Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 1

Mặc dù đã được cảnh báo trước về sức mạnh và sự nguy hiểm của cơn bão số 3 (Yagi), song người dân Hà Nội, nhất là những người lao động ở vùng ven sông Hồng chưa hết bàng hoàng về độ tàn phá của bão lũ. Hơn 1 tháng trôi qua, những người lao động vẫn đang oằn mình để khắc phục hậu quả do thiên tai để lại…

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 2
Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 3

Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, những người trồng quất ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đã khẩn trương di chuyển cây trồng đến nơi cao hơn. Nhưng không thể ngờ, mực nước sông Hồng sau bão đã lên gần mức báo động 3 khiến hàng nghìn cây quất tại vùng Tứ Liên ngập trong nước lũ, thậm chí nhiều người dân đã rơi vào cảnh “mất trắng” cây trồng.

Ngày chúng tôi đến ghi nhận là thời điểm sau 3 tuần kể từ khi cơn bão xảy ra, nơi đây vẫn còn vết tích của mực nước sông dâng lên. Trong vườn, ở khu vực phía gần sông, vẫn còn hàng dãy dài các cây quất đã héo do ngập nước. Có những vườn có 700 – 800  cây thì thiệt hại mất khoảng hơn 300 cây. Mỗi cây quất trị giá tiền triệu đồng…

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 4

Chỉ cho chúng tôi chỗ mà mực nước sông dâng lên đã ngập quá nửa các cây quất trong vườn, bà Ngô Thị Ngà (vườn quất tại địa chỉ 162 Bến đò xưa, phường Tứ Liên) đau xót chia sẻ: “Mấy chục năm qua, cơn bão số 3 vừa qua có thể nói là “nhớ đời” ở vùng quất này. Cơn bão này đến quá nhanh và quá lớn cho nên vùng quất chúng tôi không chủ động được. Không bao giờ nghĩ rằng nước có thể lên nhanh thế. Người dân đa số là mất trắng. Vùng trung tâm quất cảnh Tứ Liên bị thiệt hại nặng nhất trong 30 năm qua. Tại khu vực này, các cây quất đều bị hỏng hết cành phía dưới”.

 

Bà Ngà cho hay, người trồng quất đang nỗ lực, mau chóng từng ngày khắc phục hậu quả. Sau bão lũ các nhà vườn phối hợp với chính quyền địa phương di chuyển các cây bị chết đến nơi tập kết, đảm bảo không để ô nhiễm môi trường. Đối với các cây có thể cứu được, nhà vườn cắt cành bị chết; một số cây thì phải ươm trồng lại cho vụ sang năm.

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 5

“Thiệt hại quá lớn” – bà Ngà nhấn mạnh rất nhiều lần; đồng thời mong muốn các cấp lãnh đạo Thành phố quan tâm, hỗ trợ một phần nào đó để động viên tinh thần để những người trồng quất cố gắng cho vụ tới.

Không chỉ có vùng quất Tứ Liên bị chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mà vùng đào Nhật Tân cũng bị thiệt hại rất nặng nề. Xót xa chỉ cho chúng tôi từng khoảnh đất trắng, trước đây đang ươm gốc đào có tuổi đời từ 20 đến 30 năm, nhưng đã bị gió bão đánh quật, nhiều chủ vườn chép miệng, lắc đầu và chỉ thốt lên rằng: “Không thể tưởng tượng được”. Không những vậy, rất nhiều cây đào đang chết dần theo thời gian bởi đất ngập do nước lũ đã gây hư hại, không đủ chất lượng để tiếp tục trồng cây. Nhiều người lao động đang khẩn trương đào chỗ đất bị ngập để cải tạo, hy vọng sẽ kịp có đào vào dịp tết năm Nguyên đán năm 2026.

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 6

Ông Trần Tuấn Việt (chủ vườn đào Tuấn Việt, phường Nhật Tân) chia sẻ: Nhà vườn trồng khoảng 700 cây đào lớn, nhỏ. Mưa bão đã thiệt hại hơn 50% tổng số lượng cây của ông, chưa kể những cây cứu được cũng bị ảnh hưởng chất lượng cây đào.

“Trước mắt, với số lượng cây đào còn lại, chúng tôi đang chuẩn bị chăm sóc để sang tháng có thể tuốt lá chăm trồng, phục vụ bà con trong dịp Tết tới. Với những phần đất đã hỏng do lũ lụt, chúng tôi đang cải tạo thành đất mới để tháng 10 âm bắt đầu trồng giống (vì quy trình trồng một cây đảo khoảng 15 tháng - pv) phục vụ cho Tết năm sau nữa” – ông Trần Tuấn Việt cho biết.

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 7

Đối với người trồng cây, thiệt hại do thiên tai khiến họ điêu đứng. Còn đối với những người lao động di cư đang sống tại khu ở trọ bãi giữa sông Hồng thì khó khăn chồng chất khó khăn.

