Theo hãng tin Tass, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hristov hôm 25/8 cho biết việc đàm phán mua khí đốt với Gazprom Export sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nước này.
“Nếu việc ký hợp đồng không được tiến hành sẽ khiến Sofia thiệt hại hàng tỷ lev," Bộ trưởng Hristov nói với các phóng viên hôm 25/8.
"Theo dự thảo hợp đồng với Gazprom Export, giá khí đốt mà chúng tôi có thể nhận được ngang với mức giá khí đốt mua từ Azerbaijan. Trong khi đó, giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chúng tôi đặt mua và được giao trong tháng 9 tới đắt hơn gần 50% so với mức giá khí đốt của Nga," ông Hristov nói thêm.
Trước đó, hôm thứ Hai tuần này, Bulgaria, một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), thông báo sẽ đàm phán với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom để nối lại việc mua khí đốt, sau khi Nga cắt xuất khẩu mặt hàng này cho Sofia vài tháng qua.
Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hristov ngày 22/8 cho biết nước này sẽ tổ chức đàm phán với Gazprom Export về vấn đề cung cấp năng lượng.
"Các doanh nghiệp Bulgaria không thể chịu đựng được giá khí đốt cao. Việc đàm phán với Gazprom Export về việc nối lại nguồn cung là không thể tránh khỏi vào thời điểm hiện tại," Bộ trưởng Hristov thừa nhận, đồng thời lưu ý rằng, sẽ rất khó để đạt được thỏa thuận với Gazprom vào lúc này. Bulgaria cũng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với Azerbaijan về vấn đề nguồn cung khí đốt.
Trả lời phỏng vấn Tass hôm 21/8, Đại sứ Nga tại Bulgaria Eleonora Mitrofanova nói rằng, việc giải quyết vấn đề nguồn cung khí đốt hoàn toàn phụ thuộc vào lập trường của các chính trị gia Bulgaria.
Ngày 27/4, Gazprom đã khóa van khí đốt cấp cho Bulgaria vì Sofia không thanh toán mặt hàng trên cho Nga bằng đồng rúp. Trước đó, Bulgaria nhập khẩu hơn 90% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong nhiều thập niên.
Do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung năng lượng từ Nga, nên nền kinh tế Bulgaria đã đối mặt với hàng loạt khó khăn khi Moscow cắt khí đốt.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia cũng đối mặt với khủng hoảng năng lượng khi Nga bắt đầu giảm bớt nguồn cung khí đốt. Giá cả dầu, khí đốt tăng vọt, gây ra lạm phát ở nhiều nước. Nga cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là lý do khiến giá khí đốt tăng cao.
Tập đoàn Gazprom lý giải tuabin vận hành đường ống khí đốt Nord Stream 1 bị trục trặc kỹ thuật hoặc bị trì hoãn đưa trở lại là nguyên nhân chính khiến lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống này bị giảm. Lượng khí đốt qua Nord Stream 1 từ ngày 27/7 vừa qua giảm xuống mức 1/5 tổng công suất.
Gazprom cũng vừa thông báo kế hoạch bảo trì trạm nén khí đốt Portovaya từ 31/8 đến 2/9. Khi đó, khí đốt sẽ ngừng vận chuyển theo đường ống Nord Stream 1 nối Nga và Đức qua biển Baltic.