Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan, cần bình tĩnh ứng phó

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ phát hiện tại TP Hồ Chí Minh khiến người dân hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh bệnh này không dễ lây lan và có thể phòng ngừa nếu tuân thủ theo khuyến cáo.

Chủ yếu lây lan trong một quần thể hẹp

Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, vừa phát hiện thêm một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), đây là bệnh nhân thứ 4 được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh. Ngành y tế TP đang khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng, để ngăn chặn lây lan.

Ngày 2/10, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị về khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ trước thông tin TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 4, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, người dân cần hiểu rõ về bệnh này, không nên hoang mang, lo lắng thái quá.

Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có nghĩa là nó có thể lây từ động vật sang người và cũng có thể lây từ người sang người.

Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 6 đến 13 ngày, không phát hiện triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Đến giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, kèm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Ở giai đoạn này, virus có thể lây sang người khác. Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày với sự xuất hiện của các ban, mụn nước trên da.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh

Đáng chú ý, ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, với những nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn tiến nặng, tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây lan nhưng nó khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, đối với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải tiếp xúc khoảng cách gần, cọ xát, da có trầy xước, quan hệ tình dục... với người bị bệnh đậu mùa khỉ thì mới có thể bị lây truyền. Ngoài ra, thời gian vừa qua, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan trong một quần thể hẹp như ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới.

“Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19 hay bệnh cúm thông thường, thậm chí khả năng lây thấp hơn nhiều so với bệnh đậu mùa, do đó nguy cơ thành dịch là rất thấp, người dân không cần phải hoang mang” - bác sĩ Khanh nói và nhấn mạnh, người dân không nên quá lo lắng nhưng cần cẩn trọng phòng ngừa, nhất là người thuộc cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), bởi đây là đối tượng nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất.

“Bất cứ ai thấy xuất hiện các nốt ban mới, bất thường hoặc tổn thương ngoài da, cần tránh quan hệ tình dục cho tới khi làm xong xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bệnh đậu mùa khỉ. Lưu ý, các nốt ban cũng có thể tìm thấy ở các vị trí khó nhìn thấy như miệng, cổ họng, bộ phận sinh dục, âm đạo, hậu môn và khu vực hậu môn. Do đó, mỗi cá nhân cần chủ động không quan hệ tình dục với người xa lạ, với nhiều người và với người không biết tiền sử bệnh” – bác sĩ Khanh tư vấn.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận trên người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh có triệu chứng gần giống bệnh đậu mùa ở người, nhưng mức độ lây lan chậm hơn và mức độ bệnh cũng nhẹ hơn. Ảnh: BBC
Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận trên người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh có triệu chứng gần giống bệnh đậu mùa ở người, nhưng mức độ lây lan chậm hơn và mức độ bệnh cũng nhẹ hơn. Ảnh: BBC

Phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ bằng cách nào?

Theo bác sĩ Khanh, vì có một số triệu chứng đặc hiệu, nên nếu quan sát, người bệnh hoàn toàn có thể phân biệt được bệnh đậu mùa thông thường và bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, đậu mùa khỉ khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của virus đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.

“Để phát hiện sớm bệnh, người dân cần chú ý đến các dấu hiệu như sốt trên 38,5°C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Cơ thể xuất hiện các nốt mụn nước hoặc mụn mủ. Đặc biệt, có lịch sử tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần báo cho cơ quan y tế gần nhất để được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đúng quy định. Nếu phát hiện bệnh sớm có thể giúp cho quá trình điều trị tốt hơn” – bác sĩ Khanh nói.

Về điều trị, bác sĩ Khanh cho biết, gồm có điều trị giảm đau và hỗ trợ. Ở một số bệnh nhân cơ thể suy giảm miễn dịch lại mắc bệnh đậu mùa khỉ, họ có nguy cơ tử vong. Do vậy, người bệnh cần điều trị hỗ trợ và có thể điều trị một số loại thuốc kháng virus trên bệnh nhân.

Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng), đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch), sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần mới hồi phục, nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Ảnh: TTXVN
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Ảnh: TTXVN

Người có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại các tổn thương trên da. Trường hợp bệnh xác định khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gen. Nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh sẽ thực hiện cách ly tối thiểu 14 ngày và phải hết các triệu chứng bệnh (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các vết thương đã đóng vảy khô).

Những người tiếp xúc gần với ca bệnh đậu mùa khỉ cần tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong 21 ngày, kể từ lần tiếp xúc cuối cùng. Trong thời gian này hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, đồng thời, không được hiến máu, hiến tế bào, tinh trùng, sữa mẹ…

Ngoài ra, với những người chăm sóc người bệnh đậu mùa khỉ lưu ý cần thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, găng tay y tế, mũ áo, kính mắt…; rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Khanh khuyên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc nếu cần thiết; sử dụng riêng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; thông báo cho những người tiếp xúc gần biết để tự theo dõi sức khỏe và liên hệ cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài vào năm 2022, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.