Cách đây hơn 1 tháng khi nước lũ dâng, toàn bộ khu trọ ở bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình bị ngập. Chính quyền đã khẩn trương sơ tán toàn bộ người dân khu vực này. Những người ở đây bình thường đã không có mấy tài sản có giá trị. Sau bão lũ, gần như họ không còn gì…

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 8

Con đường vào khu trọ này rộng không đủ cho xe máy tránh nhau. Mặc dù bên ngoài thời tiết nắng đẹp, song bước chân vào khu trọ rất ẩm ướt, lụp xụp, cảm giác ánh sáng rất khó len vào đây.

Chúng tôi vào khu trọ gặp chị Xuyên (52 tuổi, tỉnh Vĩnh Phúc) làm xe kéo ở chợ Long Biên cũng gần hai chục năm nay. Công việc của chị bắt đầu từ 9 -10 giờ tối hôm trước đến 6 -7 giờ sáng hôm sau. Chị bảo: “nghề này cũng giống như đi câu, thu nhập rất bấp bênh”. Do kinh tế kém chưa kể do bão lũ, ngập lụt nên hàng hóa ở chợ không có mấy, vì thế chị cũng bị ảnh hưởng, gần như không kiếm được gì. “Bây giờ ra chợ phải cố gắng nhiều lắm, chứ không thì không biết sống thế nào” - chị Xuyên nói.

Buôn bán tôm khô lẻ ở chợ Long Biên, chị Trần Thị Tươi (40 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ: từ đầu năm nay đến giờ do thị trường khó khăn nên chị buôn bán kém, làm ăn không được. Đã vậy, bão lại còn khổ nữa. “Ví dụ trước đây bán được 10 phần, thì nay chỉ được 3,4 phần, toàn buôn ngược, công không có. Có ngày cố lấy lại vốn rồi về. Cầm cự qua ngày. Vì chợ không có người mua mấy. Sau bão, chất lượng tôm cũng kém đi nên buôn bán ở chợ không được” - chị Tươi thở dài nói.

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 9

Xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai là một trong những điểm ngập nặng do ảnh hưởng của lũ rừng ngang và lũ lụt sau cơn bão số 3 vừa qua. Xóm Bến Vôi có khoảng 140 hộ dân với hơn 600 người. Mặc dù đã quen với lũ rừng ngang hàng năm nhưng chưa bao giờ chỉ trong 2 tháng lại có 2 đợt lũ cao và thời gian kéo dài như năm nay. Nhiều người dân phải bỏ nhà bỏ cửa, sơ tán ra khu tập trung mất 16 ngày. Tại nhiều nhà, người dân phải di chuyển hết đồ đạc lên tầng 2.

Người dân trong xóm Bến Vôi chủ yếu làm lao động tự do. Các thanh niên hoặc những người có sức khỏe thì đi làm ở các công ty, nhà máy. Nhưng số này không nhiều. Hầu hết những người phụ nữ trong xóm, ngoài làm ruộng, họ còn làm các nghề khác như bắt ốc, đánh cá, làm mây tre đan. Những nghề này nương theo thời tiết, dù rất vất vả song thu nhập rất bấp bênh và không cao, chỉ đủ để họ có đồng ra đồng vào lo cho gia đình.

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 10

Làm nghề làm ốc để kiếm thêm gần 10 năm, bà Nguyễn Thị Ngó (51 tuổi) chia sẻ: Một ngày của bà bắt đầu từ 3-4 giờ sáng. Hai vợ chồng đi bắt ốc cách nhà chục km, có hôm đi gần trăm km mới có ốc để bắt; sau đó, đưa ốc về làm ốc rồi chiều đưa đi bán. Hôm nào mà bán được thì thu nhập khoảng 100-150.000đ/người.

“Nghề lao động này vất vả lắm; gần như không được nghỉ lúc nào” – bà Ngó chia sẻ. Ngập lụt 2 tháng không đi được vì không có phương tiện di chuyển, bà Ngó chỉ ở nhà để lo bảo quản tài sản, nhà cửa. Ngập cũng không làm được gì, chỉ đợi hết lũ rồi về.

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 11

Là người tương đối trẻ trong xóm, chị Nguyễn Thị Huần (34 tuổi) cho hay: chị bắt đầu làm mây tre đan từ khi sinh thêm con thứ ba. Hàng ngày, ngoài những lúc chăm con, chị Huần tranh thủ thời gian để đan tre kiếm thêm ít thu nhập nuôi các con ăn học. Ngập lụt cũng làm gián đoạn công việc của chị; ngoài ra gia đình chị còn bị thiệt hại một ao cá. “Nuôi 3 con, nếu mình không có thu nhập cũng ảnh hưởng đến các cháu” - chị Huần nói và cho biết, chị cũng không thể tích lũy được gì.

Có thể thấy, đối với những người lao động tự do sống nương theo thời tiết, chỉ cần một trận thiên tai cũng có thể khiến họ rơi vào cảnh điêu đứng. Hơn bao giờ hết, họ cần những giải pháp được hỗ trợ kịp thời để nhanh chóng khắc phục hậu quả và những biện pháp mang tính bền vững để giảm thiểu rủi ro trước thiên tai.  

 

(Còn tiếp)…

Bảo hiểm - lá chắn bền vững cho người lao động trước rủi ro thiên tai - Ảnh 12

07:04 28/10/2024