Vài năm mới quay lại Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của bệnh viện tuyến huyện này. Cơ sở vật chất được “thay da đổi thịt”, người dân đến khám phấn khởi, hài lòng. Bệnh viện trở thành đơn vị y tế đầu tiên của Thủ đô thực hiện bệnh án điện tử, bỏ hoàn toàn bệnh án giấy. Xung quanh nội dung này, chúng tôi đã có dịp trao đổi với TS Nguyễn Khuyến - Giám đốc BV đa khoa Mỹ Đức.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ lý do vì sao đơn vị quyết tâm thực hiện bằng được hồ sơ bệnh án điện tử tại một BV tuyến huyện của Hà Nội, trở thành 1 trong 19 BV trên toàn quốc và là bệnh viện đầu tiên của Hà Nội chính thức áp dụng bệnh án điện tử trong khi nhiều BV tuyến T.Ư cho đến nay vẫn chưa mặn mà triển khai?
- Từ ngày 1/3/2019, các BV bắt đầu triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, đảm bảo mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 các BV trên toàn quốc phải hoàn thành việc chuyển đổi này.
Như vậy việc triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử không những để sớm đáp ứng quy định của Bộ Y tế, mà còn là cách thức BV đổi mới, trang bị một công cụ làm việc tiên tiến để thay đổi về “chất” cho việc quản lý vận hành BV theo hướng thông minh, hiện đại. Việc triển khai bệnh án điện tử cũng cho thấy một nền y học hiện đại, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đi khám chữa bệnh (KCB).
Xuất phát điểm của BV đa khoa Mỹ Đức là BV đa khoa hạng III tuyến huyện, vùng lõm về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế Hà Nội. Từ giữa năm 2019, BV đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để theo kịp các đơn vị bạn còn chặng đường rất dài. Nhận thức được điều đó, theo xu thế phát triển chung của xã hội, để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các đơn vị với nhau, con đường ngắn nhất là triệt để ứng dụng CNTT vào lĩnh vực KCB. Do vậy, cấp Ủy - Ban Giám đốc và toàn thể viên chức, người lao động cùng quyết tâm thực hiện cho bằng được bệnh án điện tử.
Hạ tầng CNTT của BV được đầu tư bài bản, đầy đủ. Theo đó, thực hiện kết nối mạng LAN giữa các tòa nhà bằng hệ thống cáp quang, 100% các khoa phòng trong từng tòa nhà được kết nối mạng LAN. 100% Cán bộ, viên chức, người lao động được đào tạo và trang bị đầy đủ các trang thiết bị tin học phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Hệ thống các trang thiết bị thường xuyên được nâng cấp, phát triển để đảm bảo triển khai các ứng dụng CNTT.
Với tốc độ phát triển nhanh và bền vững của BV đa khoa huyện Mỹ Đức, việc phát triển, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý BV thông minh, hệ thống bệnh án điện tử trong công tác quản lý, điều hành là hết sức quan trọng và cần thiết, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho cả bệnh nhân, cán bộ y tế, BV và cơ quản quản lý.
Theo lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử của Bộ Y tế, từ năm 2019 các cơ sở y tế đã bắt đầu áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai bệnh án điện tử vẫn chỉ ở giai đoạn khởi động, theo đánh giá của ông, lý do gì khiến các cơ sở không mặn mà?
Các cơ sở y tế và đội ngũ cán bộ y tế chưa muốn thay đổi thói quen theo quy trình KCB truyền thống; Các quy trình của BV bị tác động theo, đòi hỏi phải thay đổi nhiều khâu.
Áp lực tự chủ BV cũng khiến các đơn vị còn dè dặt, nếu có thực hiện thì chỉ ở mức độ thăm dò. Vì thế khiến cho tốc độ triển khai bệnh án điện tử bị chậm so với lộ trình của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các đơn vị còn lo ngại mất, thất thoát, rò rỉ dữ liệu bệnh án và các thông tin khác.
Ngoài ra, hiện nay chưa có nhiều DN có kinh nghiệm, cũng như giải pháp tốt, tổng thể về hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử. Để triển khai được bệnh án điện tử thành công thì việc lựa chọn DN có kinh nghiệm là rất quan trọng. Trên thị trường hiện nay, qua tìm hiểu thì chúng tôi nhận thấy cũng chỉ có 4-5 đơn vị đã có kinh nghiệm, hầu hết các DN còn lại đang trong giai đoạn phát triển và nghiên cứu hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử.
