Báo Anh dự báo bất ngờ về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - The Guardian dẫn số liệu từ công ty đầu tư Amundi dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 1,5% vào năm 2024, trong khi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) dự kiến chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm tới.

Tăng trưởng kinh tế của Nga, được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần khu vực Eurozone trong năm 2024. Ảnh: Sputnik
Tăng trưởng kinh tế của Nga, được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần khu vực Eurozone trong năm 2024. Ảnh: Sputnik

Theo báo cáo của Amundi - công ty quản lý quỹ lớn nhất châu Âu tính theo quy mô tài sản, các biện pháp trừng phạt của phương Tây dường như không thể cản trở đà tăng trưởng kinh tế của Nga, được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần khu vực Eurozone trong năm 2024.

Công ty Amundi dự báo GDP của Nga sẽ tăng 1,5% vào năm 2024, trong khi khu vực Eurozone dự kiến chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm tới.

"Điều đó có nghĩa là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia - những nền kinh tế phát triển nhất thế giới- không thể trừng phạt hiệu quả một quốc gia. Chúng ta có thể không muốn chấp nhận điều đó, nhưng nó là thực tế" - Giám đốc thông tin (CIO) của Amundi, ông Vincent Mortier, nói tại cuộc họp báo ở Paris hôm 23/11.

Ông Mortier lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã có ảnh hưởng phần nào đối với một số cá nhân và tổ chức của Nga bị phong tỏa tài sản, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Nga hầu như không bị ảnh hưởng.

Sau khi không thể tiếp cận các thị trường phương Tây, Nga đã chuyển hướng thành công phần lớn dòng chảy thương mại sang các đối tác thuộc nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan.

"Đó là thực tế phải chấp nhận. Về mức độ ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine,  châu Âu đã phải chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề, trong khi tác động với Mỹ là trung lập, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á và châu Á nói chung được hưởng lợi" - ông nói thêm.

Nga đã phải đối mặt với sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh chưa từng của phương Tây liên quan đến xung đột Ukraine, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái hơn 2% tính đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy các lĩnh vực kinh tế của Moscow phần lớn đã thích nghi với các lệnh trừng phạt, thể hiện qua việc Bộ Tài chính Nga dự báo tăng trưởng 3% vào cuối năm nay.

Nhiều tổ chức quốc tế gần đây cũng đã nâng dự báo kinh tế của Nga. Ủy ban châu Âu dự kiến GDP của Nga tăng 2% trong năm nay nhờ "nhu cầu trong nước mạnh hơn dự kiến trước đó" và sẽ tăng trưởng 1,6% trong cả năm 2024 và 2025.

Chuyên gia Trung Quốc: Thế giới nên học Nga cách đối phó với lệnh trừng phạt

Moscow đang đối phó thành công với các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, đồng thời cũng chỉ ra cách để các nước học hỏi kinh nghiệm trong việc thích nghi với các lệnh cấm vận, ông Wang Wen, chuyên gia trưởng của Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với hãng tin Tass.

"Tôi nghĩ rằng Nga nhìn chung rất hiệu quả trong việc đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo quan điểm của tôi, các lệnh cấm vận do phương Tây áp đặt chống Nga trong 21 tháng qua đã thực sự thất bại. Các biện pháp hạn chế này không giúp Ukraine đánh bại Nga và cũng không thể hủy hoại nền kinh tế của nước này" - chuyên gia Wang Wen phát biểu bên lề một hội nghị quốc  tế tại Thượng Hải hôm 24/11.

Chuyên gia Wang nhấn mạnh thêm rằng trong bối cảnh bị phương Tây liên tục siết lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng và vượt qua các nền kinh tế Australia và Hàn Quốc về quy mô, đã trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 2014 và lần đầu tiên xếp thứ 8. 

Trong một diễn biến liên quan, ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, hôm 23/11 cho biết, Phương Tây đã áp đặt hơn 17.500 lệnh trừng phạt lên Moscow.

Nga đã bị áp 17.500 lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: Getty
Nga đã bị áp 17.500 lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: Getty

"Trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga, phương Tây đóng vai trò đặc biệt với các lệnh trừng phạt đơn phương. Số lượng lệnh cấm vận áp đặt chống Nga đã vượt quá 17.500, con số lớn nhất từ trước đến nay" – ông Birichevsky phát biểu tại hội nghị "Chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và các mối đe dọa khác từ phương Tây" do Thượng viện Nga tổ chức.

Ông cho biết mục tiêu của phương Tây là làm suy yếu nền kinh tế Nga và khiến giới lãnh đạo chính trị nước này từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. "Tuy nhiên, một nhà quan sát có kinh nghiệm có thể thấy ngay từ đầu rằng ý tưởng này sẽ không hiệu quả" - quan chức ngoại giao Nga cho biết.

Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, các lệnh trừng phạt không thể gây tổn hại cho Nga như cách mà phương Tây mong muốn.

Quan chức Điện Kremlin cho biết, Nga đã tìm cách lật ngược tình thế khi phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Ông Peskov nhấn mạnh những hạn chế này không thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong kịch bản cơ sở năm nay sẽ từ 2,2-2,7%. Tuy nhiên, theo Tổng thống Vladimi Putin, tăng trưởng kinh tế của Nga năm nay dự kiến sẽ vượt 3%, tốt hơn so với dự báo chính thức trước đó.

Giới truyền thông phương Tây cũng nhận định nền kinh tế Nga gần như đã trở lại trạng thái trước xung đột. Moscow cũng tìm được các đối tác mới và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu năng lượng sang thị trường châu Á.