Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bịt kín những khoảng trống

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, việc nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người có thẩm quyền, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch… là vấn đề đang được nhấn mạnh.

Bởi thực tế, không ít sai phạm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua đến từ sự lỏng lẻo trong quản lý, dẫn đến các cá nhân lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi.

Từ những con số vừa được nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra, dư luận cảm thấy vừa vui, vừa buồn. Vui vì Đảng, Nhà nước tiếp tục loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng buồn bởi tham nhũng gắn với quyền lực và như nhóm nghiên cứu chỉ ra, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng thể hiện công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế.

Như những số liệu được dẫn ra, từ 1/10/2022 - 31/7/2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%. Điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nên việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều.

Liên tục các vụ việc được phát hiện, các cá nhân bị xử lý. Không chỉ những vụ việc mới phát sinh, cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước, các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả khu vực công và khu vực tư cũng đã được tập trung đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, công khai sai phạm. "Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực” như nhiều ý kiến đã nhận định.

Từ thực tế cũng thấy tham nhũng ngày càng tinh vi, càng phức tạp để đối phó với cơ quan chức năng. Như có ý kiến đã ví “mình cứ ra cái khiên này thì nó lại có cái mác khác”. Theo dõi việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều vụ việc thời gian qua cho thấy, sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý Nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để vi phạm, trục lợi.

Như nhóm nghiên cứu đã nhận định, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng trục lợi, nhận hối lộ. Có những hành vi vi phạm kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi trên cả nước nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý.

Đúng như quan điểm, phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng nhưng phòng ngừa mới là chính, cơ bản, lâu dài, do đó, việc có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt sẽ tạo động lực to lớn để ngăn ngừa, đấu tranh với sai phạm.

Do đó, vấn đề đặt ra là thực hiện nghiêm các chuẩn mực đạo đức, để cán bộ tránh xa cám dỗ, dẫn đến hư hỏng; đề ra tiêu chí để những người nắm chức vụ quyền hạn biết dừng đến đâu, tự kiểm soát quyền lực của bản thân mình. Hơn thế nữa, kịp thời bịt các kẽ hở, lỗ hổng phát sinh tham nhũng; bảo đảm hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước khách quan, minh bạch và đúng pháp luật…

Trong đó, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý Nhà nước, kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, chính sách là những vấn đề tiếp tục được đặt ra. Đồng thời với cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc vi phạm... được thực thi hiệu quả, việc bịt kín được những kẽ hở, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, để "không thể tham nhũng, tiêu cực" sẽ tiếp tục tạo hiệu quả cao hơn nữa.