Việc triển khai bệnh án điện tử hiện nay dù đã có quy định và lộ trình của Bộ Y tế, nhưng chế tài áp dụng với các cơ sở y tế chưa rõ ràng. Nếu có chế tài cụ thể, tôi nghĩ sẽ đẩy mạnh và nhanh được việc triển khai bệnh án điện tử. Ví dụ như trước kia, các BV muốn BHXH quyết toán thì phải đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra về dữ liệu điện tử, cụ thể là dữ liệu XML4210, XML917…
Việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị phục vụ triển khai bệnh án điện tử cũng diễn ra lâu, do phải thực hiện theo quy định và quy trình đấu thầu tập trung, đây cũng là 1 yếu tố làm chậm triển khai hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử.
Cái được lớn nhất khi triển khai bệnh án điện tử là gì, thưa ông?
- Khi triển khai bệnh án điện tử đã giúp loại bỏ nhiều công đoạn trong KCB, tiết kiệm nguồn chi phí rất lớn do không phải mua bệnh án giấy, in ấn… và tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y, bác sĩ, hướng tới việc điều trị hiệu quả và chất lượng, giảm thiểu sai sót y khoa…
Việc ứng dụng bệnh án điện tử mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, giúp cho bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm diện tích, không gian cho việc lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như trước kia. Ngoài ra cũng giảm thiểu bộ phận quản lý của kho hồ sơ bệnh án. Trước kia việc tra cứu, quản lý tốn rất nhiều nguồn lực của BV, nay thay bằng máy móc, thiết bị quản lý.
Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức là BV tuyến huyện hạng III, còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy chúng tôi định hướng việc nâng cao chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất là lựa chọn con đường chuyển đổi số. Lựa chọn này giúp cho người dân cảm nhận được tốt nhất và hiệu quả rõ rệt.
Ông có thể cho biết, trong thời gian đầu thực hiện, phản ứng của người bệnh ra sao?
- Thời gian đầu người bệnh còn bỡ ngỡ chưa quen, nhưng khi đã quen rồi thì họ cảm nhận được lợi ích cụ thể. Thời gian chờ đợi ở các khâu giảm 2/3 so với trước kia. Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được trả ngay tại phòng khám mà không phải chờ đợi ở khu cận lâm sàng như trước kia.
Người bệnh được ký điện tử trên thiết bị điện tử, được sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử, đặt lịch khám và lấy số khám trước khi vào viện…
Đối với BV đa khoa Mỹ Đức, khi triển khai số hóa bằng bệnh án điện tử, đơn vị gặp phải những khó khăn, trở ngại nào và ông phải giải quyết ra sao?
- Khó khăn hiện tại là cơ chế chính sách đối với việc thẩm định và quyết toán BHYT. Vì là BV đầu tiên của Hà Nội triển khai bệnh án điện tử, nên việc thực hiện các thủ tục, cơ chế còn vướng.
Nhưng theo tôi, khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen và tư duy của cán bộ công nhân viên. Việc triển khai hồ sơ bệnh án giấy, ghi chép bằng tay diễn ra từ trước đến nay rồi, cho nên chuyển sang hồ sơ bệnh án điện tử là một thay đổi vô cùng lớn.
Theo ông, những khó khăn, trở ngại đó có phải là những điều cản trở khiến nhiều BV không muốn thực hiện hoặc thực hiện nửa vời?
- Tôi nghĩ đó chỉ là 1 phần. Điều quan trọng để triển khai được bệnh án điện tử là ý chí của lãnh đạo và tập thể đơn vị.
Việc triển khai bệnh án điện tử được coi là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, ông có kỳ vọng gì đối với việc số hóa ngành y tế Thủ đô và sự liên thông ở các tuyến BV trung ương?
- Tôi rất mong muốn là các cơ sở y tế đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đặc biệt là các BV tuyến trung ương và các BV của Hà Nội. Lý do là khi các cơ sở đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thì việc liên thông, hội chẩn giữa các BV rất thuận lợi, đặc biệt là tiến tới việc chuyển tuyến điện tử. Người bệnh khi đang trên đường di chuyển lên tuyến trên nhưng tuyến trên đã nhận được hồ sơ bệnh án, ra phương án điều trị và hội chẩn trước khi tiếp nhận bệnh nhân, tức là luôn luôn chủ động.
Việc liên thông các kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử dễ dàng thực hiện hơn, do khi đạt bệnh án điện tử thì các giấy tờ hồ sơ bệnh án đã đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý.
Những trăn trở của ông và điều gì khiến ông muốn thay đổi nhất đối với BV đa huyện Mỹ Đức nói riêng và BV tuyến huyện của Hà Nội nói chung?
- Thực trạng của BV đa khoa huyện Mỹ Đức, cũng là thực trạng của các BV tuyến huyện của Hà Nội khiến tôi phải suy nghĩ về các giải pháp nâng cao chất lượng KCB tại các BV tuyến huyện. Làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh và để người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến cơ sở. Khi BV tuyến cơ sở nâng cao chất lượng, người dân tin tưởng, yên tâm điều trị sẽ giảm bớt áp lực quá tải cho các BV tuyến trên, giảm bớt chi phí đi lại cho người bệnh.
