gia có số lượng bác sĩ cao nhất với 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân.
Còn mật độ trung bình của dược sĩ đang hành nghề ở Việt Nam là 3.35, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu toàn cầu là 5.0. Riêng số y tá và hộ lý ở Việt Nam hiện nay là 105.000 người, tương ứng 1,3 điều dưỡng/1.000 dân, thấp hơn so với Indonesia (1,5/1.000 dân) và Ấn Độ (1,7/1.000 dân).
Nhưng điều đáng nói, ngay cả tỷ lệ này cũng đang biến động. Nguy cơ nhiều nhân viên y tế bỏ việc, bỏ nghề đang hiện hữu, nhất là trong đợt dịch Covid-19 đang ở độ cao trào. Thực tế này đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có cả TP Hà Nội.
Ngoài ra, theo TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, sự phân bố không đồng đều số lượng nhân viên y tế theo khu vực địa lý cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi mà phần lớn nhân viên y tế có xu hướng tập trung ở khu vực thành thị, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực ở các vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, dẫn đến tình trạng khó tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Thống kê cho thấy, hiện tại các bệnh viện đang phải đón nhận đến 50% số lượt thăm khám, đồng thời phải chịu đến 95% chi phí BHYT toàn quốc. Nếu không tập trung quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại y tế cơ sở, người dân tiếp tục đổ dồn lên tuyến trên điều trị.
Một thực trạng đáng báo động, đó là tình hình dịch bệnh mới nổi bủa vây, ngày càng phức tạp, khó lường, nhiều chủng mới của virus có khuynh hướng gây tổn hại nặng nề đối với nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Còn các bệnh không lây nhiễm với tỷ lệ tử vong cao đang trở thành gánh nặng cực lớn cho hệ thống y tế.
Qua đại dịch Covid-19, đã bộc lộ nhiều bất cập từ tuyến y tế cơ sở, một trong những vấn đề quan tâm của ngành Y tế là tập trung phát triển y tế cơ sở. Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở. Cùng với đó, mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các TYT.
Giải pháp cải tổ lại hệ thống y tế cơ sở, TS Trần Tuần cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Bài học kinh nghiệm về công tác chống dịch vừa qua còn đó. Trước tiên cần phải định vị lại chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng chủ thể trong hệ thống y tế. Phải trả lại cho tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng vị trí của nó. Từ đó mới tổ chức đào tào, đào tạo lại nhân lực cho tuyến y tế cơ sở sau khi điều chỉnh lại chính sách, rà soát sửa các luật: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ: Y tế cơ sở như nền tảng, bàn đạp của ngành y tế từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng”. Tuy nhiên, hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế và yếu kém, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng. Nhiều mục tiêu về phát triển y tế cơ sở chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, chủ động ứng phó với các loại hình dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lo lắng về nguồn nhân lực y tế và cho rằng, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời phải có đầu tư thoả đáng cho cơ sở vật chất và trang thiết bị tuyến cơ sở.
Thực tiễn đợt dịch vừa qua đã càng chứng minh vai trò của tuyến y tế cơ sở là rất quan trọng. Thủ tướng nêu rõ đây là tuyến gần dân nhất, sát dân nhất, tiếp cận nhanh nhất, nếu không củng cố thì về tâm lý, người dân sẽ muốn lên tuyến trên. Theo Thủ tướng, ở các TP như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ai đi khám chữa bệnh cũng đi bệnh viện nên tuyến cơ sở thiếu được quan tâm. Vì vậy, phải thống nhất chủ trương, nhận thức, từ đó có đề án để thay đổi một cách căn cơ để thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
"Đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, hiện đang không có nhân lực, thiếu bác sĩ, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Cần dành nguồn lực nhất định, xây dựng chính sách để thu hút con người, đáp ứng yêu cầu ở tuyến y tế cơ sở", Thủ tướng nói. Để làm được điều này, theo Thủ tướng, trước tiên cần giải quyết vấn đề pháp lý, thống nhất chủ trương, sau đó có đề án, dự án trên cơ sở tổng kết thực tiễn để thực hiện một cách căn cơ.
18:00 19/11/2021