Với mong muốn đó, chúng tôi đã đề xuất các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư kinh phí để sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng tạo cho BV có cảnh quan xanh, sạch đẹp, mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ chuyên môn.
Từ năm 2020 đến nay, UBND TP và Sở Y tế đã đầu tư kinh phí sửa chữa cải tạo nhà khoa đông y, nhà khu hành chính và tiêm chủng, mua sắm Hệ thống chụp cắt lớp vi tính, máy điện tim, lắp đặt hệ thống khí y tế. Năm 2022 và các năm tiếp theo, chúng tôi dự kiến đầu tư sửa chữa tầng 2 đến tầng 5 nhà kỹ thuật, sửa chữa khoa truyền nhiễm …, đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu như máy siêu âm chuyên tim mạch, máy đo lưu huyết não, máy đo mật độ xương, máy sinh hiển vi mổ mắt…
Ngoài ra, tôi luôn trăn trở làm sao thực hiện tốt việc đổi mới phong cách phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Làm sao để người bệnh đến KCB được đón tiếp chăm sóc chu đáo, hướng dẫn tận tình, được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế theo quy định.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của đơn vị, số lượt người đến khám chữa bệnh ngày một tăng lên năm 2018 bình quân 200 lượt người/ngày đến nay trung bình từ 500-600 lượt người/ngày, BV đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao (phẫu thuật nội soi, phẫu thuật kết hợp xương…), năm 2020 đã triển khai thực hiện đề án tiêm chủng, thành lập nhiều khoa phòng mới (đơn nguyên sơ sinh, đơn nguyên nội tiêu hóa, nội tim mạch), dự kiến tháng 11 đơn nguyên chạy thận nhân tạo sẽ triển khai thực hiện, triển khai dịch vụ kỹ thuật chụp cắt lớp, xét nghiệm RT –PCR…
Như ông nói, trăn trở lớn nhất là nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhưng muốn làm được điều đó, phải có nhân lực chất lượng cao, trong khi nhiều BV tuyến huyện, kể cả tuyến TP cũng khó thu hút nhân lực giỏi, thưa ông?
- Từ năm 2020 nhờ có phương án thu hút nhân lực, BV đã mời được một số chuyên gia, bác sỹ có chuyên môn cao, kỹ thuật cao đến trực tiếp KCB và đào tạo chuyên môn nghiệp cho cán bộ của BV. Đó là các chuyên gia về phẫu thuật ngoại khoa, gây mê hồi sức, phẫu thuật mắt, phẫu thuật tai mũi họng, răng hàm mặt, chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, ung bướu… Bên cạnh đó, BV cũng tuyển dụng được một số bác sỹ trẻ có nguyện vọng về BV làm việc lâu dài. Đến nay, bệnh viện đã có 77 bác sĩ (trong đó trình độ từ chuyên khoa 1/Thạc sĩ trở lên là 12 người), ngoài ra, chúng tôi còn cử bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo các chuyên khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu… tại các BV Bạch Mai, Đức Giang, 103…
Ông có thể hình dung BV đa huyện Mỹ Đức trong 5 năm, 10 năm tới?
- Với sự nỗ lực hết sức đáng trân trọng của tập thể BV, từ tháng 5/2021, BV đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT, triển khai bệnh án điện tử và từ tháng 9 năm 2021, BV đã được UBND TP công nhận và xếp hạng là BV đa khoa hạng II. Những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới trong KCB như CT-Scaner; xét nghiệm Retime-PCR, tư vấn, khám bệnh qua tổng đài… Đặc biệt, chúng tôi sẽ triển khai Đơn vị Lọc thận nhân tạo với 20 máy lọc thận, bước đầu sẽ giảm tải cho tuyến trên, mặt khác giảm được chi phí cho người bệnh khi không phải chuyển tuyến.
Được tự chủ về nhân lực, BV sẽ có phương án tuyển dụng và sử dụng nhân lực phù hợp, không bị ràng buộc bởi chỉ tiêu biên chế được giao, từ đó tạo đòn bẩy để BV phát triển ngang tầm với các đơn vị bạn.
Với đà phát triển của BV và được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức người lao động, tôi tin tưởng rằng 5 năm, 10 năm tiếp theo, BV sẽ phát triển xứng tầm là BV hạng II, là địa điểm tin cậy khi người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. BV sẽ cung cấp được các dịch vụ kỹ thuật cao tương đương với các BV tuyến trên, là địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân huyện Mỹ Đức và vùng lân cận.
Xin cảm ơn ông!
Hải Lý (thực hiện)
Ảnh: Duy Khánh
Thiết kế: Ngọc Minh
19:08 30/10/2021